THANH LONG
Bài 2: VÌ PHUM SÓC, CỘNG ÐỒNG VÀ SỰ THỊNH VƯỢNG CỦA QUÊ HƯƠNG
50 năm từ Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng bào Khmer Nam bộ vẫn kiên định một lòng theo Ðảng, theo Bác Hồ. Nhiều người trẻ dân tộc Khmer ngày nay noi gương ông cha tiếp tục cống hiến xây dựng phum, sóc ngày càng giàu đẹp. Không ít trong số họ sẵn sàng bỏ mức lương hàng chục triệu đồng ở phố để về quê lập nghiệp, với suy nghĩ: “Yêu nước là dành trọn tâm huyết cho công việc mình đang làm… và luôn hướng đến giá trị cộng đồng, nơi chôn nhau cắt rốn!”.
Mãi theo Ðảng, theo Bác Hồ
Ở ấp Giồng Tranh, xã Tập Ngãi, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh có Ðài tưởng niệm truyền thống cách mạng dân tộc Khmer ấp Giồng Tranh. Công trình được khánh thành vào 30-6-2016. Theo ông Thạch Rộng, Bí thư Chi bộ ấp Giồng Tranh, ấp được xem là cái nôi cách mạng tiêu biểu của đồng bào Khmer Nam Bộ. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, nơi đây đã hình thành phong trào cách mạng và lan tỏa rộng khắp, đồng thời sinh ra nhiều người con ưu tú cho Ðảng. Ấp có 11 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 1 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 6 gia đình có công với cách mạng và 70 gia đình thương binh, liệt sĩ... Ðặc biệt, ấp có 3 cán bộ người dân tộc Khmer nguyên là Ủy viên Trung ương Ðảng.

Chị Thạch Thị Chal Thi, Giám đốc Sokfarm trao đổi với đối tác nước ngoài.
“Ðài tưởng niệm được đặt tại ấp Giồng Tranh là tâm nguyện của cán bộ, trí thức, chư tăng và đồng bào Khmer ở địa phương. Ðài tưởng niệm không chỉ là niềm tự hào mà còn là công trình giáo dục truyền thống đoàn kết, truyền thống cách mạng hào hùng cho người dân Khmer ấp Giồng Tranh nói riêng, đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung. Ðồng bào Khmer ấp Giồng Tranh luôn phát huy truyền thống cách mạng, tin tưởng và tuân theo đường lối chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Ðặc biệt, luôn học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ” - ông Thạch Rộng chia sẻ.
Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, bằng các chính sách đúng đắn và đầy nhân văn, như: Chương trình 134, 135, xây dựng nông thôn mới, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… đời sống đồng bào Khmer ngày một đổi thay. Theo thống kê sơ bộ của các địa phương Nam Bộ, năm 2018, toàn vùng có 21.474 đảng viên dân tộc Khmer, chiếm 3,14% tổng số đảng viên của khu vực. Ðến năm 2023, con số này lên đến 25.326 đảng viên, chiếm 3,45% tổng số đảng viên toàn khu vực... Lực lượng này là cầu nối giữa Ðảng và nhân dân.
Ông Danh Hiệp gần 70 tuổi, là đảng viên, cán bộ hưu trí và nhiều năm nay được bình bầu là người có uy tín của ấp Cơi 5A, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ông còn là 1 trong gần 500 người có uy tín được lựa chọn từ khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước về dự Chương trình biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số toàn quốc vào cuối năm 2023… Ông chia sẻ: “Thời chiến tranh loạn lạc, rồi thời đất nước mới được hòa bình, thống nhất, dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng Ðảng và Nhà nước luôn vì nhân dân, vì đồng bào dân tộc thiểu số… Tôi luôn tìm hiểu cặn kẽ chính sách dân tộc, tìm hiểu gương “người tốt, việc tốt” trong vùng đồng bào để khuyến khích, thuyết phục, động viên con cháu mình, đồng bào Khmer mình chăm lo xây dựng và phát triển đời sống, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững…”.
Xã Thới Xuân, huyện Cờ Ðỏ, TP Cần Thơ có 646 hộ, 2.747 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Khmer, chiếm 44,27% dân số toàn xã. Ðến nay, xã chỉ còn 2 hộ dân tộc Khmer nghèo. Theo ông Ðỗ Xuân Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Thới Xuân, đồng bào Khmer luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, chấp hành tốt chính sách, luật pháp của Nhà nước. Từ đó, tích cực tham gia tốt các phong trào ở địa phương: hiến đất làm 7,5km lộ giao thông nông thôn, đóng góp kinh phí cùng xã làm 13,5km đèn chiếu sáng trên các tuyến đường nông thôn. Người dân ấp Thới Trường 1 đóng góp 150 ngày công đào, lắp được 1.100m đường ống nước sạch... Các lễ hội truyền thống như Chôl Chnăm Thmây, Ok Om Bok, Sene Dôlta được tổ chức trang trọng, giàu bản sắc. Chùa chiền, trường học, trạm y tế được xây dựng ngày càng khang trang. Con em Khmer được học hành, tiếp cận tri thức. Nhiều chùa Khmer - có vai trò quan trọng trong đời sống của cộng đồng người Khmer, ảnh Bác Hồ được đặt nơi thờ phượng trang nghiêm; hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc chùa Khmer đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của niềm tin vào Ðảng, vào Bác Hồ.
Noi gương cha ông
Sinh ra trong thời bình, chỉ biết chiến tranh qua sử sách, qua lời kể của ông cha nhưng, nhiều người con của dân tộc Khmer sớm nhận thức được giá trị của “độc lập, tự do”, hun đúc ý chí làm giàu chính đáng nơi phum sóc bằng tài nguyên bản địa. Câu chuyện của chị Chau Thị Dịu ở An Giang và chị Thạch Thị Chal Thi ở Trà Vinh là những hành trình truyền cảm hứng.
“Pal trong tiếng Khmer có nghĩa là cây cọ, mania có nghĩa là đam mê. Tôi đặt tên Công ty CP Palmania chuyên sản xuất sản phẩm đường thốt nốt. Tôi mong muốn đặc sản quê hương của đồng bào Khmer mình sẽ vươn ra khỏi vùng quê còn nhiều nghèo khó” - chị Chau Ngọc Dịu giải thích. Ðể thực hiện ước mơ đó, chị Dịu đã từ bỏ công việc với mức lương cao, về quê khởi nghiệp…
Quê chị Dịu ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Hơn 10 năm trước, sau khi tốt nghiệp đại học, chị làm nhân viên ngân hàng rồi chuyển sang làm việc tại đơn vị phúc lợi cộng đồng ở TP Hồ Chí Minh. Lúc bấy giờ, lương của chị Dịu lên đến hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Vì vậy, nhiều người ngạc nhiên khi chị quyết định bỏ tất cả để khởi nghiệp từ cây thốt nốt ở quê nhà. Chị Dịu chia sẻ: “Tôi muốn làm ra một sản phẩm đặc trưng của quê hương mà ai cũng có thể biếu, tặng dễ dàng. Tôi muốn mang lại giá trị cho sản phẩm bản địa”.
Tháng 6-2017, chị Dịu cùng người bạn hùn vốn thành lập Công ty CP Palmania, trụ sở đặt tại TP Hồ Chí Minh, do chị làm Giám đốc. Ðến tháng 8-2019, Công ty chuyển trụ sở về thị trấn Tri Tôn. Sau 2 năm nỗ lực tìm tòi nghiên cứu, Công ty phát triển thành công sản phẩm mới - đường thốt nốt bột Palmania nguyên chất, tự nhiên, không phụ gia… Ðặc biệt, cuối tháng 2 vừa qua, 3 sản phẩm mật thốt nốt sệt, mật thốt nốt hạt và mật thốt nốt bột của Palmania được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao. Ðây không chỉ là niềm tự hào mà còn là động lực lớn để Palmania tiếp tục phát triển nguồn nguyên liệu bản địa gắn với đồng bào dân tộc Khmer - cây thốt nốt… Trước đây, khi còn làm cho đơn vị phúc lợi cộng đồng, được đi nhiều, tiếp xúc nhiều, chị Dịu thấu hiểu sự thiệt thòi của phụ nữ, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số. Chị đau đáu nghĩ về những phụ nữ Khmer ở vùng quê... “Dịu muốn tạo việc làm cho phụ nữ dân tộc Khmer. Ước mơ ấy nay đã thành hiện thực khi công ty mình có hơn 90% là phụ nữ dân tộc Khmer” - chị Dịu nói.

Chau Ngọc Dịu, Công ty CP Palmania bên sản phẩm từ thốt nốt.
Sau hơn 5 năm phát triển, vợ chồng thạc sĩ “bỏ phố về quê” khởi nghiệp đã dần hái quả ngọt. Trung bình mỗi năm, công ty sản xuất được 240 tấn nguyên liệu hữu cơ thành phẩm đưa ra thị trường tiêu thụ. Doanh thu năm 2024 đạt 21 tỉ đồng. Công ty có hệ thống phân phối hơn 400 đại lý, trên 30 tỉnh thành, 200 chuỗi cửa hàng organic, siêu thị trên toàn quốc, xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường Ðức, Mỹ, Hà Lan, Úc, Nhật Bản… Công ty hiện tạo việc làm ổn định cho 90 hộ (phần lớn là đồng bào dân tộc Khmer), trong đó có 48 nhân viên và liên kết với 42 nông hộ. Từ 1 sản phẩm, nay công ty đã có 6 sản phẩm được nghiên cứu từ mật hoa dừa và tương lai là hơn 30 sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm... Diện tích vườn dừa lấy mật của công ty đã lên tới 20ha với 5.000 cây dừa. Năm 2025, công ty đặt mục tiêu nâng diện tích dừa lấy mật lên 30ha, đến năm 2030 là 300ha... Ðó là thành tựu đáng nể của Công ty TNHH Trà Vinh Farm - SokFarm. “Sok trong tiếng Khmer có nghĩa là hạnh phúc và Sokfarm có nghĩa là nông nghiệp hạnh phúc… Chúng tôi chọn nông nghiệp hữu cơ vì muốn tạo ra những sản phẩm không chỉ ngon mà còn sạch, minh bạch và tử tế từ gốc rễ. Với tôi, hữu cơ không chỉ là kỹ thuật canh tác, mà là một triết lý sống - là sự tôn trọng với đất, với cây, với nông dân và với cả người tiêu dùng” - chị Thạch Thị Chal Thi, Giám đốc Sokfarm chia sẻ.
“Ðâu là những khác biệt để Sokfarm có được thành công hôm nay?” - tôi hỏi. Giám đốc Chal Thi trả lời: “Ðó là kết quả của sự kiên định, tính minh bạch, và một niềm tin bền bỉ rằng nông sản Việt - nếu làm đúng cách - có thể đi rất xa… Tôi nghĩ điểm khác biệt lớn nhất là chúng tôi không khởi nghiệp chỉ để bán sản phẩm, mà để sống tử tế với quê hương mình. Chúng tôi bắt đầu với hai bàn tay trắng, không vốn lớn, không hậu thuẫn, chỉ có một thứ duy nhất: niềm tin vào người Khmer, vào cây dừa, và vào khả năng tạo ra giá trị từ chính bản địa…”.
Tôi hỏi: “Làm gì để người Khmer, nhất là những người trẻ gắn bó với Sokfarm ngay những ngày đầu mới thành lập cho đến nay?”. Chị Chal Thi: “Chúng tôi dùng hành động thực tế để xây dựng niềm tin. Ngay từ những ngày đầu, tôi và chồng là anh Ngãi (Phạm Ðình Ngãi - Tổng Giám đốc và nhà sáng lập Sokfarm) đến tận từng hộ nông dân, giải thích kỹ thuật, đưa mẫu thử, ký hợp đồng rõ ràng. Khi bà con thấy hiệu quả - thu nhập từ mật hoa dừa cao hơn nhiều lần so với bán trái dừa, họ bắt đầu tin tưởng. Và, khi thấy Sokfarm luôn đúng hẹn, minh bạch, không thất hứa, họ bắt đầu gắn bó. Với các bạn trẻ người Khmer, tôi không khuyên họ phải “bỏ phố về quê”, mà tôi nói chính nơi bạn sinh ra vẫn còn nhiều tiềm năng, bạn có thể là người mở lối cho quê hương mình. Khi có môi trường tốt, có cơ hội học hỏi và phát triển, tôi tin rằng, người trẻ sẽ ở lại và cùng làm nên điều đáng tự hào cho phum sóc, quê hương”.
Tôi hỏi: “Thông điệp mà Sokfarm muốn gửi đến thế hệ trẻ sống không hổ thẹn với thế hệ ông cha?”. Chị Chal Thi trả lời: ““Nếu thật sự yêu nước thì chịu khó triển khai đi thôi!”. Ðó là câu nói mà tôi rất tâm đắc, và cũng là tinh thần mà Sokfarm lựa chọn để sống và làm việc mỗi ngày. Tôi nghĩ, yêu nước không nhất thiết là điều gì to lớn. Yêu nước là khi bạn dành trọn tâm huyết cho công việc mình đang làm, là chăm chút từng sản phẩm, minh bạch từng quy trình, và luôn hướng đến giá trị cộng đồng, nơi chôn nhau cắt rốn… Tôi thấy nhiều bạn trẻ có ý tưởng rất hay, nhưng lại ngại bắt đầu, chờ “đủ đầy” rồi mới làm. Thật ra, không có lúc nào gọi là “sẵn sàng 100%” cả. Cứ bắt đầu đi, rồi mình vừa làm vừa học, vừa sửa. Ðó mới là hành trình thật sự. Lời khuyên của tôi: “Ðừng sợ khởi nghiệp khó. Cái khó nhất là... không bắt đầu””.
Giám đốc Chal Thi chia sẻ rất nhiều về “hành trình yêu nước” của Sokfarm. Chị bảo rằng, điều chị tâm đắc nhất là Sokfarm đã góp phần tạo ra một mô hình “nông nghiệp hạnh phúc” - nơi bà con, nhất là người Khmer được sống ổn định trên chính quê hương mình, bằng công việc mà họ tự hào. Không chỉ là tăng thu nhập mà là thay đổi nhận thức, khơi lại niềm tin vào tài nguyên bản địa. “Tôi rất xúc động vì lớp học tiếng Anh Sok School - một dự án nhỏ từ nhu cầu tìm lớp cho con - giờ đã phát triển thành một không gian học tập cộng đồng cho hơn 40 học sinh là con em công nhân, nông dân quanh nhà máy. Tương lai, tôi mong Sok School không chỉ dạy tiếng Anh, mà còn trở thành nơi bồi dưỡng kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp và phát triển tư duy hội nhập cho trẻ em, nhất là trẻ em dân tộc Khmer. Tôi tin, đầu tư cho giáo dục là cách bền vững nhất để giúp quê mình thay đổi!” - chị Chal Thi chia sẻ.
*
* *
Ðó là hành trình yêu nước rất nhân văn của những người Khmer trẻ sống trọn vẹn trong hòa bình. Và còn có rất nhiều, rất nhiều những người dân tộc Khmer không ngừng nỗ lực vươn lên, cùng địa phương góp phần nâng cao cuộc sống cho đồng bào dân tộc. Ðể rồi, 50 năm sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vùng đồng bào dân tộc Khmer ở Nam bộ ngày một khang trang hơn, đàng hoàng hơn.
(Còn tiếp)
Bài cuối: Chăm lo tốt đời sống đồng bào dân tộc Khmer