Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH
Khóm Cầu Ðúc từ ngót trăm năm trước đã vang danh khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Những ghe khóm Cầu Ðúc từ dòng Cái Lớn, Xà No tỏa đi muôn ngả. Ðời nối đời, nghề truyền nghề, người Hậu Giang vẫn đang vun bồi cho những rẫy khóm thêm tốt tươi, những trái khóm thêm ngọt vị đất thơm hương đời. Khóm Cầu Ðúc như một đại sứ văn hóa, biểu tượng của quê hương Hậu Giang hôm nay.
Bà con Cầu Đúc với những quầy hàng bán khóm, rau choại ven đường.
Đường về rẫy khóm
Một sáng mưa dầm đầu tháng 8 âm lịch, ông Vu Sủi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Thắng (ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh) cẩn thận dán tem truy xuất nguồn gốc khóm Cầu Ðúc, sản phẩm OCOP của hợp tác xã. Gần cả đời người gắn bó với cây khóm Cầu Ðúc, lão nông thấu hiểu những thăng trầm của nghề trồng khóm. Cây khóm giúp gia đình ông và làng xóm đổi đời. Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, cây khóm mang thương hiệu quê hương Cầu Ðúc ngày càng đi xa hơn.
Trong hợp tác xã, nhiều diện tích trồng khóm của xã viên đạt chứng nhận GLOBALGAP. Như ông Lâm Trường Thọ, có 4ha đất trồng khóm thì hơn nửa diện tích đã được chứng nhận. Ðể đạt tiêu chuẩn GLOBALGAP, công việc trồng khóm sẽ cực hơn, khó hơn và đôi khi phải thay đổi tập quán cũ nhưng bù lại, năng suất, lợi nhuận cao hơn và quan trọng nhất là khóm Cầu Ðúc sẽ đi xa hơn. Ngoài bán khóm trái, ông Lâm Trường Thọ sản xuất nước màu khóm, rượu khóm, si-rô khóm… mang thương hiệu “Trường Thọ”, có mã số sản phẩm, truy xuất nguồn gốc. Tương tự, các hộ khác như bà Trần Thị Kim Hai, ông Trần Văn Bá… bằng tài vén khéo đã làm ra và quảng bá món ngon từ khóm, mang về thu nhập không nhỏ.
Ông La Thanh Nghiệp, ngụ ấp Thạnh Thắng, hào hứng giới thiệu với chúng tôi ngôi nhà mới của ông: “Nhà này mới cất xong hồi 29 Tết vừa rồi. Nhà của tôi hồi trước ở cách đây mấy cây số, không êm như ở đây đâu”. Từ “êm”, theo lời ông Nghiệp, là vì những rẫy khóm ở Thạnh Thắng bây giờ được bảo vệ bởi công trình đê bao Long Mỹ - Vị Thanh, tuyến đường nông thôn cắt ngang những rẫy khóm bây giờ ô tô bon bon. Cảnh quan đẹp như một bức tranh đầy màu sắc, trong đó bạt ngàn khóm là chủ đạo. Cũng nhờ con đường này mà chuyện vận chuyển, buôn bán và làm du lịch của bà con Hỏa Tiến hanh thông hơn. Ông Nghiệp còn chỉ thêm cho chúng tôi hệ thống máy bơm tưới, tưới phân và so sánh: “Hồi xưa làm 20 công khóm cực trần thân, bây giờ thì khỏe ru, còn có thể làm chuyện khác”.
Theo UBND TP Vị Thanh, cây khóm tiếp tục được phát triển vùng trồng ở Cầu Ðúc, với diện tích năm 2023 là gần 2.400ha, năng suất đạt 16,9 tấn/ha. Ngành Nông nghiệp tỉnh và địa phương, trực tiếp là Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang và Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Hậu Giang, đã hỗ trợ các hộ dân thực hiện mô hình áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GLOBALGAP vào sản xuất khóm, với tỷ lệ 2,4%, trong đó có 10ha khóm trên địa bàn xã Hỏa Tiến được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP và 30ha được chứng nhận GLOBALGAP. Ðến nay, TP Vị Thanh đã có hơn 50% diện tích trồng khóm áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Ðặc biệt, đã có 9 sản phẩm chế biến từ khóm được công nhận OCOP đạt 3 sao, 4 sao, có nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc.
Khóm Cầu Ðúc được tỉnh Hậu Giang chọn là đặc sản của tỉnh và là 1 trong 10 nông sản chủ lực. Ðặc biệt hơn, vào năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm khóm Cầu Ðúc Hậu Giang. Ðây là thành quả sau quá trình nỗ lực của địa phương trong xây dựng và phát triển thương hiệu khóm Cầu Ðúc. Theo đó, chỉ dẫn địa lý khóm Cầu Ðúc Hậu Giang có khoảng 3.100ha, trong đó tập trung nhiều ở xã Hỏa Tiến, Hỏa Lựu, Tân Tiến, Vị Tân, phường VII của TP Vị Thanh, và một phần xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ. Chính việc xác lập “khai sinh” và “quê quán” cho cây khóm mà khóm Cầu Ðúc đã được nâng cao vị thế, phát triển thương hiệu và tăng sức cạnh tranh.
Ông Nghiệp nói rằng tuyến đường dọc sông Cái Lớn này đang được TP Vị Thanh xây dựng mô hình “Tuyến đường đẹp”. Về rẫy khóm Cầu Ðúc giờ không còn chỉ đường kiểu “qua khúc cua này, chạy thẳng, quẹo phải” mà bằng những cú lướt tay trên điện thoại thông minh và bon bon xe tải, ô tô vào tận bến, ra tận rẫy.
Về miền khóm ngọt
Cách đây chừng 1 năm, Tổ chức Kỷ lục Châu Á đã xác lập kỷ lục “Các món ăn từ khóm Cầu Ðúc” cho tỉnh Hậu Giang. Một bàn tiệc đậm đà sắc, hương từ trái khóm: tô canh chua khóm thơm lừng, dĩa khóm xào không chê vào đâu được, rồi củ hủ khóm, mứt khóm, nước ép khóm… Người Hậu Giang đã tháo vát ruộng đồng để trồng nên khóm ngon, lại còn khéo léo làm nên những món ngon từ khóm, vang danh châu Á. Anh Phạm Tuấn Lẹ, một đầu bếp tham gia xác lập kỷ lục, chia sẻ: “Tôi đi tới đâu cũng vậy, hễ nghe giới thiệu quê Hậu Giang là nhiều người lại nhắc đến cá thát lát và khóm Cầu Ðúc. Bao nhiêu đó thôi đã thấy vui rồi!”. Còn chị Trần Thị Kim Hai, người dân trồng khóm Cầu Ðúc, nổi tiếng với các sản phẩm OCOP về khóm, cười xòa: “Lúc đầu nghĩ chỉ làm ăn chơi, như hồi đó tới giờ bà con Cầu Ðúc vẫn làm. Ai dè, bà con thích lắm”.
Thật vậy, khóm Cầu Ðúc giờ không chỉ là của vùng đất “Hỏa”, mà là món quà thiên nhiên của đất và người Hậu Giang. Thấy trái khóm Cầu Ðúc thì nhớ quê hương Hậu Giang xanh ngời. Cũng vì lẽ đó, nhà nghiên cứu Nhâm Hùng cho rằng, Hậu Giang cần định vị, xác lập vị thế văn hóa xứng tầm cho khóm Cầu Ðúc. Tức là từ xây dựng sản phẩm đến biểu tượng, bộ nhận diện, đều cần sự khác biệt và mang yếu tố văn hóa. Cây khóm đã gần 1 thế kỷ gắn bó với miền Hậu Giang, nên sự tri ân dành cho loài cây này là điều rất cần thiết. “Tri ân khóm và tri ân cả người trồng khóm. Ðiều này, tỉnh Hậu Giang đang làm rất tốt” - ông Nhâm Hùng nói.
Vận động viên giải marathon Hậu Giang về đích với những trái khóm trên tay do người dân Cầu Đúc tặng.
Chuyên gia du lịch Phan Ðình Huê, người có nhiều tâm huyết với du lịch Hậu Giang và từng là Chủ nhiệm Ðề án tư vấn phát triển du lịch TP Vị Thanh, cho biết ông đã tiếp cận những rẫy khóm Cầu Ðúc từ khá sớm và nhìn thấy tiềm năng du lịch từ loại hình nông nghiệp này. Cuối năm 2019, ông từng dẫn đoàn khách Mỹ đến trải nghiệm rẫy khóm và họ hoàn toàn bị chinh phục bởi sự độc đáo nơi đây. Ðồng quan điểm với nhà nghiên cứu Nhâm Hùng, ông Huê cho rằng, cần tạo sự khác biệt trong xây dựng sản phẩm du lịch khóm Cầu Ðúc, từ nhận diện thương hiệu đến đặc tính sản phẩm, trải nghiệm du khách, theo hướng khách phải được thưởng thức, tiếp xúc văn hóa địa phương. Du khách sẽ tham quan rẫy khóm, đồng hành cùng người dân làng nghề, thưởng thức các món ngon từ khóm… làm nên chuỗi giá trị, du lịch tuần hoàn.
Mỗi khi nhắn tin Zalo với những bạn bè công tác ở Hậu Giang, người ta vẫn thường nhận được các sticker (biểu tượng) “Bé Khóm”. Ðó là trái khóm Cầu Ðúc cách điệu khi cười, khi hoan hô, khi tỏ vẻ đồng ý “triệu like”… rất đáng yêu. Tháng 10-2023, tỉnh Hậu Giang tổ chức Festival Áo bà ba, trong đó có ra mắt bộ sưu tập áo bà ba được dệt từ sợi tơ khóm Cầu Ðúc. Ý thức văn hóa, cảm xúc văn hóa từ những chiếc áo bà ba được thể hiện rất rõ. Nhà thiết kế Huệ Thi rất tâm đắc với chất liệu đặc biệt này và đã thiết kế nên những chiếc áo bà ba cách điệu rất đẹp. Chị cho rằng, Hậu Giang đã có một cách quảng bá văn hóa, nông sản rất sáng tạo và đầy nỗ lực. Bộ sưu tập thời trang bằng tơ khóm sau đó còn được nhà thiết kế Huệ Thi mang giới thiệu trong một sự kiện thời trang lớn tại Thủ đô Hà Nội. Hay qua các lần tổ chức giải marathon, Hậu Giang đều xây dựng các cung đường thi đấu giúp vận động viên trải nghiệm rẫy khóm Cầu Ðúc và thưởng thức vị ngọt xứ Hậu Giang. Nhiều vận động viên đã băng băng về đích với những trái khóm chín vàng trên tay thể hiện tình yêu với mảnh đất này.
Dịp Lễ 2-9 vừa qua, khi về với xóm nghề trồng khóm ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh, chúng tôi gặp một đoàn khách đang trải nghiệm trên tuyến đường cặp sông Cái Lớn. Họ mải mê chụp ảnh, trải nghiệm giữa hai bên rẫy khóm bạt ngàn, dù mưa lất phất. Hình ảnh đó không lạ với bà con nơi đây, vì Thạnh Thắng từ lâu đã được xây dựng thành điểm du lịch cộng đồng. Ông La Thanh Nghiệp kể: “Nhiều khi khách ghé nhà, mình mời họ ăn miếng khóm, rồi kể cho họ chuyện cây khóm, chuyện rẫy bái quê mình. Vậy mà họ thích”. Chị Lê Thị Cẩm Thúy, du khách đến từ tỉnh Sóc Trăng thích thú chia sẻ: “Lần đầu tôi biết cách trồng rẫy khóm. Với lại tôi nghe danh khóm Cầu Ðúc đã lâu, nay là lần đầu tôi được đến”.
Du lịch về Cầu Ðúc là tìm về miền khóm ngọt. Chuyên gia du lịch Phan Ðình Huê cho rằng, Hậu Giang đang sở hữu một tài nguyên du lịch quý báu từ khóm. Khóm Cầu Ðúc có vị trí dễ tiếp cận; cảnh quan đẹp: bên bờ Cái Lớn, diện tích rộng; có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon: ăn tươi, làm mứt, phơi khô, nấu canh, xào… hay đơn giản là đem nguyên trái về làm quà cũng ấn tượng. Quả vậy, sự quyến rũ của khóm Cầu Ðúc đã đi vào thơ, vào nhạc, để về Cầu Ðúc bây giờ, lại nghe văng vẳng câu vọng cổ luyến lưu: “Nhớ nghe anh, mùa rẫy mới sang năm. Khi khóm chín vàng đồng, mình làm lễ cưới. Ðể tình ta mang vị ngọt quê đồng!” (“Khóm ngọt”, Ngô Hồng Khanh).
Vậy, địa phương có định hướng phát triển du lịch từ tài nguyên khóm Cầu Ðúc ra sao?
-------------
Mời xem bài cuối:
Ðịnh hình mô hình du lịch cộng đồng khóm Cầu Ðúc