15/05/2024 - 21:39

Nhật tăng cường can dự vào Thái Bình Dương 

Tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật hồi tháng 4, Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Fumio Kishida đã nhất trí về việc tiếp tục can dự vào khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là tăng cường quan hệ với các quốc đảo Thái Bình Dương.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida (bìa phải) cùng đại diện các quốc đảo Thái Bình Dương tại Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương hồi tháng 2 năm ngoái. Ảnh: Asia Times

Cam kết trên sớm trở thành hiện thực khi Nhật Bản sẽ tổ chức Hội nghị Lãnh đạo Quần đảo Thái Bình Dương lần thứ 10 (PALM10) từ ngày 16-18/7 tới tại thủ đô Tokyo.

Giới phân tích cho rằng PALM10 sẽ là nền tảng đầy hy vọng của Tokyo trong việc tăng cường quan hệ với khu vực chiến lược này. Tờ Asia Times cho biết, đại diện của tất cả 14 quốc đảo Thái Bình Dương cùng với Úc và New Caledonia sẽ tham dự hội nghị. Theo kế hoạch, chiến lược “Ấn Ðộ Dương -Thái Bình Dương tự do và rộng mở mới” (NFOIP) của Nhật Bản sẽ là trọng tâm thảo luận của hội nghị.

Ðược biết, hội nghị diễn ra 3 năm một lần nói trên là kênh đầu tiên để Nhật Bản và các quốc đảo Thái Bình Dương trao đổi quan điểm về các vấn đề được ưu tiên cao. Kể từ khi lần đầu được tổ chức hồi năm 1997, PALM đã trở thành diễn đàn hàng đầu để Nhật Bản tăng cường quan hệ kinh tế và ngoại giao với quần đảo Thái Bình Dương.

Chuẩn bị cho PALM10, Bộ trưởng Quốc phòng của 14 quốc đảo ở khu vực Nam Thái Bình Dương đã tham dự cuộc gặp đa phương với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara trong 2 ngày 19 và 20-3.

Tại cuộc đối thoại, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara cam kết Tokyo sẽ hợp tác với các quốc đảo ở khu vực Thái Bình Dương để cùng xây dựng một tương lai vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Nhấn mạnh sự cần thiết hiện thực hóa một khu vực Thái Bình Dương “tự do, rộng mở và ổn định” trong một trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ, ông Kihara cho biết Nhật Bản sẽ hỗ trợ các nước xây dựng năng lực ứng phó với thiên tai và chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực như không gian vũ trụ, phòng thủ mạng và trí tuệ nhân tạo.

Mối quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản với các quốc đảo Thái Bình Dương được thiết lập từ cuối thế kỷ 20. Quan hệ của họ đã mở rộng sang các vấn đề an ninh phi truyền thống, gồm các dự án liên quan đến biến đổi khí hậu và các khoản viện trợ nước ngoài do Nhật Bản khởi xướng. Trong bối cảnh ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực ngày càng tăng, chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Shinzo Abe đã bắt đầu phối hợp chặt chẽ hơn các nước trong khu vực thông qua chiến lược FOIP. Gần đây hơn, Nhật Bản cùng với Úc, New Zealand, Anh và Mỹ hồi năm 2022 đã trở thành thành viên sáng lập sáng kiến Ðối tác Thái Bình Dương Xanh.

Song, ngoại giao thương mại vẫn là trọng tâm trong quan hệ song phương giữa Nhật Bản với các quốc đảo Thái Bình Dương. Chỉ riêng xuất khẩu gỗ từ Papua New Guinea, Quần đảo Solomon và New Zealand đã chiếm 20% tổng khối lượng gỗ nhập khẩu của Nhật Bản. Ngoài ra, theo ước tính, 40% cá ngừ tiêu thụ ở Nhật Bản được đánh bắt ở vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các quốc đảo Thái Bình Dương.

Với sự can dự vào khu vực như ở hiện tại, Nhật Bản có thể tiếp tục xây dựng quan hệ đối tác bền chặt với các quốc đảo Thái Bình Dương bằng cách thực hiện cam kết tăng cường sự hỗ trợ trong lĩnh vực năng lượng của khu vực. Cụ thể hơn, Tokyo có thể tiếp tục xuất khẩu năng lượng xanh và hỗ trợ khu vực giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch thông qua trợ cấp của chính phủ, từ đó có thể giải quyết nguyên nhân sâu xa của vấn đề an ninh trọng tâm mà các quốc đảo Thái Bình Dương đang phải đối mặt, đó là biến đổi khí hậu.

Ngoài các sáng kiến về khí hậu, việc Nhật Bản hỗ trợ các chương trình giáo dục và đào đạo cũng là một trong những biện pháp có thể được thực hiện để thúc đẩy khả năng “tự cung tự cấp” cho tất cả 14 quốc đảo Thái Bình Dương.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết