Trang Cổng thông tin du lịch Cần Thơ tại địa chỉ https://canthotourism.vn là trang web chuyên giới thiệu về du lịch TP Cần Thơ, do Trung tâm Phát triển du lịch - thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố - quản lý, vận hành. Đến ngày 27-9-2024, trang web này có trên 6,153 triệu lượt truy cập; trung bình mỗi ngày có trên 1.000 lượt truy cập. Đây là tín hiệu khả quan trong ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá du lịch địa phương.
Thông tin giờ mở cửa Bảo tàng TP Cần Thơ có sự khác nhau giữa tờ giới thiệu của Bảo tàng thành phố và trang web Công thông tin du lịch Cần Thơ.
Tuy nhiên gần đây, khi cần tham khảo một số thông tin về điểm đến du lịch, di tích để giới thiệu với bạn bè ở xa sắp đến với thành phố, người viết ngỡ ngàng khi tiếp cận nhiều thông tin được đăng trên trang web có nội dung sai sót. Những nội dung này không chỉ không phục vụ được khách tham quan cần tìm hiểu mà còn có thể gây những bất tiện không đáng có.
Đơn cử như khi giới thiệu về điểm đến Vườn cò Bằng Lăng ở quận Thốt Nốt, trang web giới thiệu địa chỉ “ấp Thới An, phường Thới Thuận” và chỉ dẫn đường đi: “Vườn cò Bằng Lăng cách Tp. Cần Thơ khoảng 60km, đi theo Quốc Lộ 91, qua khỏi huyện Ô Môn, đến huyện Thốt Nốt, rồi đến Cầu Bằng Lăng” (trích nguyên văn). Thật ra, Vườn cò Bằng Lăng hiện tọa lạc tại khu vực Thới Bình 1, phường Thuận An và hiện tại, thành phố cũng không còn huyện Ô Môn hay huyện Thốt Nốt! Còn khi giới thiệu Di tích Mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa ở quận Bình Thủy, địa chỉ được giới thiệu là đường Cách mạng Tháng Tám, trong khi đúng phải là đường Huỳnh Mẫn Đạt… Một trang giới thiệu du lịch chính thống của thành phố mà đưa những thông tin hồi… “một ngàn chín trăm hồi đó” thì thật khó hiểu.
Hay với Bảo tàng TP Cần Thơ, trang này giới thiệu mở cửa từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Nhưng thật ra, Bảo tàng có lịch phục vụ hẳn hoi, trong đó có thời gian không mở cửa dành cho việc tu bổ, chăm sóc hiện vật. Cụ thể, Bảo tàng mở cửa từ 8 giờ đến 11 giờ và từ 14 giờ đến 17 giờ vào thứ ba, thứ tư và thứ năm hằng tuần; thứ bảy, Chủ nhật và ngày lễ, Tết, Bảo tàng mở cửa từ 8 giờ đến 11 giờ và từ 18 giờ 30 phút đến 21 giờ; thứ hai và thứ sáu Bảo tàng không phục vụ. Nếu khách tham quan tin vào hướng dẫn của trang web này thì hẳn sẽ gặp những bất tiện không mong muốn.
Và còn có những giới thiệu sai cả về mặt kiến thức. Nhà lồng chợ Cần Thơ lại được định vị là “bên dòng sông Hậu”, trong khi chính xác phải là sông Cần Thơ. Hay khi giới thiệu về Di tích quốc gia Đình Bình Thủy, trang web lại đưa ra những thông tin rất lạ như thờ Thần Rừng, Thần Khai kênh dẫn nước và còn cho biết đình Bình Thủy có tên gọi cũ là “đình Long Tuyền”. Đình Bình Thủy xưa có tên gọi là “Long Tuyền Cổ Miếu” thì nhiều người biết, còn liệu những thông tin trên có phải là phát hiện mới chăng? Khi kể về các vị anh hùng dân tộc, bậc tiền hiền được thờ trong đình, trang này còn có những nhầm lẫn như Võ Huy Tập (đúng là Võ Duy Tập), Đinh Công Tráng (đúng là Đinh Công Chánh)…
Điều đáng nói nữa là trang web này dường như có sự nhập nhằng giữa điểm đến du lịch và di tích lịch sử văn hóa trong giới thiệu đến du khách. Đành rằng hai loại hình này có mối quan hệ tương hỗ với nhau, nhưng đâu phải di tích nào cũng có thể phục vụ khách du lịch. Đơn cử như trang web giới thiệu về Di tích Địa điểm khảo cổ học Nhơn Thành, đường hoàng cho thông tin về giờ đóng cửa, mở cửa, có mục “thêm vào tour”. Trong khi di tích này làm gì “có cửa mà đóng với mở” vì chưa được xây dựng cũng như phần đất vẫn do người dân canh tác, vào đấy có gì để xem khảo cổ.
Trên đây là một vài ví dụ, và còn nhiều ví dụ khác về những thông tin chưa chính xác trong một trang web mang tính hướng dẫn, chỉ dẫn, định hướng, cung cấp thông tin cho du khách. Điều đáng nói là khi tìm nhiều điểm đến ở TP Cần Thơ, trang web này được hiển thị ở những kết quả ban đầu, cho thấy sự lan tỏa. Mừng nhưng lo, vì lan tỏa mà chưa chính xác thì chưa hẳn là mừng. Theo tìm hiểu, nhiều thông tin, bài viết trên trang này đều được dẫn từ nhiều nguồn khác nhau, từ báo chí đến các trang web về du lịch… nhưng dường như thiếu sự kiểm chứng, đối chiếu.
Bài, ảnh: MAI TRÂM