16/05/2024 - 20:48

Ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP Cần Thơ:

Song hành “lượng” và “chất” trong ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh 

 

Những năm qua, ngành KH&CN TP Cần Thơ triển khai nhiều hoạt động, giải pháp hỗ trợ, khuyến khích DN ứng dụng, chuyển giao KH&CN vào quá trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, vận hành. Qua đó, góp phần đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm KH&CN; nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; tạo ra những sản phẩm chất lượng cao. Thành phố cũng nỗ lực thúc đẩy thành lập các doanh nghiệp (DN) KH&CN và xem đây là lực lượng có vai trò dẫn dắt, tạo ra những xu thế phát triển kinh tế mới trong tương lai. Trao đổi với Báo Cần Thơ về vấn đề này, ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở KH&CN TP Cần Thơ, cho biết:

-Sở KH&CN Cần Thơ đã tham mưu UBND thành phố triển khai kịp thời, đồng bộ các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các tổ chức, cá nhân và DN đổi mới công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ. Theo đó, chương trình Hỗ trợ DN nhỏ và vừa đổi mới công nghệ, thiết bị TP Cần Thơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 hỗ trợ cho 35 DN đổi mới công nghệ, thiết bị với tổng kinh phí 10,5 tỉ đồng và huy động được 36,2 tỉ đồng vốn đối ứng từ DN. Kết quả năng suất lao động tại nhiều DN trung bình tăng khoảng 2 lần, doanh thu của các DN tăng từ 30-50%, lợi nhuận tăng khoảng 25% so với trước. Chương trình Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 của TP Cần Thơ xét duyệt hỗ trợ cho 82 DN xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào hoạt động sản xuất, kinh doanh như ISO 9001, ISO/IEC 17021, ISO 14001, ISO 22000, HACCP, VietGAP...

Bên cạnh đó, Sở triển khai sâu rộng các chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ nhằm thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước. Sở KH&CN đã hỗ trợ triển khai 9 nhiệm vụ KH&CN với mục tiêu thúc đẩy đăng ký bảo hộ và nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ kinh phí đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho 45 tổ chức, cá nhân có sản phẩm, dịch vụ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ (48 văn bằng bảo hộ nhãn hiệu và 6 đơn đăng ký sáng chế). Giai đoạn 2021-2023, TP có 1.102 đơn và 1.179 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ cấp mới (tăng 20% so với giai đoạn 2018-2020).

Có thể khẳng định, các chính sách hỗ trợ DN ứng dụng tiến bộ KH&CN từ năm 2013 đến nay đã phát huy hiệu quả tích cực trong thực tiễn. Thống kê cho thấy, tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị của DN TP Cần Thơ đến năm 2023 đạt 13,07%, giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố đến năm 2021 đạt 30,06%. Kết quả này cho thấy, Cần Thơ có tốc độ đổi mới công nghệ, giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao tương đương mặt bằng chung của cả nước.

Hằng năm, Sở KH&CN tổ chức nhiều sự kiện để DN có dịp tiếp cận các tiến bộ công nghệ, kỹ thuật mới; tăng cường kết nối cung cầu công nghệ.

* Đối với việc xúc tiến thành lập các DN KH&CN thành phố triển khai như thế nào? DN có lợi ích gì khi được công nhận là DN KH&CN, thưa ông?

- Hiện Cần Thơ có 11 DN KH&CN ở các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghệ thông tin, cơ khí, sinh hóa... Khi đạt được chứng nhận DN KH&CN, DN sẽ nhận được các chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo Nghị định 13/2019/NĐ-CP về DN KH&CN của Chính phủ. Đơn cử như miễn giảm thuế thu nhập DN; miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai. Về ưu đãi tín dụng, DN KH&CN được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước; được hỗ trợ lãi suất vay tối đa 50% lãi suất vay vốn và bảo lãnh để vay vốn tại các ngân hàng thương mại. Đồng thời, được hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả KH&CN thông qua hưởng ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; ưu tiên, không thu phí dịch vụ khi sử dụng máy móc, trang thiết bị tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp…

Mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực, song sự phát triển DN KH&CN của thành phố còn khiêm tốn so với tiềm năng của địa phương. Hoạt động của DN KH&CN cũng gặp không ít khó khăn như thiếu nguồn nhân lực KH&CN có trình độ cao; cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động KH&CN còn hạn chế; gặp khó về nguồn vốn đầu tư cho hoạt động KH&CN; một số sản phẩm KH&CN chưa có chỗ đứng trên thị trường…

* Thời gian tới, ngành KH&CN có định hướng và giải pháp gì để thúc đẩy việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH&CN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như phát triển thêm nhiều DN KH&CN?

- Sở KH&CN TP Cần Thơ sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế chính sách hiện có, đồng thời tham mưu cho UBND thành phố ban hành các cơ chế hỗ trợ linh hoạt khác, trong đó tập trung vào một số nội dung chính sau:

Một là, triển khai các chương trình KH&CN để hỗ trợ DN chuyển giao, ứng dụng đổi mới công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Đặc biệt, tập trung thúc đẩy hỗ trợ DN nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ “nền” vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất chất lượng; bảo vệ, phát triển tài sản trí tuệ và năng lực hấp thụ công nghệ của DN; hỗ trợ thành lập DN KH&CN, Quỹ Phát triển KH&CN của DN…

Hai là, đẩy mạnh hỗ trợ DN đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng, bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; hỗ trợ phát triển các dịch vụ giám định về sở hữu trí tuệ, dịch vụ tư vấn về quản trị, phát triển tài sản trí tuệ của DN, viện nghiên cứu và trường đại học trên địa bàn; hỗ trợ phát triển nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và sản phẩm gắn với chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)…

Ba là, xây dựng và triển khai Đề án Trung tâm Đổi mới sáng tạo tại Cần Thơ kết nối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia. Trung tâm được thành lập sẽ đóng vai trò là tổ chức đầu mối kết nối và khai thác các nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố và các tỉnh trong vùng.

Bốn là, thúc đẩy gắn kết KH&CN với DN để phát triển kinh tế, bên cạnh việc hỗ trợ phát triển DN KH&CN về lượng, Sở cũng quan tâm hỗ trợ DN KH&CN phát triển về chất như các yếu tố liên quan đến thị trường, đầu ra cho sản phẩm, công nghệ mới… Qua đó, giúp DN KH&CN có thêm khả năng cạnh tranh và phát triển, đóng góp được nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

* Xin cảm ơn ông!

MỸ THANH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết