24/04/2025 - 04:38

Đồng bào Khmer Nam bộ đoàn kết, xây dựng và bảo vệ quê hương
Bài cuối: Chăm lo tốt đời sống đồng bào dân tộc Khmer 

Cùng với các dân tộc thiểu số (DTTS) khác, đồng bào dân tộc Khmer luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ trung ương đến địa phương quan tâm, tạo điều kiện để phát huy nội lực, hội nhập và phát triển… Nhờ đó, đời sống của đồng bào dân tộc Khmer đã được nâng lên đáng kể... 50 năm sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, sức sống mới đã và đang lan tỏa khắp phum sóc vùng đồng bào Khmer Nam bộ.

Tạo sức bật cho vùng đồng bào Khmer

Khu vực Nam bộ có 53 thành phần DTTS sinh sống, với hơn 2,3 triệu người. Trong đó, đồng bào Khmer đông nhất, với khoảng 1,3 triệu người, chiếm khoảng 4,45% tổng dân số khu vực Nam bộ. Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với đồng bào các DTTS, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer. Nổi bật nhất là Chỉ thị số 68-CT/TW ngày 18-4-1991 của Ban Bí thư về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer (Chỉ thị 68). Sau đó là Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10-1-2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới (Chỉ thị 19).

Giá trị văn hóa của đồng bào Khmer được bảo tồn và phát triển. Trong ảnh: Đua ghe Ngo ở Sóc Trăng.  Ảnh: Lý Then

Theo ông Sơn Phước Hoan, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (nay là Bộ Dân tộc và Tôn giáo), việc Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 68, Chỉ thị 19 ở hai thời điểm khác nhau có ý nghĩa rất quan trọng đối với vùng đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ. Chỉ thị 68 có tầm quan trọng đặc biệt trong việc khắc phục khuyết điểm, thiếu sót của một số địa phương trong thực hiện chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo đối với đồng bào dân tộc Khmer và Phật giáo Nam tông Khmer đầu thập niên 80 của thế kỷ XX. Chỉ thị số đã từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và củng cố niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đối với vùng dân tộc Khmer. Tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo, vun đắp tình làng, nghĩa xóm... Kết quả thực hiện Chỉ thị góp phần tích cực vào việc giải quyết những khó khăn, bức xúc, khắc phục dần hạn chế, bất cập trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội chuyển từ giai đoạn bao cấp sang thời kỳ đổi mới của đất nước.

“Chủ trương, chính sách về dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước trong Chỉ thị 68 được Chỉ thị 19 kế thừa và cập nhật thêm các quan điểm đổi mới theo nghị quyết của Đảng qua các kỳ đại hội. Nội dung chính sách của Chỉ thị 19 khá toàn diện, đồng bộ, bao phủ các lĩnh vực và địa bàn vùng dân tộc Khmer Nam bộ. Chính sách đi kèm với việc bố trí nguồn lực của Trung ương, địa phương, lồng ghép các chính sách dân tộc chung, các chương trình dự án với các giải pháp, chỉ tiêu cụ thể. Ở Chỉ thị 19, hoạt động tôn giáo gắn với dân tộc được vận dụng khá linh hoạt, có tính đặc thù; dựa theo biệt truyền của Phật giáo Nam tông gắn với đặc điểm đặc thù của dân tộc Khmer… Công tác kiểm tra đôn đốc, sơ kết, tổng kết đánh giá việc tổ chức thực hiện chính sách được Trung ương và các địa phương thực hiện nghiêm túc” - ông Sơn Phước Hoan nhận định.

Đặc biệt, ngày 18-11-2019, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Ngày 19-6-2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi đoạn 2021-2030. Ngày 14-10-2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi đoạn 2021-2030: Giai đoạn I, từ năm 2021 đến năm 2025. Cùng với việc thực hiện Chỉ thị số 19, thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg vừa nêu đã tạo sức bật mới cho vùng đồng bào Khmer, cũng như đồng bào DTTS ở Nam bộ phát triển toàn diện.

Khởi sắc toàn diện

Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, lão nông Huỳnh Mác ngụ ấp Kinh Đứng B, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, kể: “Hồi trước ở đây độc canh cây lúa. Năm được mùa thì mất giá, năm được giá thì mất mùa. Cả ấp Khmer này hầu như toàn nhà lá… Rồi Nhà nước đào kênh thủy lợi, mở đường giao thông bằng bê tông. Nông dân được tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, áp dụng hiệu quả vào đồng đất... Nhờ vậy, cuộc sống của đồng bào ngày càng phát triển. Nhà tường khang trang, hiện đại, mọc lên ngày càng nhiều. Tôi có 2 đứa con. Đứa thì đi làm xa, đứa thì học tận Hà Nội. Lúc nhớ con, chỉ cần gọi Zalo. Sức khỏe của tôi không còn như xưa, nhưng làm lúa, làm vườn… đều có máy móc hỗ trợ hết”.

Vùng đồng bào Khmer ở Tri Tôn, tỉnh An Giang, ngày càng khởi sắc.

Câu chuyện của lão nông Huỳnh Mác minh chứng phần nào sự phát triển của vùng đồng bào DTTS nói chung, đồng bào Khmer nói riêng. Đến nay, ở vùng đồng bào dân tộc Khmer và cả vùng đồng bào DTTS ở Nam bộ, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm được rải nhựa hoặc bê tông; gần 90% ấp có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa… Đặc biệt số hộ dân tộc Khmer thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và số lao động chưa qua đào tạo nghề ngày càng giảm dần; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer giai đoạn 2018-2023 giảm bình quân 2-4%/năm. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người trong đồng bào dân tộc Khmer là 21 triệu đồng/người/năm; đến năm 2023, con số này đạt 25 triệu đồng. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo và chăm sóc sức khỏe nhân dân trong vùng đồng bào Khmer có nhiều tiến bộ. Quyền bình đẳng giữa các dân tộc cơ bản được bảo đảm; đoàn kết giữa các dân tộc tiếp tục được củng cố. Hệ thống chính trị cơ sở ở vùng dân tộc được tăng cường, đội ngũ cán bộ dần kiện toàn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ… Từ đó, tạo sự phấn khởi trong đồng bào, tạo niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Đồng bào Khmer Nam bộ có đời sống văn hóa tinh thần rất phong phú với có nhiều lễ hội đặc sắc. Thượng tọa Lý Hùng, Phó Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Cần Thơ, trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây, cho biết: “Công tác bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Khmer được các ngành, các cấp duy trì, phát triển. Các lễ hội văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào luôn được các cấp chính quyền quan tâm và tạo điều kiện tổ chức. Hằng năm, dịp Tết Chôl Chnăm Thmây, lễ Sene- Dolta, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa: họp mặt truyền thống, thăm hỏi, chúc mừng và tặng quà Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước, các chùa Phật giáo Nam tông Khmer, các vị chức sắc, người có uy tín, gia đình chính sách tiêu biểu, hộ nghèo dân tộc Khmer…”.

Các hoạt động văn hóa của đồng bào Khmer được các địa phương đặc biệt quan tâm. Ngày hội văn hóa, thể thao du lịch đồng bào Khmer được tổ chức 3 năm 1 lần và định kỳ luân phiên tại các tỉnh, thành có đông đồng bào Khmer sinh sống. Lễ hội Ok Om Bok - đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận tổ chức với quy mô khu vực ĐBSCL định kỳ 2 năm 1 lần. Ngày hội văn hóa, thể thao du lịch đồng bào Khmer các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long; Liên hoan nghệ thuật quần chúng và hội thi trình diễn trang phục dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh được tổ chức hằng năm… Đến nay, đã có 55 di tích lịch sử, văn hóa trong vùng dân tộc Khmer được công nhận, xếp hạng; trong đó có 15 di tích cấp quốc gia, 40 di tích cấp tỉnh. Đặc biệt, có 5 loại hình nghệ thuật đặc sắc và 2 lễ hội dân gian của đồng bào dân tộc Khmer được công nhận di sản phi vật thể cấp quốc gia.

Tiếp tục phát triển

Dù có bước phát triển, song do đặc điểm dân cư, địa bàn cư trú và tập quán sản xuất nên đời sống của một bộ phận bà con dân tộc Khmer vẫn còn khó khăn. Hòa thượng Thạch Sok Xane, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi tiếp tục phối hợp các cấp, các ngành tuyên truyền, vận động đồng bào phát huy truyền thống đoàn kết, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc tôn giáo. Đồng thời, phát huy ý chí cần cù, sáng tạo, chịu khó với tinh thần tự lực tự cường cao; tích cực lao động sản xuất, học tập nâng cao trình độ; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội”.

Giao thông nông thôn vùng dân tộc Khmer ở xã Thới Xuân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ, cho biết: Thành ủy Cần Thơ chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền và các sở, ban ngành hữu quan triển khai cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân, nhất là đồng bào DTTS quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các quy định pháp luật và chính sách mới liên quan trực tiếp đến đồng bào DTTS nói chung, đồng bào Khmer nói riêng. Từ đó, chủ động và kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể và nhân dân trong thực hiện chính sách dân tộc; khẳng định tính nhất quán của chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước: Các dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển… Thành phố tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện phát huy vai trò của Hội đoàn kết Sư sãi yêu nước, Ban Quản trị chùa, các vị chức sắc Phật giáo Nam tông Khmer, người có uy tín, lực lượng cốt cán trong đồng bào dân tộc Khmer; tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò người có uy tín trong đồng bào dân DTTS nói chung, đồng bào Khmer nói riêng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để tiếp tục thực hiện tốt chính sách dân tộc đối với đồng bào Khmer và cả đồng bào DTTS, nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị về công tác dân tộc, tôn giáo; về dân tộc và Phật giáo Nam tông Khmer trong tình hình mới. Kiên trì thực hiện quan điểm của Ðảng về công tác dân tộc và tôn giáo theo nghị quyết của Ðảng. Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến đồng bào DTTS, trong đó có đồng bào Khmer. Các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh vùng DTTS và miền núi phải toàn diện, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào. Phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Bên cạnh đó, tập trung giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức thiết; rà soát, lồng ghép, sửa đổi, bổ sung chính sách; nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án; tăng cường hợp tác quốc tế, đa dạng hóa và xã hội hóa nguồn lực đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc.

*   *   *

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cùng cả nước, cả hệ thống chính trị ở Nam bộ nỗ lực, quyết tâm chính trị cao thực hiện việc sắp xếp bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Với nền tảng thành công đã tạo dựng, cùng với thế chủ động, tích cực, quyết tâm nắm bắt cơ hội, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong thực hiện chính sách dân tộc, tin tưởng rằng, công tác dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc Khmer cũng như trong vùng DTTS tiếp tục phát triển. Đồng bào dân tộc Khmer vùng với các dân tộc khác tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Từ đó, sớm cùng với cả nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới của dân tộc - kỷ nguyên vươn mình phát triển.

THANH LONG

Chia sẻ bài viết