An Khánh có số dân hơn 55.000 người (kể cả tạm trú) là phường tập trung đông dân nhất so với các phường còn lại của quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ). Xung quanh phường có nhiều trường đại học, bệnh viện lớn nên mật độ giao thông luôn rất đông đúc. Tuy nhiên, ngoài các tuyến đường trục chính khang trang, thì hàng chục con hẻm trong nội ô phường thường xuyên bị ngập nghẹt, mất vệ sinh đô thị, vừa mất an toàn
cho người dân, học sinh, sinh viên đi lại…
Học sinh vất vả về nhà vào buổi chiều tan trường. Ảnh: Hẻm Cây Me chụp vào chiều ngày 17-8-2024.
Phường An Khánh có diện tích 4,41km², hiện tại, người dân ở phường có thể di chuyển khá thuận lợi vào trung tâm TP Cần Thơ qua đường Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Linh…. Tuy nhiên khi đi sâu vào nhiều con hẻm “trong ruột” của phường thuộc khu vực 2 và khu vực 3 thì bộc lộ nhiều bất cập, nhiều con hẻm thường xuyên bị ngập nghẹt, nước đen ngòm khi mưa xuống hoặc thủy triều dâng cao.
Anh Mạnh nhà ở hẻm Cây Me (số nhà 390E/14B Nguyễn Văn Cừ, phường An Khánh), bức xúc: “Gia đình tôi sống ở khu hẻm này hơn mười năm nay mà năm nào tới mùa mưa thì đường trở thành sông “nước đen”, còn mùa nắng thì bụi bay mịt mù. Ðã rất nhiều lần bà con ở đây kiến nghị địa phương cùng nhau hùn tiền để nâng cấp hẻm theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhưng chờ hoài không thấy làm. Dân sống ở đây cứ chịu khổ mãi, dù nơi đây là trung tâm thành phố chứ có phải vùng sâu, vùng xa gì đâu!”. Anh Mạnh cũng cho biết thêm, hẻm này lộ giới rộng tới 15m, bây giờ hiện trạng cũng đã rộng như quy hoạch vì bà con ở đây đều xây nhà đúng lộ giới, còn chiều dài con hẻm này cũng chỉ khoảng 240m chứ không phải xa lắm…
Anh Tú cũng có nhà trong con hẻm này chia sẻ thêm: “Ở đây sinh viên trọ để đi học ở các trường đại học rất nhiều, trong đó có cả du học sinh nước ngoài đến ở học tập. Mỗi khi mưa ngập, thấy mấy em đi lại khó khăn, vất vả bà con ai cũng thương. Nhưng buồn hơn là ngay trung tâm thành phố lại tồn tại hình ảnh bất cập như thế chắc chắn sẽ để lại ấn tượng không tốt đẹp trong lòng các em sinh viên này khi các em tốt nghiệp về nước công tác… Mong rằng, chính quyền địa phương sớm xem xét có phương án đầu tư sao cho khang trang, sạch đẹp để mọi người dân cùng thụ hưởng…”.
Hẻm liên tổ nằm phía sau khu Lò Mổ cũng sình lầy dù đã hết mưa nhiều ngày.
Ngoài con hẻm này, thì vào sâu trong các hẻm liên thông thuộc hẻm 390 và các hẻm nhánh phía sau khu Lò Mổ… tình trạng ngập nghẹt, bùn đen mỗi khi mưa xuống, triều cường dâng cao cũng gây bức xúc cho rất nhiều bà con đang sinh sống hay có nhu cầu đi lại xung quanh khu vực này. Trước những bức xúc của bà con nơi đây, chúng tôi đã trao đổi với lãnh đạo phường An Khánh. Ông Võ Thành Tuấn, Chủ tịch UBND phường An Khánh, cho biết: Những bất cập nêu trên địa phương đều đã nắm bắt và bà con địa phương cũng phản ánh rất nhiều, chúng tôi đều ghi nhận và phản ánh về Phòng Quản lý Ðô thị quận, UBND quận Ninh Kiều để kiến nghị đầu tư nâng cấp. “Toàn phường hiện có 26 con hẻm xuống cấp gây khó khăn cho bà con trong việc đi lại; gây mất an toàn, mất vệ sinh đô thị… Phường đã có văn bản kiến nghị về quận trong các năm qua, và mới đây nhất phường đã có báo cáo kiến nghị lên quận để có kế hoạch đầu tư nâng cấp trong năm 2025. Thực tế, chỉ có các công trình do địa phương vận động bà con ủng hộ kinh phí (nhân dân tự làm), thì phường có thể đôn đốc làm nhanh. Còn các công trình thuộc vốn ngân sách đều do Phòng Quản lý Ðô thị quận làm chủ đầu tư và làm theo kế hoạch được duyệt, địa phương chỉ phối hợp thực hiện vận động di dời để thuận tiện, mau chóng hoàn thành công trình”- ông Tuấn cho biết. Ngoài ra, ông Tuấn cũng chia sẻ thêm, trong các khu vực 2, khu vực 3 cũng có tồn tại tình trạng phân lô, nền tự phát từ nhiều năm trước (nay hạ tầng, đường sá đã xuống cấp) đang được quận thống kê để có giải pháp xử lý. Nhưng đối với những khu vực dân cư tự phát này thì chính quyền địa phương cũng như quận sẽ không bố trí ngân sách để sửa chữa, nâng cấp, mà những người dân nơi đó tự vận động cùng nhau sửa chữa nâng cấp.
Ngoài những bất cập trên, khu vực Hồ Búng Xáng hiện là phố ẩm thực sầm uất và thu hút khách nhất của trung tâm TP Cần Thơ hiện nay, nhưng trên tuyến đường này vẫn chưa có đèn chiếu sáng công cộng. Hiện tại mỗi hộ kinh doanh “tự lo” chiếu sáng cho quán mình, nên về khuya sau 23 giờ họ nghỉ bán, tắt đèn thì phố ẩm thực trở nên mờ mịt, hiu hắt… Nếu cứ để tồn tại như thế thì làm sao thúc đẩy phát triển kinh tế đêm cho địa phương - nơi đang có rất nhiều tiềm năng để phát huy thế mạnh này.
Bài, ảnh: AN KHÁNH