04/10/2024 - 23:03

Cẩn trọng với biến chứng thầm lặng của bệnh đái tháo đường 

(CTO) - Cụ ông 75 tuổi ở tỉnh Vĩnh Long không hay mắc bệnh đái tháo đường cho đến khi chỉ số đường huyết tăng cao bất thường và nhiều biến chứng sức khỏe nghiêm trọng khiến ông phải nhập viện cấp cứu.

Các bác sĩ Bệnh viện (BV) Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long tiếp nhận ông T.V.L với tình trạng ho, sốt liên tục 3 ngày, mệt lã, nói khó nghe. Người nhà cho biết, gần đây cụ ông hay mệt mỏi, khát nước nhiều, khô cổ họng và sụt cân nhanh. Cụ ông có tiền sử tăng huyết áp, tai biến mạch máu não. Kết quả xét nghiệm máu của ông là 799mg/dl, cao gần 8 lần so với mức đường huyết bình thường (chỉ số đường huyết bình thường từ 80 - 100mg/dl). Tổng hợp kết quả các cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc đái tháo đường tuýp 2 nhiễm toan ceton, tăng huyết áp, viêm phổi, di chứng nhồi máu não, theo dõi tổn thương thận cấp trước thận.

Các bác sĩ tiến hành hội chẩn cấp 2, chỉ định điều trị hồi sức tích cực, bù dịch theo phác đồ, kiểm soát đường huyết bằng truyền insulin liên tục, bù bicarbonat, kháng sinh, nâng tổng trạng, theo dõi đường huyết, nước tiểu và điện giải mỗi giờ. Sau 2 ngày điều trị tích cực, người bệnh tỉnh táo, hết sốt, giảm ho, giảm mệt, nói rõ dễ nghe, ăn uống được, giảm khát nhiều, đường huyết dần ổn định. Sau 7 ngày điều trị nội trú, sức khỏe cụ dần ổn định và vừa được bác sĩ cho xuất viện.

Bác sĩ thăm khám cho cụ ông trước khi xuất viện. Ảnh: BV.

BS CKI Lâm Thanh Danh, Phó trưởng Khoa Nội tim mạch BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết, cụ ông không được tầm soát bệnh đái tháo đường từ trước. Khi nhập viện cấp cứu, chỉ số đường huyết tăng cao so với mức đường huyết bình thường, nguy cơ tử vong nếu không nhanh chóng xử trí kịp thời. 

Theo BS Danh, nhiều người sống với bệnh đái tháo đường tuýp 2 trong một thời gian dài mà không nhận biết được tình trạng bệnh, đến khi được chẩn đoán, bệnh đã ở mức độ nặng. Vì vậy, người lớn tuổi cần tầm soát định kỳ 1-2 lần mỗi năm tại các cơ sở y tế để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường và điều trị tích cực ngay từ đầu. Việc tuân thủ phác đồ điều trị rất quan trọng nhất để kiểm soát chặt chẽ đường huyết, duy trì tốt tình trạng sống chung với bệnh. Người bệnh đái tháo đường thực hiện lối sống vận động, dinh dưỡng tích cực có thể phòng ngừa hoặc trì hoãn diễn tiến bệnh. Bệnh nhân đái tháo đường khi thấy xuất hiện các dấu hiệu bất thường (mệt, vã mồ hôi, khát nhiều, tiểu nhiều...) trong quá trình dùng thuốc, cần đến ngay cơ sở y tế tái khám và điều chỉnh thuốc.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết