15/05/2024 - 21:44

Úc, Mỹ “đốt nóng” cuộc đua phát triển UUV 

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt với Trung Quốc về việc phát triển các hệ thống chiến đấu tự động dưới nước, Úc và Mỹ gần đây đã trình làng nguyên mẫu của các phương tiện không người lái dưới nước (UUV) Ghost Shark và Manta Ray.

Mỹ thử nghiệm nguyên mẫu UUV Manta Ray ngoài khơi bờ biển Nam California hồi đầu năm. Ảnh: Northrop Grumman

Khi công bố UUV Ghost Shark vào tháng rồi, giới chức Úc gọi nguyên mẫu này là “UUV tiên tiến nhất

thế giới”.

“Ghost Shark sẽ cung cấp cho Hải quân khả năng tác chiến dưới biển tự động, tàng hình, tầm xa, có thể tiến hành hoạt động tình báo, giám sát, trinh sát (ISR) và tấn công liên tục”, Bộ Quốc phòng Úc tuyên bố, đồng thời dự kiến sẽ bàn giao các mẫu sản xuất đầu tiên vào cuối năm tới.

Emma Salisbury, thành viên tại Hội đồng địa chiến lược của Anh, mô tả Ghost Shark rất giống chiếc Orca, UUV cực lớn chạy bằng diesel - điện đang được tập đoàn Boeing phát triển ở Mỹ.

Tuy nhiên, UUV mới nhất của Mỹ là Manta Ray dài 12m, do Northrop Grumman chế tạo. Hồi đầu tháng này, Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) của Mỹ đã công bố kết quả thử nghiệm dưới nước trên quy mô toàn diện đối với nguyên mẫu Manta Ray.

DARPA cho biết điểm mạnh của Manta Ray nằm ở tính mô-đun (kết hợp nhiều phần riêng lẻ thành một khối hoàn chỉnh), khả năng chuyển đổi trọng tải tùy theo nhiệm vụ. Phương tiện này có thể được chia nhỏ và nhét vào 5 container, sau đó di chuyển đến nơi cần được triển khai và lắp ráp lại tại hiện trường. Nói như Tiến sĩ Kyle Woerner, Giám đốc chương trình phát triển Manta Ray của DARPA, đây là UUV cực lớn đầu tiên sở hữu năng lực như thế.

Một đặc điểm đáng chú ý khác của Manta Ray là công nghệ tạo năng lượng và tiết kiệm năng lượng, cho phép nó ngủ đông dưới đáy biển trong điều kiện năng lượng thấp. Con tàu có thể ngủ yên dưới đáy biển và tự nạp năng lượng.

Việc hoàn thành thử nghiệm dưới nước là cột mốc quan trọng đối với Manta Ray. Mục đích là để giới thiệu công nghệ thiết yếu cho loại UUV có độ bền lâu và có thể mang tải trọng.

Ðiều này rất quan trọng vì tác chiến dưới biển đang trở nên nổi bật trên toàn thế giới và các cường quốc quân sự đã xác định nhu cầu ngày càng lớn về các phương tiện có thể ở dưới nước và tự hành trong khi có khả năng hoạt động trong thời gian lâu hơn.

Trung Quốc dẫn đầu thế giới về UUV?

Trung Quốc tháng rồi đã trưng bày chiếc UUV300CB, thuộc dòng UUV cực lớn, tại triển lãm Dịch vụ Quốc phòng châu Á ở Malaysia.

Theo chuyên gia về tàu ngầm H. I. Sutton, UUV300CB dài 11,5m và nặng 50 tấn. Dòng UUV cực lớn này được thiết kế nhằm trang bị vũ khí và xuất khẩu, nhấn mạnh quyết tâm của Bắc Kinh trong việc phát triển vũ khí tự động dưới nước.

Tầm hoạt động được công bố của UUV-300 là 834km. Theo trang Naval News, chúng có khả năng mang theo thủy lôi, các UUV nhỏ hơn và bắn ngư lôi hạng nhẹ. Loại UUV này cũng có thể mang và phóng tên lửa.

Ý tưởng phát triển UUV-300 có thể bắt nguồn từ các mẫu UUV cực lớn từng được thử nghiệm gần đảo Hải Nam của Trung Quốc. Bắc Kinh đã tích cực theo đuổi ít nhất 5 thiết kế UUV cực lớn riêng biệt, trong đó có những mẫu lớn hơn nhiều so với UUV-300.

“Dựa trên các UUV hoạt động dưới nước và những nỗ lực tại các triển lãm quốc phòng, Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về công nghệ mới nổi này”, chuyên gia Sutton nhận định.

Ngoài 3 quốc gia kể trên, nhiều nước khác cũng đang nghiên cứu UUV bao gồm Canada, Pháp, Ấn Ðộ, Iran, Israel, Triều Tiên, Na Uy, Nga, Hàn Quốc, Ukraine và Anh. Các chuyên gia cho rằng loại tàu lặn này có thể đại diện cho tương lai của chiến tranh dưới đáy biển, thể hiện khả năng phát huy sức mạnh đồng thời giảm thiểu nguy hiểm đến tính mạng con người.

Phương tiện không người lái trên không và dưới nước có thể được điều khiển bằng vệ tinh, ánh sáng và sóng vô tuyến. Nhưng những cách điều khiển này không hiệu quả ở độ sâu. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Sensors của Thụy Sĩ năm ngoái chỉ ra liên lạc dưới nước cần nhiều năng lượng hơn nhưng vẫn bị mất dữ liệu đáng kể do những thay đổi về nhiệt độ nước, độ mặn và độ sâu.

HẠNH NGUYÊN (Theo CNN, News Week)

Chia sẻ bài viết