Bài 2: Nhiều vướng mắc trong kê khai và kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập
Công tác kê khai và kiểm soát kê khai tài sản thu nhập (TSTN) thời gian qua được các cấp, các ngành trong cả nước ghi nhận đạt được một số kết quả khả quan. Dù vậy, hiện nay, cả người kê khai và người làm công tác kiểm soát kê khai TSTN vẫn “loay hoay” với nhiều quy định chưa rõ ràng. Vấn đề này đòi hỏi cần phải tiếp tục hoàn thiện cả cơ chế lẫn thể chế để công tác kê khai và kiểm soát kê khai TSTN đi vào thực chất.
Thanh tra TP Cần Thơ công bố kết luận kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng tại Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật. Ảnh: CTV
Lúng túng trong kê khai và tổ chức kê khai TSTN
Chuẩn bị kê khai TSTN phục vụ cho công tác quy hoạch cán bộ (CB), chị M.L, viên chức một đơn vị sự nghiệp, băn khoăn: “Tôi không có đất đai, nhà cửa, đang ở chung với bên chồng. Mà đất đai do cha mẹ đứng tên, tôi không biết phải kê khai thế nào? Xe gắn máy, tôi đứng tên 2 chiếc, nhưng cộng lại giá trị tôi mua chưa tới 50 triệu đồng. Vậy tôi có phải kê khai không?... Ðể ghi các mục trong bản kê khai TSTN, thật sự tôi rất lúng túng!”.
Nhiều ý kiến cho rằng, thoạt nhìn, bản kê khai TSTN khá đơn giản, nhưng khi bắt tay vào kê khai thì cảm thấy rất lúng túng. Hàng loạt những câu hỏi, vấn đề đặt ra mà người kê khai cứ “ngờ ngợ” chẳng biết đúng, sai. Nào là tài sản do vợ/chồng được cha mẹ tặng cho riêng, không kê khai vì vợ/chồng chưa biết thì vi phạm không? Hay tài sản là cây cảnh, tranh ảnh, đất đai… xác định giá trị như thế nào cho chính xác...
Luật Phòng, chống tham nhũng và các nghị định hướng dẫn quy định đối tượng kê khai TSTN tương đối rộng. Ðó là tất cả CB, công chức phải kê khai lần đầu nên tốn nguồn lực để thực hiện. Theo anh K, công chức phường, một phường có khoảng 20 người thuộc diện kê khai TSTN nên việc kiểm tra bản kê khai khi tiếp nhận, lưu giữ, công khai… rất mất thời gian, công sức. Chưa kể CB làm công tác tiếp nhận các bản kê khai thời gian qua chưa được tập huấn nhiều. Trong khi công tác này đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ, am hiểu nhiều vấn đề.
Những khó khăn nêu trên dẫn đến nhiều hệ lụy. Ðiển hình, tại kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác phòng, chống tham nhũng tại Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ vào cuối tháng 1-2024, Thanh tra thành phố kết luận: Việc bàn giao bản kê khai TSTN năm 2021 của Sở chậm so với quy định. Một số trường hợp thực hiện kê khai TSTN về phần thông tin chung, mô tả thông tin tài sản, kê khai biến động, giải trình nguồn gốc TSTN tăng thêm chưa đúng hướng dẫn tại Nghị định 130/2020/NÐ-CP của Chính phủ. Vẫn còn một vài bản kê khai TSTN, người nhận bản kê khai chưa ghi rõ họ tên, chức vụ, chức danh. Việc tổ chức công khai bản kê khai TSTN năm 2022 chưa đúng quy định…
Tương tự, kết luận thanh tra về công tác phòng, chống tham nhũng tại Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Cần Thơ giai đoạn 2020-2022 của Thanh tra thành phố, cho thấy việc tổ chức kê khai TSTN và việc tiếp nhận, quản lý, bàn giao, lưu trữ bản kê khai TSTN của Trường cũng còn các hạn chế: người có nghĩa vụ thực hiện kê khai ghi sai phương thức kê khai, mô tả thông tin TSTN không đúng hướng dẫn, không kê khai biến động, không giải trình nguồn gốc, biến động tài sản tăng thêm, việc bàn giao bản kê khai TSTN cho cơ quan kiểm soát TSTN chưa đảm bảo theo thời gian quy định…
Ðồng chí Lê Hồng Thức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra (UBKT) Quận ủy Thốt Nốt, cho biết: “Qua công tác kiểm soát TSTN cho thấy, nhiều trường hợp kê khai các loại tài sản chưa đúng giá trị theo quy định về đất, tài sản trên đất... Bên cạnh đó, việc liệt kê thông tin tài sản theo quy định còn tính chung chung, chưa chi tiết từng loại; nhận thức về thu nhập cá nhân chưa đúng với quy định để phân biệt kê khai (chỉ nêu thu nhập từ lương và các khoản phụ cấp theo lương...)”.
Theo Thanh tra thành phố, qua công tác thanh tra cho thấy một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến việc tổ chức kê khai và thực hiện kê khai TSTN: không xây dựng hoặc chậm ban hành kế hoạch tổ chức kê khai nên dẫn đến bị động, lúng túng từ khâu xác định người có nghĩa vụ kê khai đến các bước tiến hành kê khai, tiếp nhận, bàn giao bản kê khai TSTN cho cơ quan kiểm soát TSTN. Bên cạnh đó, khi thực hiện kê khai, người có nghĩa vụ kê khai theo mẫu mà không đọc ghi chú hướng dẫn kê khai dẫn đến sai sót trong mô tả thông tin TSTN; bộ phận tổ chức khi tiếp nhận bản kê khai thiếu kiểm tra, rà soát nên không yêu cầu người có nghĩa vụ kê khai thực hiện kê khai lại…
Công tác kiểm soát kê khai TSTN còn hạn chế
Pháp luật về phòng, chống tham nhũng ngày dần hoàn thiện, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, trong đó có việc kê khai và kiểm soát kê khai TSTN cũng được quy định ngày càng chặt chẽ. Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia pháp luật, dù được xem là giải pháp quan trọng trong phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, nhưng thời gian qua, công tác kiểm soát TSTN ở nước ta chưa phát huy hiệu quả tích cực, vẫn còn mang tính hình thức.
Vấn đề trên dẫn đến việc phát hiện kê khai TSTN không trung thực qua công tác kiểm soát TSTN thực tế rất ít. Theo Ban Nội chính Trung ương, năm 2023, các tỉnh, thành phố trong cả nước có 255.088 người đã kê khai TSTN trong tổng số 255.818 người phải kê khai TSTN. 6 tháng đầu năm 2024, các cơ quan chức năng đã xác minh TSTN của 37.063 người (chiếm 14,53% số người đã kê khai). Nhưng, chỉ có 32 người bị kết luận kê khai TSTN không trung thực (chiếm khoảng 0,086% số người được xác minh) và 8 người bị xử lý do vi phạm quy định về kiểm soát TSTN.
Ðơn cử như trường hợp ông Lê Ðức Thọ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, việc kê khai TSTN không trung thực chỉ được phát hiện và bị xử lý có liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil. Ủy Ban Kiểm tra Trung ương kết luận ông Lê Ðức Thọ đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch TSTN; giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đúng quy định. Hay như trường hợp của bà Nguyễn Thị Giang Hương, nguyên Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, tỉnh Ðồng Nai bị kỷ luật cách chức do không trung thực trong kê khai TSTN qua các lần kê khai. Tuy nhiên, việc xác minh TSTN của bà Hương cũng chỉ được thực hiện khi bà này trình báo bị lừa mất hơn 171 tỉ đồng trong tài khoản…
Tại Hội nghị sơ kết công tác kiểm tra, giám sát do UBKT Trung ương tổ chức vào tháng 7 vừa qua, đồng chí Trần Văn Rón, Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương nhìn nhận, công tác kiểm soát TSTN còn hạn chế, còn hiện tượng cán bộ chậm nộp bản kê khai TSTN; công tác kiểm tra, giám sát việc kê khai TSTN có nơi còn mang tính hình thức, theo kế hoạch; nhiều cán bộ, đảng viên kê khai TSTN không đúng theo quy định, hướng dẫn…
Tại TP Cần Thơ, công tác kiểm soát kê khai TSTN cũng rơi vào những hạn chế, khó khăn chung của cả nước. Theo đồng chí Trần Thị Thanh Thúy, Chánh Thanh tra thành phố, hiện tại cơ sở dữ liệu về tài sản của cá nhân chưa được số hóa và chưa có quy định về thời gian cung cấp và chế tài trong trường hợp cơ quan quản lý TSTN chậm trễ hoặc không cung cấp thông tin cho cơ quan kiểm soát TSTN nên dẫn đến mất nhiều thời gian, không đảm bảo đầy đủ nội dung trong quá trình xác minh TSTN. Bên cạnh đó, vẫn còn cơ quan, tổ chức, đơn vị tách rời công tác kiểm soát TSTN ra khỏi công tác tổ chức, CB; việc công khai bản kê khai TSTN trong quá trình thực hiện công tác bổ nhiệm còn lúng túng, chưa lưu trữ bản kê khai TSTN chung với hồ sơ CB, công chức, viên chức. Công tác kiểm soát TSTN đến nay vẫn chưa có quy trình cụ thể, hướng dẫn chi tiết, dẫn đến các cơ quan kiểm soát TSTN thực hiện chưa thống nhất quy trình và đảm bảo nội dung theo yêu cầu. Ðến thời điểm hiện tại chưa vận hành, đưa cơ sở dữ liệu về kiểm soát TSTN vào hoạt động cũng là một rào cản trong việc kiểm soát TSTN.
Từ năm 2021 đến nay, qua công tác kiểm soát TSTN, Thanh tra thành phố đã kiến nghị rút kinh nghiệm 189 trường hợp, kiểm điểm rút kinh nghiệm 22 trường hợp, xử lý trách nhiệm 6 trường hợp (trong đó, xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách 3 trường hợp, kiểm điểm rút kinh nghiệm và cho thôi giữ chức vụ 2 trường hợp, kiểm điểm rút kinh nghiệm và hạ bậc thi đua cuối năm 1 trường hợp).
Tại kỳ họp thứ 24 của UBKT Thành ủy vừa qua, UBKT Thành ủy cho biết đã xem xét, kết luận việc kê khai TSTN đối với 10 CB thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý. UBKT Thành ủy yêu cầu các đảng viên thực hiện kê khai TSTN rút kinh nghiệm đối với các hạn chế, thiếu sót trong kê khai TSTN; các tổ chức đảng nơi đảng viên công tác quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc kê khai TSTN đảm bảo đúng quy định.
Sơn Hà
Còn tiếp
Bài cuối: Sự trung thực cùng cơ chế chặt chẽ - chìa khóa mở cửa minh bạch