15/05/2024 - 21:58

Nga - Trung tăng cường quan hệ đối tác “không giới hạn” 

Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thăm Trung Quốc vào hai ngày 16 và 17-5, nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của quan hệ song phương khi Bắc Kinh đang đối mặt áp lực từ phương Tây đòi ngưng hỗ trợ Mát-xcơ-va trong cuộc chiến ở Ukraine.

Tổng thống Nga Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Bloomberg

Hãng tin Interfax cho biết, Tổng thống Putin sẽ hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh. Tại đây, ông Putin đưa ra lập luận phản bác những cảnh báo liên tục mà Mỹ gửi đến Bắc Kinh về quan hệ thương mại với Nga. Trước thềm chuyến đi, Tổng thống Putin khẳng định sự tin tưởng vào hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Ông cũng hoan nghênh cách tiếp cận của Bắc Kinh để giải quyết khủng hoảng ở Ukraine khi “nhận thức rõ” nguyên nhân sâu xa và ý nghĩa địa chính trị toàn cầu của cuộc chiến.

Ngoài vấn đề trên, cả 2 dự kiến ký tuyên bố về quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược chặt chẽ trong thời đại mới nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Các nhà lãnh đạo còn thảo luận kế hoạch định hình lại trật tự toàn cầu, bao gồm mở rộng nhóm BRICS.

Thể hiện mặt trận đoàn kết

Theo trang tin Nikkei, chuyến thăm của nhà lãnh đạo Nga không chỉ mang tính biểu tượng mà còn có ý nghĩa về mặt chiến lược. Trước hết, đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông Putin nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ 5 vào tuần rồi. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng chọn Nga là điểm đến đầu tiên sau khi bắt đầu nhiệm kỳ 3 hồi năm ngoái. Theo Giáo sư Wang Yiwei tại Ðại học Nhân dân ở Bắc Kinh, hai nhà lãnh đạo Nga - Trung chọn nước còn lại cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong nhiệm kỳ mới là một truyền thống, thể hiện quan hệ tin tưởng lẫn nhau.

Hoạt động này cũng diễn ra ngay thời điểm ông Tập kết thúc chuyến công du đầu tiên tới châu Âu kể từ năm 2019. Từ đây, người ta nhận ra vai trò đối tác chính của Trung Quốc với Nga trên nhiều khía cạnh, đồng thời gửi thông điệp đến phương Tây về nền tảng thế giới đa cực không còn bị Mỹ thống trị. Kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, quan hệ kinh tế và tài chính giữa nước này với Trung Quốc đã gia tăng mạnh mẽ. Theo hải quan Trung Quốc, kim ngạch thương mại song phương đạt kỷ lục 240 tỉ USD vào năm 2023. Trong đó, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga tăng khoảng 46% lên 111 tỉ USD và tiếp tục cao trong năm nay. Ðiều này đảm bảo Mát-xcơ-va tiếp cận nguồn máy móc, thiết bị và hàng hóa có tiềm năng ứng dụng quân sự. Ngược lại, xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc tăng 11% trong quý 1/2024, sau khi tăng 13% vào năm 2023 và 43% năm 2022. Ðặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, việc chuyển nguồn cung dầu và khí đốt từ Tây sang Ðông với Trung Quốc là một trong những điểm đến chính giúp Nga duy trì doanh thu xuất khẩu trước các lệnh trừng phạt.

Chiến lược của Trung Quốc

Xích lại gần nhau nhưng quan hệ Nga - Trung đồng thời đối mặt áp lực gia tăng từ phương Tây. Hồi tháng 4, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cảnh báo các đồng minh phương Tây không nên phụ thuộc vào Trung Quốc như từng với Nga. Ông còn tuyên bố Bắc Kinh phải ngừng ủng hộ cuộc chiến của Mát-xcơ-va ở Ukraine nếu muốn có quan hệ tốt đẹp với phương Tây. Ðến đầu tháng 5, Mỹ công bố danh sách trừng phạt, trong đó có gần 300 cá nhân và tổ chức của hai nước Nga, Trung Quốc do bị cáo buộc có hành vi hỗ trợ Ðiện Kremlin trong xung đột ở Ukraine. Năm ngoái, sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cho phép Washington thực hiện biện pháp trừng phạt thứ cấp với ngân hàng nước ngoài hỗ trợ năng lực quân sự của Nga.

Ðộng thái này khiến giao dịch Nga - Trung gặp trở ngại khi một số ngân hàng và hệ thống thanh toán đại lục đình chỉ giao dịch với nhiều công ty Nga. Tuy quan hệ kinh tế được thắt chặt, dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy xuất khẩu sang Nga trong tháng 4 đã giảm 13% so với năm trước đó. Theo Giáo sư Wang, có thể Trung Quốc không muốn bị coi là có ràng buộc với cuộc chiến của Nga ở Ukraine, đặc biệt sau các cảnh báo của Mát-xcơ-va về khả năng triển khai vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, dựa vào chuyến đi gần đây của Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Wang xác định mục tiêu của Bắc Kinh hiện tại là xây dựng thế giới đa cực kể cả với những đối tác châu Âu. Dù vậy, một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ không đổi lập trường khi quan hệ với Nga giúp Bắc Kinh nâng cao lợi thế so với các nền kinh tế phương Tây. Họ cũng cần Mát-xcơ-va làm đối trọng trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng với Washington.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết