03/10/2024 - 08:47

Ðất nước mến yêu qua "Hành trình vẻ đẹp" 

"Hành trình vẻ đẹp" là chương trình khám phá nét đẹp Việt Nam, từ địa danh, làng nghề, con người đến những nếp sống sinh hoạt tập quán của các dân tộc dọc miền đất nước. Chương trình phát sóng lúc 17h20 mỗi ngày trên kênh VTV1.

Tập "Về Tức Tranh vui điệu Tắc Xình". Ảnh: chụp màn hình

Mỗi tập của chương trình thường chỉ khoảng 5 phút, trong đó tập trung khai thác sâu về chủ đề, có thể là chuyện nghề, điệu múa, điệu hát, hay phong tục tập quán nổi bật của mỗi vùng đất. Mỗi hành trình đều được thể hiện ngắn gọn, súc tích, sinh động để người xem có thể hiểu, cảm nhận về nét văn hóa đặc trưng của vùng đất, con người nơi đó.

Ví như tập "Về Tức Tranh vui điệu Tắc Xình" khám phá vùng đất Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, nơi có điệu múa Tắc Xình độc đáo của dân tộc Sán Chay. Người xem không chỉ được chiêm ngưỡng điệu múa truyền thống của người Sán Chay mà còn được tìm hiểu về quá trình ra đời, từng nhạc cụ, ý nghĩa trong từng điệu múa. Thông qua điệu múa Tắc Xình, bức tranh của bản làng được tái hiện. Đó là hành trình khai khẩn, phát nương làm rẫy, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống bình yên của người dân bản.

Tương tự ở tập "Điệu dân ca Dao trên vùng Khe Cốc", người xem cũng được gặp gỡ những người lưu giữ dân ca của người Dao Đỏ. Đó là các cô: Bàn Thị Lưu, Phan Thị Nhị, Triệu Thị Lan ở xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Tiếng hát Páo Dung là làn điệu dân ca thể hiện đời sống tinh thần của người Dao Đỏ. Họ thường ca hát khi lên nương làm rẫy, hái chè, hay đơn giản là chuyện trò cùng nhau.

Mặc dù chỉ gói gọn trong 5 phút, nhưng mỗi tập của "Hành trình vẻ đẹp" mang đến cho người xem sự chỉn chu, đầy đủ từ nội dung cho đến hình ảnh. Ở đó, người xem cũng nhận dạng những nét văn hóa đặc trưng từng vùng miền, dân tộc qua những trang phục, những nếp sinh hoạt tập quán khác biệt.

"Hành trình vẻ đẹp" không chỉ là khám phá những nét đẹp truyền thống, bản sắc dân tộc mà còn có những chuyện làng nghề, những người lưu giữ hồn dân tộc. Đó là "Bức tranh làng hương xạ Cao Thôn" ở xã Bảo Khê, TP Hưng Yên. Tại đây, người xem sẽ bắt gặp những con người đầy tự hào và yêu quý nghề làm hương bằng thảo mộc, hay còn gọi là xạ thiên hương. Từ người già đến giới trẻ, và dâu hoặc rể về làng đều có chung niềm tự hào vì còn gìn giữ làng nghề lâu đời.

Trong "Hành trình vẻ đẹp", làng nghề được khám phá đa dạng, sống động. Ở đó có những con người hoài niệm, trăn trở giữ nghề giữa nhịp sống hiện đại, cũng có người trẻ nhiệt huyết không ngừng sáng tạo để truyền thừa nghề của cha ông. Từng câu chuyện trong "Vòng xoay của gỗ ở Sơn Đồng" (xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội), "Mành tre nghề vui ở Đa Quang" (xã Di Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) đến "Thạch Xá và bốn mùa chuồn chuồn tre đậu" (xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội)… đều mang đến cho người xem sự tự hào, lắng đọng cảm xúc bởi tình yêu nghề của người dân ở mỗi vùng đất.

"Hành trình vẻ đẹp" khám phá văn hóa Việt, khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Từ "Danh thơm sự học làng Song Khê"( xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) đến "Chèo Canh Nậu, chiếng chèo cổ xứ Đoài" (xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) đều cho thấy quá trình gìn giữ bản sắc đáng trân quý của người Việt qua thời gian.

BẢO LAM

 

Chia sẻ bài viết