26/04/2025 - 21:38

Thế giới lo ngại “sóng thần” hàng giá rẻ từ Trung Quốc 

Báo New York Post mới đây có bài viết cho rằng một “cơn sóng thần” hàng hóa giá rẻ từ nguồn đầu tư trị giá hơn 1.900 tỉ USD trong 4 năm qua từ Trung Quốc đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp Mỹ và thế giới, điều này giải thích vì sao chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết tâm áp đặt thuế quan rất cao vào hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, khi bị thị trường Mỹ khép cửa, hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc có thể tràn ngập phần còn lại của thế giới. 

Xe hơi mới xuất xưởng tại Trung Quốc. Ảnh: Nytimes

“Cơn sóng thần hàng giá rẻ đang ập đến với tất cả mọi người” - Katherine Tai, cựu Đại diện Thương mại Mỹ, nói. 

Lo ngại của New York Post có phần tương đồng với lo ngại của Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck. Ông Habeck mới đây đã bày tỏ quan ngại về khả năng hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc tràn vào thị trường châu Âu, từ đó có thể gây ra hậu quả kinh tế nghiêm trọng cho khu vực. Ông Habeck lên tiếng báo động về lượng hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào châu Âu ngày càng tăng, đặc biệt là trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đã mạnh tay áp thuế đối với hàng hóa nước ngoài.

Ông Habeck cho rằng nhờ giá rẻ, các sản phẩm của Trung Quốc có thể thu hút nhiều người tiêu dùng hơn, làm suy yếu thêm ngành sản trong nước, từ đó có thể dẫn đến sự sụp đổ của một số ngành công nghiệp châu Âu.

Tờ Times gần đây nhận định, Trung Quốc sắp vượt qua Đức để trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới. Theo đó, hãng ô tô BYD của nước này đang xây dựng không chỉ 1 mà là 2 nhà máy đều lớn hơn nhà máy của hãng ô tô Volkswagen ở thành phố Wolfsburg (Đức).

Không riêng gì Đức, các nước như Pháp, Ý hay Tây Ban Nha cũng đang đối mặt với nguy cơ bị Trung Quốc bán phá giá, gây áp lực lớn lên các ngành công nghiệp địa phương. “Thách thức dư thừa công suất từ Trung Quốc đã âm ỉ từ lâu nhưng giờ nó thực sự đã gõ cửa các thủ đô châu Âu. Châu Âu không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đứng lên tự bảo vệ mình” - Liana Fix, chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Mỹ), khuyến nghị.

Trước làn sóng lo ngại gia tăng, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen mới đây cho biết sẽ “tương tác mang tính xây dựng” với Trung Quốc, đồng thời tuyên bố sẽ theo dõi chặt chẽ dòng chảy hàng hóa của Trung Quốc. “Chúng tôi không thể hấp thụ công suất dư thừa toàn cầu cũng như không thể chấp nhận việc bán phá giá vào thị trường của chúng tôi” - bà von der Leyen nhấn mạnh.

Giới chuyên gia thương mại cho rằng thông điệp cứng rắn nhưng có chừng mực của bà von der Leyen là cơ hội tốt nhất để châu Âu tránh được thảm họa kinh tế. Janka Oertel, Giám đốc chương trình châu Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, gọi đây là phản ứng “tỉnh táo” trước mối đe dọa từ Bắc Kinh.

Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc giảm gần 3% vào năm ngoái, xuống còn 144 tỉ USD, trong khi nhập khẩu lên tới 440 tỉ USD, tăng 3%.  Về phần mình, thâm hụt thương mại của châu Âu với Trung Quốc hồi năm 2023 là 345 tỉ USD.

Để cạnh tranh với các “gã khổng lồ” sản xuất của Trung Quốc, nhiều quốc gia đã tự xây dựng “bức tường thành” của riêng mình. Năm ngoái, Brazil đã tăng thuế đối với kim loại và cáp quang xuất khẩu của Trung Quốc. Liên minh châu Âu (EU) đã tăng thuế đối với xe điện của Trung Quốc lên tới 45,3%.

Trong 4 năm qua kể từ sau đại dịch COVID-19, Trung Quốc đã giảm đầu tư vào lĩnh vực xây dựng và bất động sản nhưng các ngân hàng quốc doanh đã rót gần 2.000 tỉ USD vào nền công nghiệp sản xuất, tạo ra hàng hóa giá rẻ và xuất khẩu tràn ngập thị trường thế giới. Năm 2024, thặng dư thương mại của Trung Quốc đạt mức kỷ lục 992 tỉ USD, thậm chí có thống kê cho thấy con số này lên đến 1.800 tỉ USD hồi năm 2023.  

 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết