Bất kỳ dạng sa sút trí tuệ nào được chẩn đoán ở người dưới 65 tuổi đều được gọi là sa sút trí tuệ khởi phát sớm.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Dementia Australia - Tổ chức hỗ trợ người bị sa sút trí tuệ ở Úc - ước tính hơn 28.650 người bị sa sút trí tuệ khởi phát sớm trong năm 2023 và con số này dự kiến sẽ tăng lên hơn 42.400 vào năm 2058. Hầu như không có khác biệt về mặt y khoa giữa chứng sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi với người trẻ tuổi. Tuy nhiên, chứng sa sút trí tuệ ở người trẻ có thể khó nhận biết hơn so với người lớn tuổi.
Giảm trí nhớ, hay quên là dấu hiệu ban đầu của chứng sa sút trí tuệ ở người trẻ. Các triệu chứng có thể khác nhau ở mỗi cá nhân tùy vào nguyên nhân gây bệnh. Một số triệu chứng khác bao gồm thay đổi tâm trạng thất thường; giảm hiệu suất làm việc; giảm khả năng phân biệt các vấn đề chi tiết như thực hiện sai công thức món ăn quen thuộc, nhớ sai kiến thức căn bản hoặc không thể đi sâu vào chi tiết; giảm quan tâm, thờ ơ với mọi thứ xung quanh, không còn quan tâm đến các sở thích, thói quen của bản thân; thỉnh thoảng giảm hoặc mất khả năng xác định phương hướng.
Chứng sa sút trí tuệ ở người trẻ hiếm gặp hơn và khó nhận biết hơn so với người lớn tuổi. Vì vậy, người bệnh cần nói chuyện với bác sĩ khi nhận thấy các triệu chứng đầu tiên hoặc có sự thay đổi bất thường nào để có thể được chẩn đoán và can thiệp sớm.
Hiện chưa có cách chữa trị chứng sa sút trí tuệ, nhưng bằng một số liệu pháp, các chuyên gia y tế có thể giúp giảm một số triệu chứng, hỗ trợ người bệnh duy trì sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống. Liệu pháp trò chuyện có thể được áp dụng để giúp người bệnh cải thiện chứng lo âu, trầm cảm. Hoạt động trị liệu phục hồi chức năng có thể giúp người bệnh thích nghi với những thay đổi về khả năng, duy trì sự độc lập và hòa nhập. Bên cạnh đó, sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè và người chăm sóc có thể tạo ra sự khác biệt tích cực trong việc kiểm soát chứng sa sút trí tuệ khởi phát sớm.
Một trong những nguyên nhân gây chứng sa sút trí tuệ ở người trẻ đến từ bệnh lý, chẳng hạn như bệnh Alzheimer, bệnh mạch máu, huyết áp, tiểu đường… Do đó, việc điều trị và kiểm soát hiệu quả những bệnh lý liên quan có thể góp phần ngăn ngừa nguy cơ khởi phát chứng sa sút trí tuệ. Việc duy trì và cải thiện khả năng hoạt động của não như đọc sách, chơi các trò chơi rèn luyện tư duy, trí nhớ… cũng được cho là hữu ích trong việc phòng ngừa sự khởi phát sa sút trí tuệ.
Ngoài ra, việc giữ những thói quen tốt như thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội và hoạt động thể chất, tập thể dục, không hút thuốc, có chế độ dinh dưỡng khoa học và bảo đảm chất lượng giấc ngủ có thể góp phần làm giảm nguy cơ mắc bệnh, nâng cao sức khỏe tổng thể.
THANH TÚ