Hưởng ứng Ngày Trái đất năm nay với chủ đề “Gấp ba lần điện sạch”, Trung Quốc đang thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc khử carbon ngành năng lượng, đặc biệt là thông qua việc điều chỉnh vai trò của điện than và mở rộng sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như điện Mặt Trời và điện gió.

Một nhà máy điện gió ở Trung Quốc.
Tỉnh Sơn Tây, nơi từ lâu đã trở thành trung tâm than đá của Trung Quốc, đang chứng kiến sự thay đổi rõ rệt trong cơ cấu phát điện. Tại nhà máy điện Tashan ở thành phố Đại Đồng, một trong hai tổ máy phát điện than có công suất 600 MW hiện chỉ hoạt động ở mức 180 MW vào buổi sáng - mức thấp nhất trong lịch sử 17 năm vận hành của nhà máy. Việc giảm tải này nhằm “nhường chỗ” cho lượng điện Mặt Trời và gió dồi dào được đưa lên lưới vào ban ngày.
Anh Fan Jiangbo, giám sát ca tại phòng điều hành trung tâm nhà máy cho biết trong những ngày trời nắng, khi sản lượng điện Mặt Trời tăng mạnh, giá điện trên thị trường giao ngay có thể giảm sâu, thậm chí gần bằng 0. Vào những thời điểm như vậy, nhà máy buộc phải giảm công suất xuống mức tối thiểu để đảm bảo vận hành an toàn. Tuy nhiên, vào lúc chiều tối khi sản lượng điện Mặt Trời giảm và nhu cầu tiêu thụ tăng cao, giá điện sẽ tăng trở lại, buộc nhà máy nhanh chóng nâng công suất để vừa đáp ứng nhu cầu vừa tận dụng cơ hội về giá.
Thị trường điện giao ngay, được triển khai lần đầu tại Sơn Tây vào cuối năm 2023, cho phép các nhà máy điện giao dịch điện theo thời gian thực, dựa trên cung - cầu và giá cả linh hoạt. Cơ chế này đang trở thành động lực quan trọng giúp các nhà máy nhiệt điện thích ứng với sự bùng nổ của năng lượng tái tạo.
Không chỉ dừng lại ở điều tiết vận hành, nhà máy Tashan còn đang thực hiện mô hình phát nhiệt điện kết hợp (CHP), tận dụng nhiệt lượng sinh ra trong quá trình phát điện để cung cấp hơi nước cho các nhà máy và hệ thống sưởi tại thành phố Hoài Nhân. Giải pháp này góp phần tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm phát thải carbon.
Giới chuyên gia nhận định, điện than vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, ít nhất trong ngắn và trung hạn, do đặc điểm biến động của nguồn điện tái tạo và hạn chế về công nghệ lưu trữ năng lượng hiện nay.
Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc đã lên kế hoạch cải tạo các nhà máy nhiệt điện hiện có để giảm lượng phát thải carbon, tiến tới mục tiêu đạt đỉnh phát thải vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2060. Một kế hoạch hành động do Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) cùng Cục Năng lượng Quốc gia (NEA) công bố năm 2024 đặt ra lộ trình cải tạo từ nay đến năm 2027, bao gồm 3 công nghệ then chốt: đốt phối hợp sinh khối, đốt phối hợp amoniac và thu giữ carbon (CCUS).
Phó Giáo sư Wang Bing tại Đại học Công nghệ và Khai khoáng Trung Quốc - Bắc Kinh, cho biết 3 công nghệ này hiện vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm nhưng đều có tiềm năng thương mại, đặc biệt là đốt phối hợp sinh khối nhờ nguồn cung nguyên liệu sẵn có. Khi thị trường carbon trong nước phát triển, việc bán hạn ngạch phát thải sẽ giúp bù đắp chi phí đầu tư công nghệ, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi năng lượng xanh.
Với sự kết hợp giữa điều chỉnh thị trường, cải tiến công nghệ và chính sách hỗ trợ, Trung Quốc đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, đưa điện than vào vai trò hỗ trợ linh hoạt cho lưới điện và mở rộng không gian phát triển cho điện sạch - bước đi quan trọng trên hành trình hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu của quốc gia.
LINH TÔ (TTXVN)