16/09/2024 - 05:16

Trăm năm khóm Cầu Ðúc 

“Em qua cầu Ðúc có nhớ chuyến đò xưa

Hỏa Lựu chiều nay lất phất cơn mưa

Anh chèo ghe khóm… tiếng hò ơ gợi buồn”

Gần 20 năm trước, soạn giả Ngô Hồng Khanh đã mở đầu bài ca cổ “Khóm ngọt” bằng câu hò tình tứ như vậy. Nương theo câu hát, chúng tôi tìm về quê hương khóm Cầu Ðúc để nghe chuyện trăm năm trái ngọt ở xứ này. Và từ Cầu Ðúc, chúng tôi tìm về Ba Ðình, rẽ qua Tắc Cậu, lần theo hành trình cây khóm bên bờ Cái Lớn.

Khóm bạt ngàn ở Cầu Ðúc.

Bài 1: Trái ngọt trên vùng đất “Hỏa”

Cầu Ðúc không phải là địa danh hành chính mà là địa danh dân gian, chỉ một vùng đất gồm phần nhiều các xã của TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, nổi tiếng với các địa danh: Hỏa Tiến, Hỏa Lựu, Hốc Hỏa… Từ xứ sở Cầu Ðúc cách đây non 1 thế kỷ, cây khóm đã bén rễ, dâng cho đời một loại trái ngọt ngon, làm vang danh xứ sở.

Tìm “nguồn cội” khóm Cầu Ðúc

Ði giữa liếp khóm mênh mông, rẫy khóm bạt ngàn ở xứ Cầu Ðúc, ven triền sông Cái Lớn, chúng tôi nhớ lại lời kể của lão nông Nguyễn Văn Buôl, tự Bảy Buôl, năm nay đã 89 tuổi, ở xã Hỏa Lựu, TP Vị Thanh, rằng: Xứ này là xứ “Hỏa”! Ông kể cho chúng tôi một loạt địa danh có thành tố “Hỏa” rồi giải thích, xứ này hồi trăm năm trước có nhiều đất than bùn, cháy được. Nhà ông Bảy ven rạch Hốc Hỏa, và ông cho rằng điều đó là chính xác.

Nhà nghiên cứu Nhâm Hùng, người từng có công trình nghiên cứu về vùng đất Vị Thanh cũng đặt nghi vấn rằng, những tên gọi như Hốc Hỏa, Hỏa Lựu có liên quan đến lớp than bùn dưới lòng đất, có thể đốt cháy được. Lớp than bùn, người Pháp gọi là tourbière, hình thành do lớp thực bì dày, lâu ngày tạo thành. Ông Nhâm Hùng còn đưa ra dẫn chứng, hồi những năm 1930-1940, những lò gạch lớn ở Phú Hữu đã biết đến vùng Hỏa Lựu này có than bùn, dự định khai thác để đốt nung gạch nhưng do chi phí vận chuyển lớn nên thôi.

Lần giở báo xưa, trong tờ Gió Nam, ra năm 1962, ký giả Trọng Lực trong chuyến về vùng Vị Thanh có bài phóng sự rất hay, kể chuyện mua khoai lang Hỏa Lựu nướng bằng than bùn. Ký giả Trọng Lực diễn giải: “Ðược biết, loại than này, cũng là “than mỏ thảo mộc” như than đá, nhưng tuổi còn non và do lá cây, cỏ, lác, lâu ngày ủ chôn vùi dưới đất nên biến ra thứ than đất”. Và chính lớp than này đã làm nên loại đất tốt, hợp trồng rẫy, trong đó có cây khóm. Ðể minh chứng cho điều này, xin dẫn lại lời cố nhà văn, nhà báo Lê Vĩnh Hòa trong bút ký “Chuyện một người săn máy bay” khi nói về đất than bùn: “Ðất trồng khóm tốt, làm ruộng trúng, mà túng tiền cạy bậy một xuồng đi bán cũng kiếm được sáu, bảy chục đồng mua gạo”.

Ở một tư liệu khác, chúng tôi sưu tầm được trong tờ Công luận báo, số 582, ra ngày 26-3-1927, có đưa tin về cuộc đấu xảo lúa mỡ ở tỉnh Rạch Giá vào ngày 16-3 năm đó. Kết quả, ở hạng mục “giống lúa tròn hột”, ông Huỳnh Long Hương ở làng Hỏa Lựu đã đạt hạng Tư, và ở hạng mục “giống múa hột dài”, một người khác ở làng Hỏa Lựu là ông Võ Văn Quờn đạt hạng Bảy.

Còn trong sách “Lịch sử khẩn hoang miền Nam”, nhà nghiên cứu Sơn Nam cho hay: Ở tỉnh Rạch Giá những năm đầu thế kỷ XX, người Huê Kiều tích cực khẩn hoang, với sở trường làm rẫy ở đất giồng ven sông Cái Lớn và Cái Bé, gọi là giồng thanh lang. Những xóm rẫy như khoai lang, dưa hấu, khóm lâu đời và nức tiếng. Ðặc biệt, khi kinh Xà No thông dòng, nhiều người dân ở Hỏa Lựu tăng diện tích trồng khóm, bên cạnh dưa hấu, khoai lang, mía.

Chưa có tài liệu nào xác định cụ thể cây khóm được trồng ở Cầu Ðúc khi nào, nhưng có thể khẳng định, phải sau khi có cầu Ðúc. Ông Bảy Buôl kể, cây cầu Ðúc bắc ngang sông Cái Lớn, nối liền hai tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang, xưa kia đều thuộc tỉnh Rạch Giá, được bắc từ khoảng năm 1921-1923. Khi 11-12 tuổi, ông Bảy Buôl vẫn còn thấy cây cầu này và nhớ rõ, hai nhịp xuống của cầu làm bằng bê tông ạc-mê (cốt thép), nhịp chính bằng khung sắt, lợp ván rất dày và có thể quay để tàu, ghe có trọng tải lớn qua được. Ông Bảy thường ra cầu để coi cầu quay. Khoảng năm 1947-1948, cầu Ðúc được phá hưởng ứng “tiêu thổ kháng chiến”. Minh chứng thứ hai là địa danh “Chìa Khóm”, nay ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến. Trong tiếng Hoa, “chìa” có nghĩa là ăn, địa danh nghĩa là “ăn khóm” cho thấy sự thịnh vượng của cây khóm ở xứ sở này từ lâu đời.

Tổng hợp nhiều tài liệu và theo lời kể của những lão nông cố cựu xứ Cầu Ðúc, cây khóm có ở Cầu Ðúc từ khoảng năm 1930. Ðồng bào người Hoa ở đây là những người đã mang cây giống về và trồng trên vùng đất “Hỏa”. Ðiều này dễ hiểu, bởi người Hoa rất giỏi nghề trồng rẫy, hoa màu. Tư liệu của nhà nghiên cứu Sơn Nam trong Tập san Sử Ðịa củng cố thêm: “Bờ sông Cái Lớn lần hồi hết cọp sấu, mấy giồng đất khá cao là nơi phì nhiêu, thuận lợi để làm rẫy: rẫy khoai lang, rẫy cải củ, rẫy khóm...”. Sở dĩ có tên gọi khóm Cầu Ðúc vì sau khi có cầu Ðúc, đường lộ thông thương, chỗ gần cầu người qua lại nhiều, lại là ngã tư đường sông (nơi gần cầu Cái Tư bây giờ), bà con đem khóm ra bán, thương lái tới mua, rất đông. Dần dà, tên gọi khóm Cầu Ðúc ra đời, như một sự định danh, định vị.

Ông La Thanh Nghiệp có 3 đời làm nghề trồng khóm ở ấp Thạnh Thắng.

Từng có “chợ nổi” khóm Cầu Ðúc

Năm nay 75 tuổi, ông Vương Văn Thến, tự Chín Thến, ngụ ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh, là người có thâm niên trồng khóm ở Cầu Ðúc. Cha ông Chín Thắng, tức ông Vương Ton, là 1 trong 7 hộ gia đình đầu tiên đến vùng đất Thạnh Thắng, Chìa Khóm này khẩn hoang, lập nghiệp, từ năm 1931. Cây khóm bén rễ, đất cũ đãi người mới, gia đình ông Chín Thến cùng những hộ dân lân cận nhờ cây khóm mà nên nghề, cùng cây khóm mà nên nghiệp. Nghề cho mình, nghiệp cho xứ sở, quê hương. Từ 7 hộ người Hoa ban đầu, bây giờ là Xóm Tiều trên đất Chìa Khóm. Ông Chín Thến kể, hồi mấy chục năm về trước, lái đi ghe chèo về cầu Ðúc mua khóm dập dìu, dù đường xa nhưng do khóm ngon, mua về bán được, nên họ không ngại.

Cũng ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, gia đình ông La Thanh Nghiệp đã có 3 đời làm nghề trồng khóm. Bắt đầu từ ông nội, sau là cha ông và giờ là ông đang trồng khóm trên 20 công đất của gia đình. Gần 50 tuổi, cũng là ngần ấy thời gian ông Nghiệp gắn bó với cây khóm. Mới đi lẫm đẫm, bước qua hông nhà, ra sau hè, nhìn trước cửa, đâu đâu cũng là rẫy khóm bạt ngàn. Lên 10 tuổi, ông đã theo ông nội, theo ba đi lòi khóm, làm cỏ khóm… Tình yêu cây khóm lớn lên trong ông Nghiệp theo vòng quay đời người. Ông Nghiệp kể, thời ông còn nhỏ, ông vẫn thấy dọc theo triền sông, từ cầu Ðúc vô Hốc Hỏa, Hỏa Lựu, ghe khóm chạy dập dìu, cả người mua lẫn người bán. Hoạt động đông vui, nhộn nhịp chẳng khác gì chợ nổi Cái Răng.

Ông Bảy Buôl nhớ lại, gia đình ông trồng khóm từ khoảng năm 1970, sau khi trồng nhiều loại cây như mía, khoai lang… Lúc đương thời, ông Bảy Buôl có 30 công đất trồng khóm. Thời đó, khóm bán đắt như tôm tươi. Do đường sá chưa thuận tiện nên nông dân đốn khóm xong, chất lên ghe chở ra chợ Hỏa Lựu. Ở đó, ghe lái đậu sẵn, hai ghe cập vào nhau, bàn bạc đôi câu là cuộc mua bán đã thành. Những lúc đông ken, có chừng 100 ghe khóm, vừa mua vừa bán, rất nhộn nhịp. Sau này, “chợ nổi” khóm hình thành thêm một điểm ở gần nhà ông Bảy, đầu vàm Hốc Hỏa.

Ông Nguyễn Văn The, ngụ xã Hỏa Lựu, cũng nhớ lại, khoảng năm 1980, chợ Hỏa Lựu dập dìu ghe khóm, lên đến cả trăm chiếc. Ghe lớn có, nhỏ có, ghe máy có, ghe chèo có… rất đông vui. Nhiều hộ dân ở “xứ Hỏa” miêu tả, từ đoạn Cầu Ðúc (cả bên phía tỉnh Hậu Giang và tỉnh Kiên Giang ngày nay) chạy dài vào xáng Xà No, đoạn chợ Hỏa Lựu, cách đây chừng 40-50 năm, ghe khóm tụ họp về rất đông. Những chỗ nào neo đậu dễ, êm gió, hình thành nên những khu “chợ nổi” khóm.

Cầu Cái Tư bây giờ thay cho cầu Đúc năm xưa.

Câu chuyện này cho thấy sự sung túc của nghề trồng khóm ở Cầu Ðúc. Ông La Thanh Nghiệp lý giải thêm, do thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp nên khóm Cầu Ðúc có vị ngọt đằm, độ mọng nước vừa, cùi nhỏ và giòn, có mùi thơm nhẹ nhàng, ăn ít rát lưỡi. Vì những đặc tính này mà khóm Cầu Ðúc được nhiều người ưa chuộng, vang danh khắp chốn. Bây giờ, dù diện tích trồng khóm có giảm so với thời hoàng kim nhưng cũng có khoảng 3.000ha khóm đang xanh tốt ở xứ Cầu Ðúc và vùng phụ cận.

*   *   *

Cây khóm trên quê hương Cầu Ðúc, từ vùng đất “Hỏa” trăm năm đã có cuộc hành trình theo dòng Cái Lớn.

-------------

Mời xem tiếp bài 2: Hành trình khóm Cầu Ðúc

Bài, ảnh: ÐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết