06/07/2024 - 13:15

Lắng nghe con bằng trái tim 

Ngày nay, mỗi gia đình thường chỉ có 1-2 con, nên đa phần phụ huynh đặt nhiều kỳ vọng vào con cái, dẫn đến áp đặt suy nghĩ chủ quan, ép con học tập, làm việc để trở thành hình mẫu mà mình mong muốn. Qua đó, không chỉ tạo áp lực mà còn khiến con trẻ thui chột ước mơ cũng như năng lực vốn có.

Sự kỳ vọng của ba mẹ luôn xuất phát từ tình yêu thương. Ảnh minh họa

Chị Tố Như ngụ quận Cái Răng, chỉ có 1 con trai. Trước đây, chị từng mơ ước trở thành bác sĩ nhưng do gia đình không có điều kiện nên việc học hành dở dang. Vì vậy, khi kinh tế gia đình vững chãi, chị cố gắng đầu tư, tạo mọi điều kiện cho con. Mong con trai trở thành bác sĩ, chị ép con học. Hằng ngày, ngoài giờ đến trường, con trai chị phải học thêm ca chiều và tối. Không phụ lòng mong mỏi, kỳ vọng của ba mẹ, con trai chị Như luôn là học sinh giỏi ở các cấp học. Tuy nhiên, con chị không thích học ngành y mà muốn trở thành kỹ sư xây dựng. Biết mong muốn của con trai, chị phản đối kịch liệt. Khi con trai không đủ điểm vào ngành y như kỳ vọng, chị Như cứ mãi phàn nàn, trách móc.  

Gia đình chị Ngọc Trân ngụ quận Ninh Kiều, cũng hà khắc trong việc học hành của 2 cô con gái. Chị kể, hồi xưa, gia đình chị là thương gia, rất khá giả. Ba chị luôn áp dụng “kỷ luật sắt” để rèn các con. Từ nhỏ, chị đã phải đi làm thêm để biết trân trọng giá trị đồng tiền. Mặt khác, việc chị học giỏi được mặc định là đương nhiên và chỉ cần chị học hành sa sút, ba mẹ đã trách phạt rất nặng. Cứ như vậy, chị lớn lên trong sự nghiêm khắc của ba mẹ và trở thành một giám đốc giỏi, điều hành công ty riêng. Đến nay, khi có con, chị lại áp dụng rập khuôn cách dạy ngày xưa của ba mẹ. Cả 2 con gái của chị đã học tiếng Anh ở trung tâm từ lúc 5 tuổi. Hiện nay, ngoài lịch học ở trường, ngày thứ bảy và chủ nhật, các con của chị học thêm tiếng Anh, tiếng Pháp. Chị không cần quan tâm xem các con có thích những môn học ấy hay không mà cha mẹ phải là người định hướng. Chị cho rằng: “Bản thân tôi có sức học tốt, con tôi có gen di truyền tốt thì không thể nào có học lực kém. Chỉ trừ khi các con lười”. Từ suy nghĩ này, chị luôn tạo áp lực với 2 con. Điều này vô tình khiến các con ngày càng mất đi sự hồn nhiên của tuổi thơ. Con gái lớn đến tuổi vào lớp 9 đã có triệu chứng trầm cảm, phải điều trị 1 năm mới khỏi. Khi ấy chị mới nhận ra rằng mình quá hà khắc, không gần gũi con để kịp thời lắng nghe nỗi niềm của con. 

Trái ngược chị Như và chị Trân, chị Hà ở quận Ninh Kiều, quan niệm rằng: “Ba mẹ nên là người biết lắng nghe và tôn trọng các con. Việc gò ép con theo ý mình sẽ dễ đẩy con cái vào trạng thái mất cân bằng tâm lý”. Chị Hà có 2 con trai. Từ nhỏ, chị cho 2 con học vẽ, đàn theo sở thích. Qua đó, 2 con của chị ngày càng phát huy năng khiếu. Chị Hà chia sẻ: “Rất nhiều người khuyên tôi không nên phí thời gian cho con trai học vẽ, học đàn. Tuy nhiên, tôi nghĩ, chỉ cần con thích môn học năng khiếu gì, tôi đều ủng hộ và tạo điều kiện cho con trải nghiệm, chủ yếu cho các con vui và có kỹ năng sống”. 

Theo nhiều chuyên gia tâm lý, các bậc phụ huynh luôn mong những điều tuyệt vời nhất cho con cái. Vì vậy, một bộ phận phụ huynh áp đặt con cái thái quá, bắt ép con phục tùng ý kiến chủ quan của mình, chỉ trích ước mơ của con với những đánh giá cảm tính, cực đoan mà không xét đến sở thích, năng khiếu... của con. Thực tế đã chứng minh, khi sự kỳ vọng của cha mẹ không dựa trên sự thấu hiểu năng lực, sở trường của con cái, sẽ tạo thành những áp lực vô hình, để lại gánh nặng tâm lý cho trẻ. Thay vào đó, các bậc phụ huynh hãy để con tự do lựa chọn và phát huy hết khả năng. Điều quan trọng chính là quan tâm đến tình cảm, năng lực của con cái để có thể điều chỉnh hài hòa, rèn luyện những đức tính tốt, giúp con tự tin vào bản thân, phát huy năng lực để vươn tới thành công.

Bài, ảnh: Kiến Quốc

Chia sẻ bài viết