22/04/2025 - 10:25

Đồng bào Khmer Nam bộ đoàn kết, xây dựng và bảo vệ quê hương 

THANH LONG

Ðồng bào Khmer Nam bộ hiện có hơn 1,3 triệu người, chiếm 4,45% tổng dân số; sinh sống thành cộng đồng, đan xen với các dân tộc Kinh, Hoa và một số dân tộc khác. Không chỉ tham gia mở mang vùng đất, đồng bào Khmer còn có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, cùng các dân tộc khác ở Nam bộ góp phần tạo nên những ngày tháng Tư lịch sử của dân tộc Việt Nam - ngày 30-4-1975, Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Và trong suốt 50 năm qua, đồng bào Khmer đã cùng các dân tộc khác trên mảnh đất Nam bộ đoàn kết xây dựng phum sóc, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.


Bài 1: ÐIỂM XUYẾT NHỮNG TRANG SỬ HÀO HÙNG CỦA ÐỒNG BÀO KHMER

Về vùng đồng bào dân tộc Khmer, tìm hiểu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tôi nghe kể rất nhiều về dân tộc Khmer đã anh dũng, đoàn kết, có người hy sinh cả tính mạng để cùng các dân tộc khác đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược. Chiến công dù thầm lặng, hay được ghi danh của những anh hùng ấy đã góp phần quan trọng vào thống nhất nước nhà, toàn vẹn lãnh thổ… Họ là những tượng đài anh dũng, kiên cường.

 Đoàn kết xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Lịch sử phát triển của dân tộc ghi nhận đồng bào các dân tộc nói chung và đồng bào dân tộc Khmer nói riêng giàu truyền thống đoàn kết, yêu nước, yêu lao động, sống nhân nghĩa, vượt qua muôn ngàn thử thách để tồn tại và phát triển. Theo sử sách, từ thế kỷ XV trở đi, người Khmer đã có mặt đông đúc ở hạ lưu sông MeKong (ÐBSCL ngày nay). Từ thế kỷ XVIII, khi chính thức tiếp quản vùng đất Nam bộ, chúa Nguyễn liên tục mở rộng khai hoang, phục hóa. Một trong những việc quan trọng lúc bấy giờ là đào kênh dẫn nước rửa phèn trồng lúa và phục vụ đi lại. Nhiều kênh lớn đã được đào, như: kênh Bảo Ðịnh (năm 1705), kênh Ruột Ngựa (năm 1779), kênh Vĩnh Tế (năm 1819), kênh Vĩnh An (năm 1843). Thời kỳ này, đông đảo người Khmer đã sát cánh, tận lực cùng lưu dân Việt tạo nên những con kênh lịch sử nêu trên.

Không chỉ tham gia mở mang vùng đất, người Khmer còn đóng góp quan trọng trong công cuộc bảo vệ thành quả khai hoang, thiết lập các đơn vị hành chính, đoàn kết đấu tranh chống xâm lược, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trước khi có Ðảng, thực dân Pháp đã thực hiện chính sách “chia để trị” gây nên những hậu quả nghiêm trọng trong quan hệ giữa các dân tộc anh em. Từ ngày có Ðảng lãnh đạo, người Khmer ở Nam bộ tự giác đấu tranh, tình đoàn kết các dân tộc Kinh, Khmer và Hoa được củng cố, tăng cường.


Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Chữ vui vẻ trò chuyện cùng ông Trần Trọng Thể, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.​ 

 

Tổ chức Ðảng đã tập trung xây dựng, củng cố khối đoàn kết các dân tộc, lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống âm mưu thống trị và khai thác thuộc địa của thực dân Pháp; vận động đồng bào Khmer tích cực tham gia vào “Hội tương tế ái hữu”, “Nông hội đỏ”, “Cứu tế đỏ”, “Hội ủng hộ Issarăk”, “Hội Cao Miên tự do”, “Ban Sãi vận”… giác ngộ đồng bào Khmer đấu tranh giành độc lập dân tộc. Qua các phong trào đấu tranh, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, đồng bào Khmer ngày càng nhận thức rõ hơn khả năng và sức mạnh to lớn của chính cộng đồng mình, tin tưởng vào sự nghiệp đấu tranh cách mạng, chống chế độ thuộc địa, phong kiến, chống phát xít, đòi quyền tự do, dân chủ của nhân dân. Nhiều thanh niên, trí thức Khmer Nam bộ đã giác ngộ lý tưởng cách mạng của Ðảng, tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Sau năm 1945, thực dân Pháp trở lại xâm lược Nam bộ, cuộc kháng chiến toàn diện chống Pháp đã thu hút đông đảo đồng bào Khmer tham gia. Nhiều căn cứ kháng chiến của lực lượng yêu nước vùng Tây Nam Bộ đã được xây dựng và phát triển trong vùng đồng bào Khmer, tạo tiền đề quan trọng trong công cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, như: Căn cứ Trà Cú - Trà Vinh; Mỹ Xuyên, Long Phú, Vĩnh Châu - Sóc Trăng; U Minh, Vĩnh Lợi, Ngọc Hiển, Trần Văn Thời - Cà Mau…

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, đồng bào Khmer Nam bộ đã tích cực tham gia Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Dưới ngọn cờ chính nghĩa, đoàn kết chiến đấu của Mặt trận, lực lượng cách mạng trong vùng dân tộc Khmer phát triển nhanh chóng thu hút đông đảo sư sãi và đồng bào Khmer tham gia vào các tổ chức cách mạng, như: Ban Khmer vận khu Tây Nam Bộ, Ban Khmer vận các tỉnh, huyện, xã và phát triển cơ sở cách mạng trong giới sư sãi. Nhiều vị sư sãi Khmer đã hoàn tục, trực tiếp cầm súng tham gia kháng chiến; nhiều phong trào đấu tranh, biểu tình công khai của đồng bào và sư sãi Khmer chống chính quyền tay sai của Mỹ - Ngụy, như: chống dồn dân, chống bắn phá chùa chiền, chống lấy chùa làm đồn bót, chống đàn áp… đã diễn ra khắp nơi ở Nam bộ. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh của hơn hai vạn đồng bào dân tộc Khmer ở Trà Vinh năm 1967; cuộc đấu tranh của hơn hai trăm sư sãi ở Rạch Sỏi (Kiên Giang); cuộc đấu tranh của bốn vạn người Khmer ở Trà Cú (Cửu Long) đã biểu thị tinh thần đấu tranh bất khuất của đồng bào Khmer Nam bộ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhiều ngôi chùa của bà con Khmer đã trở thành cơ sở cách mạng. Tỉnh Bạc Liêu có chùa Kosthum, xã Ninh Thạnh Lợi; chùa Ðìa Chuối, xã Vĩnh Bình; chùa Dì Quán, xã Ninh Quới. Tỉnh Hậu Giang có chùa Bôrây Sêrây Chum, xã Xà Phiên; tỉnh Trà Vinh có chùa Phnô Om Pung… Theo ghi nhận, tổng số chùa chiền là cơ sở cách mạng ở vùng: Sóc Trăng có 39 chùa, Trà Vinh có 54 chùa, Cần Thơ có 6 chùa, Vĩnh Long có 6 chùa, Cà Mau có 6 chùa… Và trong quá trình đấu tranh ấy, có nhiều con em của đồng bào dân tộc Khmer đã anh dũng hy sinh.

Những tượng đài anh dũng

Nhắc đến truyền thống hào hùng của dân tộc, bà con Khmer ấp Giồng Tranh, xã Tập Ngãi, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, vẫn thường kể về ông MaHa Sơn Thông. Ông tên thật là Sơn Thông, bí danh Mười Tăng, sinh ngày 11-2-1910 tại ấp Giồng Tranh. Năm 14 tuổi, ông bắt đầu tu tại chùa Pôthivôngsaram (Chông Tọp) ấp Hòa Lạc, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành. Năm 1926, ông sang Thái Lan để học chữ Pali. Sau 10 năm học, ông được phong học vị MaHa. Một thời gian sau, ông về nước đi dạy chữ Pali và Kinh Phật ở chùa Bà Giam (xã Ðôn Châu, huyện Trà Cú).

Là người yêu nước, sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ông tích cực tham gia các hoạt động cách mạng… Với uy tín của mình, ông đã vận động nhiều thanh niên, sư sãi đi theo cách mạng. Ông Sơn Thông nói rất giỏi tiếng Thái Lan, thông hiểu chữ Pali, giáo lý Phật và sử dụng sự hiểu biết đúng nơi, đúng chỗ, khiêm tốn nên càng được giới sư sãi, trí thức và đồng bào Khmer cảm mến, tin cậy… Ông Trương Sia, thương binh 4/4, ở ấp Giồng Tranh, xã Tập Ngãi, nhớ lại: “Ba mẹ tôi kể, địch biết ông Sơn Thông là cán bộ cách mạng nên ráo riết truy lùng, đuổi bắt. Nhưng được bà con che giấu, giữ bí mật nên ông vẫn an toàn trong lòng địch. Không bắt được ông Sơn Thông, địch quay qua đàn áp, kiếm cớ bắt bớ và đánh đập rất dã man những ai có liên quan đến ông… Ðiều này càng khiến đồng bào Khmer thêm căm hận và quyết một lòng theo cách mạng”…

Ở vùng quê Ô Lâm, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang có Khu tưởng niệm nữ liệt sĩ Neáng Nghés - người dân tộc Khmer. Chị sinh năm 1942, tham gia cách mạng từ năm 18 tuổi với công việc giao liên, tiếp tế lương thực, thuốc men cho bộ đội, rồi tham gia Hội Phụ nữ giải phóng xã Ô Lâm. Chị luôn đi đầu trong các cuộc đấu tranh chống quy khu dồn dân, càn quét, bắn phá của địch. Năm 1962, chị bị địch bắt. Dù bị tra tấn dã man nhưng chị vẫn kiên cường, không khai báo. Chị hy sinh năm 1962 khi mới tròn 20 tuổi.

Còn rất nhiều những tấm gương đồng bào dân tộc Khmer đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, như: Hòa thượng Hữu Nhem, Thạch Thị Chanh, Neáng Ghét, Danh Thị Tươi… Nhiều sư sãi giữ vị trí cao trong Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam, như: Hòa thượng Sơn Vọng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam; Hòa thượng Thạch Sơn, nguyên Hội trưởng Hội đồng sư sãi yêu nước khu vực Tây Nam Bộ; Hòa thượng Lui Sa Rat, nguyên Chủ tịch Mặt trận Giải phóng tỉnh Trà Vinh…


Ông Trương Sia (ngồi giữa bên trái) ở ấp Giồng Tranh, xã Tập Ngãi, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh đang ôn lại lịch sử đấu tranh ở địa phương.

 

Ðặc biệt, hầu hết các địa phương thuộc Tây Nam Bộ đều có Mẹ Việt Nam Anh hùng là người Khmer. Cụ thể, Trà Vinh có 42 Mẹ, Sóc Trăng có 24 Mẹ, Vĩnh Long có 8 Mẹ, Kiên Giang có 7 Mẹ, Bạc Liêu có 3 Mẹ, Cà Mau có 3 Mẹ, Cần Thơ có 2 Mẹ… Theo ghi nhận, hiện nay, chỉ 6 Mẹ Việt Nam Anh hùng dân tộc Khmerr còn sống...

Tôi có dịp cùng đoàn cán bộ địa phương đến thăm và chúc sức khỏe Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Chữ ở ấp 5, xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Mẹ có 2 người con là liệt sĩ Huỳnh Văn Diết và liệt sĩ Huỳnh Văn Bảo. Mẹ năm nay đã 94 tuổi. Theo lời kể của chị Huỳnh Kim Trang, con út của mẹ Chữ, lúc Mẹ còn minh mẫn, mỗi lần đám giỗ các anh, Mẹ thường hay kể về thời giặc giã, về những khó khăn khốn cùng của gia đình, người phum sóc phải chịu nhiều mất mát, đau thương do chiến tranh. Sống trong vùng căn cứ kháng chiến, ba của chị, rồi anh Ba (liệt sĩ Diết), anh Tư (liệt sĩ Bảo) sớm giác ngộ và đi theo cách mạng. Trong một lần chiến đấu với địch vào ngày 30-3-1973, tại ấp Rạch Cui, anh Tư hy sinh. Chưa đầy 7 tháng sau, ngày 19-10-1973, anh Ba (là lính Quân khu 9) cũng hy sinh trong một trận chiến khốc liệt với địch ở Tây Ninh. “Mẹ nói, anh Ba đã là Trung đội trưởng, lúc hy sinh chỉ mới tròn 20 tuổi. Còn anh Tư, hy sinh tại quê hương Khánh Bình Ðông này lúc chỉ mới 17 tuổi… Mẹ nói, anh Ba, anh Tư ra đi khi còn quá trẻ, nhưng hy sinh để đem hòa bình, đem cuộc sống ấm no cho phum sóc nên Mẹ cũng bớt buồn đau…” - chị Trang xúc động chia sẻ.

* * *

Mỗi đồng bào Khmer Nam bộ tham gia vào công cuộc kháng chiến giành lấy độc lập tự do cho dân tộc đều là một phần máu thịt của dân tộc, là anh hùng trong lòng nhân dân. Sự hy sinh và lòng yêu nước của họ là ngọn lửa truyền thống, tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ hôm nay gìn giữ hòa bình, xây dựng phum sóc ngày càng giàu đẹp, nghĩa tình.

(Còn tiếp)

 --------------

Bài 2: Vì phum sóc, cộng đồng và sự thịnh vượng của quê hương

Chia sẻ bài viết