25/04/2025 - 16:13

Ngộ độc, biến chứng do tự ý uống thuốc nam, đắp lá cây khi bị bệnh, chấn thương 

(CTO) - Theo Y học cổ truyền, các cây, cỏ trong vườn nhà có thể là những vị thuốc nam quý giá, giúp điều trị hiệu quả nhiều loại bệnh. Tuy nhiên, dù là thuốc đông y hay tây y đều cần có sự thăm khám, chẩn bệnh và hướng dẫn điều trị từ cán bộ y tế. Việc sử dụng tùy tiện có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường, biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân bị gãy xương, biến chứng do đắp lá thuốc. Ảnh: BV. 

Các bác sĩ BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long vừa tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân bị gãy xương nhưng chậm trễ phẫu thuật, ảnh hưởng đến chức năng vận động và cơ hội hồi phục. Chị T.T.B (44 tuổi, ở tỉnh An Giang) bị gãy cổ chân phải do té ngã khoảng 2 tháng trước. Sau tai nạn, chị B không đến BV thăm khám mà tự chăm sóc vết thương tại nhà bằng cách đắp lá cây với mong muốn giảm đau và hồi phục. Tuy nhiên, sau một thời gian đắp lá, tình trạng đau nhức vẫn kéo dài nên chị đến BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long thăm khám.

Qua kiểm tra lâm sàng và các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ xác định bệnh nhân bị gãy 2 xương mắt cá chân phải. Việc điều trị chưa phù hợp đã khiến tổn thương diễn tiến, gây khó khăn cho việc đi lại. Sau hội chẩn, ê-kíp bác sĩ quyết định phẫu thuật kết hợp xương và chỉnh hình khớp cổ chân cho bệnh nhân.

Theo ThS.BS Lê Dũng, Trưởng Khoa Ngoại thần kinh - Cơ xương khớp, BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, gãy xương vùng cổ chân hay trật khớp cổ chân không được chữa trị sớm hay điều trị không đúng phương pháp có thể để lại các di chứng nghiêm trọng. Vì vậy, người bệnh không nên tự ý uống, tiêm thuốc hay đắp lá vào vùng đau, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Thay vào đó, kịp thời đến thăm khám tại các BV có chuyên khoa cơ xương khớp để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả.

Trước đó, các bác sĩ BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long đã điều trị cho một trường hợp bị suy thận cấp do uống nước ép khế để trị ho kéo dài. Sau khi uống, bệnh nhân thấy mệt mỏi, buồn nôn, nôn ói nên đến BV kiểm tra. Qua thăm khám và kết quả xét nghiệm cho thấy người bệnh bị tổn thương thận nghiêm trọng. Theo các bác sĩ, trong nước ép khế chứa thành phần caramboxin, một chất có thể gây độc cho thận, đặc biệt với người có cơ địa nhạy cảm hoặc uống quá nhiều. Trường hợp bệnh nhân trên, nếu không được điều trị kịp thời, có thể dẫn đến suy thận mạn, thậm chí cần lọc máu. 

Theo các bác sĩ, cây cỏ làm thuốc cần có hướng dẫn chuyên môn, bởi ngay cả những loại thảo dược tưởng chừng lành tính cũng có thể gây hậu quả nghiêm trọng nếu dùng liều lượng lớn hoặc kéo dài, đặc biệt khi chưa được kiểm chứng khoa học hoặc chưa trải qua các nghiên cứu độc tính đầy đủ.

Bác sĩ khuyến cáo người dân không nên tin vào các thông tin lan truyền hoặc truyền miệng về tác dụng chữa bệnh của cây cỏ; tránh tự ý sử dụng dẫn tới những hậu quả đáng tiếc. Khi có bệnh, cần đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị theo chỉ định của cán bộ y tế.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết