04/10/2024 - 23:17

Vì sao Anh trao trả chủ quyền Quần đảo Chagos? 

Chính phủ Anh hôm 3-10 đã nhất trí chuyển giao chủ quyền Quần đảo Chagos, gồm hơn 60 hòn đảo ở khu vực Ấn Độ Dương, cho Mauritius theo một thỏa thuận có thể bảo đảm tương lai của Diego Garcia, căn cứ không quân có tầm quan trọng chiến lược đối với Anh và Mỹ ở khu vực.

Căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Diego Garcia. Ảnh: CNN

Theo thỏa thuận, Anh vẫn sẽ giữ chủ quyền đối với đảo Diego Garcia trong giai đoạn ban đầu là 99 năm; cung cấp gói hỗ trợ tài chính cho Mauritius để nơi đây phát triển các dự án cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời cũng sẽ tạo ra quỹ tái định cư cho những người phải di dời khỏi hòn đảo. Thỏa thuận nêu rõ, Mauritius sẽ được tự do thực hiện chương trình tái định cư trên các đảo khác ngoài Diego Garcia. Luân Đôn và Port Louis trong một tuyên bố chung cho biết thỏa thuận này “sẽ giải quyết những sai trái trong quá khứ và chứng minh cam kết của cả hai bên trong việc hỗ trợ phúc lợi cho người dân Quần đảo Chagos”.

Theo Ngoại trưởng Anh David Lammy, thỏa thuận nói trên sẽ bảo đảm tương lai của căn cứ tại Diego Garcia. Căn cứ này là nơi đồn trú của khoảng 2.500 binh sĩ, chủ yếu của Mỹ, đã tham gia nhiều chiến dịch quân sự, gồm cuộc chiến năm 2003 ở Iraq và cuộc chiến kéo dài ở Afghanistan. Theo ông Lammy, nếu không có thỏa thuận này, hoạt động của căn cứ quân sự sẽ bị đe dọa vì tranh chấp chủ quyền và kiện tụng tại tòa án quốc tế. “Thỏa thuận sẽ củng cố vai trò của chúng tôi trong việc bảo vệ an ninh toàn cầu, ngăn chặn mọi nguy cơ Ấn Độ Dương bị sử dụng làm tuyến đường di cư bất hợp pháp nguy hiểm đến Anh, cũng như đảm bảo mối quan hệ lâu dài của chúng tôi với Mauritius, đối tác thân thiết của Khối thịnh vượng chung” - ông Lammy nhấn mạnh.

Tờ Politico cho biết, Thủ tướng Anh Keir Starmer và người đồng cấp Mauritius Pravind Jugnauth đã ca ngợi “khoảnh khắc quan trọng” nói trên. Cả hai đều bày tỏ mong muốn hoàn tất thỏa thuận “càng nhanh càng tốt”. Riêng ông Starmer cũng nhắc lại tầm quan trọng của việc đạt được thỏa thuận này trong việc bảo vệ hoạt động liên tục của căn cứ quân sự tại Diego Garcia. Thủ tướng Jugnauth cũng tuyên bố việc Anh trao trả chủ quyền quần đảo Chagos là sự kiện đánh dấu sự hoàn tất của quá trình “phi thực dân hóa ở Mauritius”. 

Các cuộc đàm phán chính thức giữa Vương quốc Anh và Mauritius về Chagos bắt đầu vào năm 2022, khi các nước châu Phi gây sức ép buộc Luân Đôn trao trả chủ quyền quần đảo được coi là “thuộc địa cuối cùng của Vương quốc Anh ở châu Phi”.

Song, động thái trên của Anh đã gây ra một số tranh cãi chính trị. Bộ trưởng An ninh Anh Tom Tugendhat lập luận rằng bước đi này gây tổn hại đến an ninh quốc gia và sự ổn định của khu vực, làm suy yếu các đồng minh của Luân Đôn và mở ra khả năng Trung Quốc có được chỗ đứng quân sự ở Ấn Độ Dương. Ông Tugendhat cho rằng Công đảng “hoàn toàn thất bại về mặt lãnh đạo và tầm nhìn chiến lược”. Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps gọi đây là “hành động yếu đuối và vô cùng đáng tiếc”. 

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hoan nghênh “thỏa thuận lịch sử” trên. Nhà lãnh đạo xứ cờ hoa trong một tuyên bố cho biết thỏa thuận là minh chứng rõ ràng rằng thông qua ngoại giao và quan hệ đối tác, các nước có thể vượt qua những thách thức lịch sử lâu dài để đạt được kết quả hòa bình và cùng có lợi; nó sẽ đảm bảo hoạt động hiệu quả của căn cứ Diego Garcia trong thế kỷ tiếp theo. “Diego Garcia đóng vai trò quan trọng trong an ninh quốc gia, khu vực và toàn cầu. Căn cứ này cho phép Mỹ hỗ trợ các hoạt động thể hiện cam kết chung của chúng ta đối với sự ổn định của khu vực, phản ứng nhanh với các cuộc khủng hoảng và chống lại một số mối đe dọa an ninh thách thức nhất mà chúng ta phải đối mặt” - ông Biden nhấn mạnh.

Quần đảo Chagos là trung tâm của nơi mà Anh gọi là Lãnh thổ Ấn Độ Dương thuộc Anh kể từ năm 1965, khi chúng bị tách khỏi Mauritius. Mauritius từng là thuộc địa của Anh, giành được độc lập từ năm 1968. Mauritius nằm ở phía Đông đảo Madagascar. Sau khi ký thỏa thuận với Anh, Mỹ đã xây dựng căn cứ hải quân tại Diego Garcia từ những năm 1970. Mỹ gọi căn cứ này là “cơ sở gần như không thể thiếu” cho các hoạt động an ninh ở Trung Đông, Nam Á và Đông Phi.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết