02/05/2024 - 17:35

Hàn Quốc muốn tham gia AUKUS 

Hàn Quốc đã tổ chức các cuộc đàm phán về việc tham gia trụ cột phi hạt nhân của Hiệp ước Ðối tác an ninh tăng cường 3 bên Úc - Anh - Mỹ (AUKUS). Thông tin này được Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik xác nhận ngày 1-5, chỉ vài tuần sau khi AUKUS cho biết sẽ tổ chức các cuộc đàm phán chính thức về việc Nhật Bản tham gia thỏa thuận.

Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Hàn Quốc chụp ảnh cùng những người đồng cấp Úc tại Melbourne ngày 1-5. Ảnh: AFP

Được thành lập bởi Mỹ, Anh và Úc vào năm 2021, AUKUS là một hiệp ước an ninh gồm 2 giai đoạn, nhằm ứng phó với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trong khi giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận sẽ cung cấp công nghệ tàu ngầm chạy bằng hạt nhân cho Úc chỉ giới hạn ở bộ 3 nước cốt lõi, các nước này đã nêu lên khả năng cho phép các quốc gia khác tham gia giai đoạn thứ hai của hiệp ước, tức “Trụ cột 2” nhằm mục đích chia sẻ những công nghệ quân sự khác, bao gồm điện toán lượng tử và tên lửa siêu thanh.

Phát biểu tại một buổi họp báo sau cuộc gặp giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của Úc và Hàn Quốc tại thành phố cảng Melbourne, ông Shin tuyên bố Seoul có thể đóng góp cho giai đoạn thứ hai bằng năng lực quốc phòng, khoa học và công nghệ của mình.

Hàn Quốc, với mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ và ngành công nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới, từ lâu đã được coi là đối tác tiềm năng của AUKUS, bên cạnh Canada, New Zealand và Nhật Bản.

Cách đây chưa đầy một tháng, các đối tác AUKUS đã thông báo đang xem xét hợp tác với Nhật Bản trong các dự án quốc phòng cụ thể thuộc Trụ cột 2 và sẽ tổ chức các cuộc thương lượng về sự tham gia của nước này trong năm 2024.

Duy trì cán cân quyền lực, công nghệ

Đông Bắc Á không chỉ là nơi tập trung sự kết hợp giữa thế trận lực lượng Mỹ đồn trú trong khu vực, với hơn 70.000 binh sĩ và hạm đội tiền phương lớn nhất của Hải quân Mỹ (Hạm đội 7 đóng tại Nhật Bản), mà bản thân Nhật Bản và Hàn Quốc cũng là 2 cường quốc quân sự.

Theo tờ The Diplomat, mục đích của việc mở rộng AUKUS sang Nhật Bản và Hàn Quốc là khi Trung Quốc tiếp tục gia tăng quân sự đáng lo ngại, cán cân quyền lực sẽ ngày càng phụ thuộc vào khả năng của 2 quốc gia Đông Bắc Á này trong việc tăng cường thế trận lực lượng tiền phương của Mỹ.

Điểm này đã được nhấn mạnh hồi tháng 1-2023 khi Đô đốc Mike Gilday, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, nói rằng “mối quan hệ hướng tới tương lai” giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc “không còn là điều xa xỉ mà là cần thiết”, đồng thời đưa ra ý tưởng về một thỏa thuận giống như AUKUS để trang bị cho Tokyo các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Nhật Bản và Hàn Quốc cũng được kỳ vọng sẽ đóng góp vào cán cân quyền lực theo một cách quan trọng khác: giúp mạng lưới liên minh của Mỹ duy trì vị trí dẫn đầu về công nghệ, qua đó củng cố ưu thế quân sự của Washington.

Bên cạnh việc sở hữu các thế mạnh riêng về công nghệ quân sự, cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều có một vị trí trong hệ sinh thái chuỗi cung ứng bán dẫn tiên tiến, rất quan trọng để giúp Mỹ dẫn đầu trong cuộc đua về công nghệ lưỡng dụng quan trọng nhất. Hàn Quốc sản xuất một số loại chip hiện đại nhất thế giới và Nhật Bản là nhà cung cấp chính các thiết bị sản xuất chất bán dẫn giúp việc sản xuất khả thi.

Về phần mình, Trung Quốc cực lực phản đối liên minh quân sự mới. Hồi tháng rồi, Bắc Kinh đã cảnh báo việc AUKUS kết nạp thêm thành viên sẽ gây mất ổn định khu vực.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Hàn QuốcAUKUS