Vĩnh Thông, nhà văn, nhà nghiên cứu trẻ đất An Giang vừa ra mắt quyển “Phong vị Nam Hà” (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh). Quyển sách dày dặn, nhiều tư liệu hay, bổ ích cho việc tìm hiểu, nghiên cứu vùng đất phương Nam.
Sách “Phong vị Nam Hà”.
Quyển “Phong vị Nam Hà” tập hợp 23 bài nghiên cứu, bài viết về văn hóa Nam Bộ mà tác giả Vĩnh Thông đã công bố ở các hội thảo, tạp chí, báo… trong những năm gần đây. Tác giả sắp xếp bài viết theo 3 nhóm chủ đề là Địa danh & nhân vật, Tín ngưỡng - tôn giáo và Đời sống sinh hoạt.
Tác giả Vĩnh Thông cho biết: Nam Hà là tên gọi khác của Đàng Trong (tức từ sông Gianh, Quảng Bình trở vào miền Nam). Dù nội dung sách chỉ gói gọn trong phạm vi Nam Bộ nhưng tác giả vẫn chọn sử dụng danh từ “Nam Hà” như ôn lại dấu tích của tiền nhân. Ngoài yếu tố lịch sử, tác giả Vĩnh Thông còn muốn liên tưởng đến cái tên ấy một cách thi vị, đó là dòng sông phương Nam. “Lật mở từng trang sách, bạn đọc có thể tìm hiểu về các danh nhân và sự kiện bị khuất lấp trong bóng mờ của lịch sử, những di tích và giai thoại, nhiều tập tục đa dạng của các tộc người, niềm tin liên quan đến núi non của cư dân vùng biên giới, các hiện tượng tôn giáo bản địa, các loại hình diễn xướng dân gian, những yếu tố văn hóa được tiếp biến ở Nam Bộ”, tác giả Vĩnh Thông nhấn mạnh. Đặc biệt, nhiều bài nghiên cứu trong sách này có những phát hiện mới, mà các nghiên cứu của các tác giả đi trước chưa đề cập hoặc chỉ nhắc đến tản mác.
Trong phần “Địa danh & nhân vật”, tác giả mang đến cho người đọc những câu chuyện lý thú như “Góp phần xác định địa danh Náo Khẩu Ca Âm”, “Bối Ba Cụm trong ký ức người miền Nam”, “Điểm qua những đóng góp lớn của vua Minh Mạng”… Khi kể về bối Ba Cụm, nạn trộm đạo thời xưa, ở một vùng đất nay thuộc Bến Lức, Long An, tác giả không chỉ thuật lại những tình tiết về bối mà còn kỳ công nghiên cứu về vùng đất, lịch sử và những con người hảo hớn ở vùng đất này. Ở phần “Tín ngưỡng - tôn giáo”, với sự dày công đi thực tế, tìm hiểu tư liệu qua nhiều nguồn khác nhau, tác giả Vĩnh Thông có những nghiên cứu rất sâu về tín ngưỡng dân gian, tôn giáo ở Nam Bộ, nhất là tôn giáo nội sinh. Đó là hiện tượng chuyển đổi tín ngưỡng Arak của người Khmer Tây Nam Bộ, tục thờ Chiêu Ứng của người Hoa Hải Nam, về Đức Tổ sư Minh Đăng Quang và Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, chùa Thành Hoa và dấu ấn ông Đạo Nằm…
Ở mảng chủ đề “Đời sống sinh hoạt”, tác giả Vĩnh Thông cung cấp nhiều thông tin quý về thời điểm người Chăm đến Nam Bộ, về nghệ thuật diễn xướng dân gian bóng rỗi ở Nam Bộ hay về mắm Châu Đốc - Di sản biên thùy… Sách có bài viết hay về ngôn ngữ. Trong ngôn ngữ thường nhật, về món ăn ta có pa tê, bít tết, xúc xích, ốp la, bơ, sơ ri, cà tô mát, cà rốt…; về trang phục có áo bờ lu, áo ghi lê, vét tông, côm lê, quần sọt…; về văn hóa cư trú có ban công, la phông, ăng ten, công tắc, bê tông…; văn hóa giao thông có bắc, sà lan, xe ben, xích lô, đề pa, ghi đông… Những cách dùng từ này được tác giả giải thích trong bài “Ảnh hưởng của tiếng Pháp đến văn hóa Nam Bộ”. Tác giả Vĩnh Thông kết luận: “Người miền Nam đã tiếp nhận các từ ngữ Pháp một cách ôn hòa, đưa vào sử dụng đại trà và xem chúng như một bộ phận trong hệ thống ngôn ngữ phổ thông. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, họ cố gắng bản địa hóa chúng…”.
Có thể nói, “Phong vị Nam Hà” là quyển sách đáng đọc của nhà nghiên cứu 28 tuổi - Vĩnh Thông. Đọc sách cùng quyển sổ tay bên cạnh để ghi lại những kiến thức mới, những câu chuyện hay. Ghi lại để để dành!
Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH