04/10/2024 - 10:20

"Mở đường" cho nông sản ĐBSCL xuất ngoại 

Nông sản ÐBSCL đang có lợi thế xuất khẩu và thực tế đã chứng minh vị thế tại nhiều thị trường lớn, khó tính. Song, hành trình xuất ngoại của nông sản ÐBSCL vẫn đối mặt nhiều áp lực từ các rào cản thương mại, biến chuyển xu thế tiêu dùng toàn cầu, cạnh tranh ngày càng gay gắt… Ðể không lỡ nhịp các cơ hội thâm nhập, mở rộng thị trường, doanh nghiệp của vùng rất cần sự hỗ trợ, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM), phát triển thị trường một cách chuyên nghiệp, hiệu quả từ các cơ quan, tổ chức XTTM từ Trung ương đến địa phương.

Chế biến gạo xuất khẩu tại Tập đoàn Lộc Trời, tỉnh An Giang.

Cơ hội đan xen thách thức

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các hoạt động XTTM đã đóng góp tích cực vào hoạt động xuất khẩu nông sản của nhiều địa phương trong vùng. Theo ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, tỉnh tổ chức nhiều đoàn tham gia các Hội chợ ngành thủy sản như hội chợ Thủy sản Bắc Mỹ tại Hoa Kỳ, hội chợ Thủy sản toàn cầu tại Tây Ban Nha, hội chợ Thủy sản nghề cá tại Trung Quốc, hội chợ Thực phẩm Quốc tế ở Úc…; kết hợp tổ chức các hoạt động hội nghị kết nối giao thương với doanh nghiệp, khách hàng nước ngoài. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tổ chức gian hàng và tham gia các hoạt động xúc tiến xuất khẩu tại Việt Nam như hội chợ Thủy sản quốc tế Vietfish, triển lãm Thực phẩm quốc tế Vietnam Foodexpo, Hội nghị thượng đỉnh ngành tôm… Các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh Cà Mau đã có mặt trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ và tiêu thụ ổn định ở nhiều thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản, Hàn Quốc… Do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới, mặc dù kim ngạch xuất khẩu năm 2023 của tỉnh chỉ đạt 92,3% kế hoạch, giảm 8,5% so với cùng kỳ nhưng vẫn đạt trên 1,2 tỉ USD/năm.

Theo các chuyên gia kinh tế, bước sang năm 2024 kinh tế thế giới đang có những dấu hiệu phục hồi rõ nét, tạo cơ hội cho việc đẩy mạnh các hoạt động giao thương hàng hóa quốc tế. Những thị trường lớn của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc… sau 2 năm khủng hoảng vì đại dịch COVID-19 đang có một số điểm sáng là lạm phát giảm, chuỗi cung ứng dần khôi phục, kinh tế đang dần ổn định trở lại. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài đang gia tăng tần suất cũng như quy mô thực hiện các hoạt động XTTM, mở ra nhiều lựa chọn cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và vùng ÐBSCL nói riêng tham gia quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác giao thương quốc tế. Cùng với đó, sự phát triển của đa dạng các nền tảng thương mại điện tử trong nước và quốc tế cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp vùng ÐBSCL quảng bá hàng hóa đi tới nhiều thị trường.

Bên cạnh những thuận lợi, cơ hội mở ra, hoạt động XTTM đưa nông sản ra thị trường thế giới vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều địa phương trong vùng vẫn chưa có các trung tâm hội chợ triển lãm, hội nghị đảm bảo diện tích và đầy đủ công năng phù hợp để tổ chức sự kiện mang tính chất khu vực, quốc tế nhằm thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại. Mặt khác, công tác XTTM hiện nay của vùng ÐBSCL thiếu sự đồng bộ. Một số hoạt động XTTM trên địa bàn vùng nói riêng và cả nước nói chung còn có sự chồng chéo, trùng lặp; sự phối hợp giữa các tổ chức XTTM còn nhiều hạn chế, manh mún, rời rạc. Nhiều doanh nghiệp của vùng ÐBSCL dù có sản phẩm đủ năng lực cạnh tranh, rất tiềm năng để đưa ra thị trường quốc tế nhưng còn thụ động trong công tác XTTM. Khả năng nắm bắt các thông tin thị trường và các cơ hội kinh doanh, khả năng tiếp thị xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn vùng còn hạn chế.

Phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu

Trước những cơ hội và thách thức đặt ra, các tỉnh, thành trong vùng đã đề ra kế hoạch, định hướng để thích ứng với bối cảnh mới. Ông Huỳnh Ngọc Hồ, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang, cho biết: Tỉnh định hướng doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu thay đổi phương thức xuất khẩu hàng hóa phù hợp theo hướng "xuất khẩu số". Qua đó, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa trong quản lý chuỗi cung ứng, vận chuyển, đảm bảo chất lượng sản phẩm, giữ vững và nâng cao giá trị xuất khẩu hàng hóa, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, nông dân. Ðồng thời, ngành Công Thương tích cực tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ công tác kinh tế đối ngoại tỉnh An Giang nhằm xúc tiến các mối quan hệ hợp tác thương mại giữa tỉnh An Giang và các đối tác nước ngoài, đẩy mạnh hơn nữa việc tiêu thụ nông sản và xuất khẩu hàng hóa trong thời gian tới.

Nhiều ý kiến cho rằng, thương mại quốc tế thay đổi theo từng ngày, trong đó có những thay đổi mang tính vĩ mô khó tránh khỏi do xung đột quốc tế, do suy giảm kinh tế toàn cầu, chính sách nhập khẩu của các thị trường lớn, áp lực cạnh tranh từ các nước xuất khẩu lớn khác. Bên cạnh đó, cũng có những thay đổi mang tính vi mô như thay đổi trong nhu cầu đối với tính năng, chất lượng, mẫu mã sản phẩm, trong cách tiếp cận thị trường của doanh nghiệp,... Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng nắm bắt thông tin kịp thời hoặc đủ nguồn lực để điều chỉnh theo thay đổi của thị trường. Vì vậy, các bộ ngành, địa phương cần kịp thời cung cấp thông tin về chính sách, quy định, xu hướng, nhu cầu và cơ hội thị trường, ngành hàng xuất khẩu thông qua đa dạng các hình thức. Ðặc biệt là các nội dung về xu hướng xuất khẩu xanh, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM)…

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục XTTM, một trong những yếu tố vô cùng quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản phẩm bên cạnh việc giảm chi phí bán hàng, bổ sung giá trị gia tăng cho sản phẩm là nâng cao nhận thức về thương hiệu sản phẩm và gắn thương hiệu với giá trị của sản phẩm. Cục XTTM đặt trọng tâm giúp doanh nghiệp nhận thức rõ ràng hơn về sự quan trọng của thương hiệu, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững và hiệu quả thông qua Chương trình Thương hiệu quốc gia. Ðồng thời, tổ chức đa dạng các khóa đào tạo, tập huấn hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ XTTM và xuất nhập khẩu, hướng dẫn cách thức tiếp cận và ứng dụng thương mại điện tử trong XTTM cho doanh nghiệp, triển khai trực tiếp trên địa bàn vùng ÐBSCL. Cùng với đó, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ đào tạo, tập huấn các doanh nghiệp, hợp tác xã còn nhiều khó khăn tiếp cận với bán hàng thông qua các sàn thương mại điện tử, hình thức bán hàng trực tuyến livestream, giúp doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường năng lực cạnh tranh của mình.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết