17/09/2024 - 06:38

Trăm năm khóm Cầu Ðúc
Bài 2: Hành trình khóm Cầu Đúc 

Ven bên sông Cái Lớn, ngoài khóm Cầu Đúc còn có 2 vùng đất nổi tiếng với trái khóm là khóm Ba Đình và khóm Tắc Cậu. Hành trình cây khóm trải dài theo dòng sông và đời người, làm nên những giá trị văn hóa phi vật thể đặc trưng trong thực hành di sản nghề quê. Định vị khóm Cầu Đúc để thấy sức lan tỏa của trái ngọt từ xứ “Hỏa”.

Nghề quê bên dòng Cái Lớn

Dẫn chúng tôi tham quan cánh đồng nuôi tôm càng xanh bạt ngàn ở ấp Bến Bào, xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, lão nông Đặng Văn Nhỏ (Út Nhỏ), giới thiệu: Ngay tại cánh đồng này, cách đây chừng 30 năm, đều là rẫy khóm. Khóm bạt ngàn, trải dài qua các ấp của xã Vĩnh Lộc A và xã Vĩnh Lộc như Bình Lộc, Ba Đình, Bến Bào, Lộ Xe… cùng với địa bàn một số xã của huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, giáp ranh, làm nên thương hiệu khóm Ba Đình. Riêng ở xã Vĩnh Lộc A - “cái rốn” của khóm Ba Đình, những “đại gia” trồng khóm vang danh một thời có Kha Toàn, Hai Kiểng, Bảy Châu… mỗi người có đến hàng trăm công khóm.

Trồng khóm đòi hỏi phải đào mương, lên liếp.

Theo ông Út Nhỏ, cây khóm được trồng ở xứ Ba Đình này khoảng 70 năm, trước đó có trồng nhưng không nhiều. Xứ Ba Đình trải dài ven sông Cái Lớn, và những cây giống đầu tiên được bà con người Hoa ở địa phương mang về từ xứ Cầu Đúc hay Tắc Cậu. Dù vậy, do thổ nhưỡng, nên cây khóm Ba Đình có nét đặc trưng riêng là cho trái lớn, nước nhiều, ngọt. “Nếu đất tốt, mỗi trái nặng hơn 2kg là chuyện bình thường” - ông Út Nhỏ nói. Thời hoàng kim, chỉ tính riêng địa bàn xã Vĩnh Lộc A đã có đến vài trăm héc-ta trồng khóm, nay thì chỉ còn khoảng 10ha, do bà con chuyển đổi sang nuôi tôm.

Đến chợ Ba Đình (xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân), chúng tôi xuống đò nhỏ qua phía bên kia chợ, thuộc địa bàn xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, tìm về Nông trường Ba Đình nổi danh với nghề trồng khóm. Ông Trần Văn Phong, ngụ ấp Bình Hòa, xã Vĩnh Bình Bắc, là hộ dân có thâm niên trồng khóm lâu đời ở nông trường. Cách đây chừng 30 năm, nhà ông Phong có đến gần 130 công khóm, giúp kinh tế gia đình vững vàng. Bây giờ, ông Phong vẫn giữ diện tích trồng khóm hơn một nửa, kết hợp nuôi tôm.

Theo ông Phong, xứ này xưa chủ yếu là đồng năn. Khi nhà nước có chủ trương làm nông trường trồng dừa, bà con cũng khai hoang vùng lân cận, nhưng chọn cây khóm để lập nghiệp. Giống khóm được mua từ Cầu Đúc, Tắc Cậu về trồng. Cao điểm trồng khóm ở Nông trường Ba Đình là những năm 1982-1985, trải dài các xã của huyện Vĩnh Thuận và huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, như Vĩnh Bình Bắc, Vĩnh Bình Nam, Vĩnh Phước A, Vĩnh Phước B, Vĩnh Hòa Hưng Nam… Cây khóm có ở Nông trường Ba Đình chừng 70 năm qua và với địa bàn giáp ranh với Cầu Đúc (hiện nay vẫn còn chợ Cầu Đúc, thuộc ấp Tạ Quang Tỷ, xã Vĩnh Hòa Hưng Nam, huyện Gò Quao, đối diện xã Hỏa Lựu, Hỏa Tiến, TP Vị Thanh), có thể hình dung hành trình cây khóm ven sông Cái Lớn.

Từ chợ Cầu Đúc, chúng tôi chạy thẳng về ngã ba Lộ Quẹo, huyện Gò Quao để đi đến xứ sở khóm Tắc Cậu, thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Ông Lê Quốc Việt, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành, là người cả đời gắn bó với nông nghiệp xứ này, kể với chúng tôi về cây khóm quê hương.

Khóm Tắc Cậu được trồng khoảng những năm 1940, theo bờ sông Cái Lớn thuộc xã Bình An, Vĩnh Hòa Phú và một phần xã Minh Hòa bên bờ sông Cái Bé, thuộc huyện Châu Thành. Khóm Tắc Cậu được trồng trên đất phù sa, dưới có lớp thực bì từ đất khai hoang, lại có độ mặn nhiều do gần vịnh Rạch Giá nên có vị ngọt thanh, giòn, màu vàng đậm. Từ những năm 1955, khóm Tắc Cậu đã được chở lên Sài Gòn bán, sau thì xuất khẩu qua thị trường Đông Âu. Hiện nay, toàn huyện có gần 1.900ha đất trồng khóm, giữ vững thương hiệu khóm Tắc Cậu - vốn đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể từ năm 2013.

Có một liên quan về địa giới hành chính khác ngoài việc ven bên bờ Cái Lớn là 3 vùng trồng khóm này vào đầu thế kỷ XX đều thuộc tỉnh Rạch Giá. Cụ thể, làng Hỏa Lựu thuộc tổng An Ninh, quận Long Mỹ; xứ Tắc Cậu xưa thuộc tổng Kiến Tường, quận Châu Thành; làng Vĩnh Lộc (xứ Ba Đình) thuộc tổng Thanh Yên, quận Phước Long.

Tri thức dân gian về nghề trồng khóm

Cẩn thận lấy chiếc hộp thiếc để trong chiếc tủ cũ, ông Út Nhỏ ở xứ khóm Ba Đình, lấy ra cuốn sổ tay mà ông đã dùng cách đây gần 50 năm đưa cho chúng tôi xem. Những trang đầu, ông ghi thời gian sạ lúa, nhổ mạ, cuốc khoai, thả cá vào năm 1977-1980. Đến năm 1981, có nội dung ghi “Khóm mùa 81”, với các mốc thời gian đổ khí đá ở rẫy khóm “sau hè”, “trên đồng”, “khóm tơ”, “khóm lão”… cùng lượng trái được đổ. Sổ tay viết nội dung tương tự ở nhiều mùa khóm sau đó.

Cuốn sổ tay ghi nhật ký trồng khóm cách đây hơn 40 năm của ông Út Nhỏ ở xứ khóm Ba Đình.

Ông Út Nhỏ giải thích, đổ khí đá là cách kích cho cây khóm ra trái đồng loạt bằng khí đá (hay gọi là đất đèn, canxi cacbua). Khí đá giã nhuyễn pha với nước, công thức ước lượng là ấm 5 lít nước pha vào 0,5gram khí đá. Một ký khí đá có thể đổ được 1.200-1.300 trái, người đổ khéo có thể đổ 2.000 trái khóm, thuật ngữ gọi là 2 thiên khóm. Thời gian đổ khóm thường là khi giáp đồng, qua tháng 5 âm lịch, khi cấy lúa rồi, để tránh chuột cắn phá khóm. Khóm đổ 4 tháng thì có thể đốn, gọi là khóm xanh bóng, chờ thêm khoảng 10 ngày thì là khóm đỏ.

Theo ông Út Nhỏ, cây khóm chịu đất phèn, mặn nhưng không hẳn là đất xấu. Khóm thích hợp với loại đất xốp, nhất là đất lên liếp từ đồng năn, cỏ tạp hay lá dừa nước. Trồng khóm bắt buộc phải có kỹ thuật đào mương, lên liếp. Hồi trước khi chưa có cơ giới hóa, việc lên liếp chủ yếu là cuốc tay, thường nhất là cuốc chắp đai sắt hiệu Con Gà. Với đất thấp, thường lên liếp có chiều ngang 4m, mương cũng 4m, hay có khi 3m; đất cao thì mương sẽ giảm lại, sao cho đảm bảo chiều cao của liếp. Một công tầm lớn (1.296m2) với mương 4m, liếp 4m có thể trồng 1,8 thiên đến 2 thiên con khóm, thu hoạch 1 vụ có thể 1,5 thiên trái loại 1 (nặng từ 1kg trở lên).

Để thu hoạch khóm, người ta dùng loại dao riêng được định danh “dao khóm”. Vùng Ba Đình, và cả vùng Cầu Đúc, dùng nhiều dao khóm từ làng nghề rèn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu). Bây giờ ở Hốc Hỏa, vẫn có những lò rèn treo bảng “Lò rèn Ngan Dừa”. Người ta đốn khóm thì quăng xuống mương nước, sẽ có người bơi xuồng theo sau vớt lên, gọi là “lòi khóm”. Với liếp vắn hay khóm “trổ ên”, nghĩa là khóm trổ trái tự nhiên, không đồng loạt, số lượng ít, thì người xắn khóm sẽ quảy gùi sau lưng, đốn khóm cho vào gùi, gọi là “gùi khóm”.

Khi khóm gần đến ngày thu hoạch, sẽ có “cò” đến đặt cho lái. Đây là hình thức giao dịch qua trung gian, lái khóm sẽ trả “tiền cò” theo số lượng khóm. Bà Nguyễn Thị Hưỡn ngụ ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Tuy, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, người có thâm niên trong nghề đặt khóm cho lái, kể về cách đếm khóm. Khóm thu hoạch sẽ tập kết ở bến để ghe lại đếm. Tùy theo khoảng cách giữa bến và ghe gần hay xa mà số người đếm khóm cần ít hay đông, thường thì cũng 4-5 người, thực hiện theo kiểu thảy chuyền. Mỗi lần quăng là 2 trái khóm (gọi là 1 đôi), người này quăng cho người kia chụp, đến người cuối cùng chụp được thì chất khóm vào khoang ghe. Mỗi lần quăng 1 đôi được đếm là 1. “Khi đếm tới 50 thì người đầu tiên, tức là lấy khóm từ đống khóm, sẽ hô: 50 - cốp, nghĩa là tròn 100 trái. Một người khác làm công việc cầm lá dừa nước bẻ cốp lại, 10 cốp là 1 thiên, nghĩa là 1.000 trái. Có khi khóm nhiều, treo đèn măng xông đếm từ chạng vạng tới khuya mới rồi, gần chục thiên khóm” - bà Sáu Hưỡn kể.

Ông Bảy Buôl ở Hỏa Lựu kể hồi xưa mỗi lần trồng khóm có thể “ăn” tới hơn 10 năm mới tàn, phải trồng lại lứa mới. Bây giờ thì chỉ 2 năm, nhiều lắm là 3 năm thì khóm đã tàn. Lý giải về chuyện này, lão nông 89 tuổi cho rằng, thứ nhất là do hồi đó cuốc tay nên có thể chủ động chọn lớp đất trồng, kế đến là hồi đó nước mặn nhiều hơn bây giờ và sau cùng là hồi hơn nửa thế kỷ trước khóm Cầu Đúc không đổ khí đá để kích trái mà cho “trổ ên”, gọi là khóm mùa. Do đất tốt nên có khi cả năm mới rải phân một lần. Về kỹ thuật đổ khí đá kích trái, ông Bảy kể giai thoại rằng, ngày trước người ta đi soi cá bằng đèn khí đá. Khi khí đá hết, còn lại cặn, người ta đổ lên họng cây khóm, ai ngờ sau đó khóm cho trái đều tăm tắp.

Ông La Thanh Nghiệp ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh, nói về nguồn giống khóm để trồng có 3 loại: con gạt (hay con đeo), con giâm và con nách. Con gạt hay con giâm cùng trổ ra từ cùi của trái khóm, nhưng con gạt là con có kích thước đã lớn, thường khoảng 1 gang, có thể trồng trực tiếp; còn con giâm là con khóm có kích thước nhỏ hơn, phải giâm xuống đất cho phát triển đủ độ cao rồi mới trồng. Con nách là con khóm mọc từ thân cây khóm, thường là có kích thước lớn, có khi cao 2 gang tay, nên được trồng trực tiếp. Con khóm được trồng vào đầu mùa mưa, khoảng 7 nấc lá thì có thể cho trái.

* * *

Trải qua gần 1 thế kỷ gắn bó với loại trái “trăm mắt, ngàn gai”, người dân xứ Cầu Đúc, Tắc Cậu, Ba Đình đã làm nên bề dày văn hóa, để cây khóm vẫn trụ vững, xanh tươi, người quê vẫn gắn đời mình với khóm quê. Khóm nhờ người mà tươi tốt, người nhờ khóm nên khấm khá. Vị ngọt quê hương đằm sâu trong hai tiếng gọi thân thương: rẫy khóm!

---------

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Mời xem bài 3: Thêm vị ngọt cho khóm Cầu Đúc

Chia sẻ bài viết