28/04/2024 - 08:13

Ðiểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam 

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo điểm lại tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam đã đưa ra nhận định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm tới là tích cực. Năm 2024, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được WB dự báo tăng 5,5% trên cơ sở các mặt hàng chế tạo sẽ tiếp tục phục hồi, thị trường bất động sản sẽ xoay chiều và thị trường trái phiếu có dấu hiệu được giải tỏa. Nhưng để tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cải thiện năng suất lao động.

Thúc đẩy hoạt động R&D trong doanh nghiệp, góp phần đổi mới sáng tạo, giảm thâm dụng lao động. Ảnh minh họa

Nhận diện rủi ro và thách thức

Tại buổi công bố báo cáo điểm lại tháng 4-2024 với chủ đề “Đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cao cấp của WB, cho biết năm qua, 3 động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong nước đều mất đà. Năm 2023, sản xuất công nghiệp là yếu tố khiến cho tăng trưởng kinh tế chững lại, sản xuất công nghiệp trong năm chỉ tăng 1,5%, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) luôn ở vùng suy giảm suốt 10 tháng, do nhu cầu bên ngoài giảm, kéo theo các hoạt động sản xuất gắn với xuất khẩu giảm. Bên cạnh đó, nhu cầu trong nước vẫn loay hoay với tác động và tình trạng bất định của các yếu tố bên ngoài, thị trường trái phiếu, đầu tư tư nhân giảm xuống dưới mức bình quân trước đại dịch; tiêu dùng thực cuối cùng dù cải thiện nhưng vẫn ở dưới mức đại dịch, thị trường bất động sản phục hồi chậm so với kỳ vọng… là những trở lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Theo dự báo của WB, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 vẫn thấp hơn thời kỳ trước đại dịch COVID-19, với mức tăng 5,5%, nhưng kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng nhờ tổng cầu thế giới phục hồi. Dự báo dựa trên giả định xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến chế tạo sẽ phục hồi khá trong năm 2024, do sự suy giảm của xuất nhập khẩu đã chạm đáy vào tháng 4-2023. Cùng với đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang dần phục hồi từ quý cuối năm 2023 phát hành được 135.000 tỉ đồng (cả năm 2023 phát hành khoảng 298.500 tỉ đồng); đến tháng 2-2024, các doanh nghiệp đã phát hành được 114.800 tỉ đồng… điều này sẽ thúc đẩy đầu tư tư nhân và tiêu dùng trong nước tăng, góp phần hỗ trợ các động lực tăng trưởng.

Các chuyên gia của WB cũng nhận định, tăng trưởng toàn cầu dự kiến còn trì trệ và quá trình phục hồi không đồng đều trong các năm 2024-2025 sẽ tác động đến các nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu làm động lực tăng trưởng. Tuy nhiên, theo dự báo của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ, khu vực đồng EURO và Trung Quốc sẽ phục hồi trong năm 2024. Đây là những thị trường chủ lực nhập hàng hóa của Việt Nam. Động lực này rõ nét nhất vào quý đầu năm 2024, xuất khẩu hàng hóa đã phục hồi mạnh mẽ, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2023, nhờ xuất khẩu sang Hoa Kỳ và EU tăng mạnh (lần lượt tăng 25,5% và 16,3% so cùng kỳ năm trước). Chỉ số PMI quý I-2024 cũng dao động quanh mức 50 điểm, cho thấy tín hiệu phục hồi của ngành sản xuất Việt Nam.

Theo các chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, do độ mở của nền kinh tế Việt Nam với toàn cầu lớn, nên tăng trưởng toàn cầu tốt hơn có thể hỗ trợ các lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam phục hồi nhanh hơn. Dư địa để thực hiện chính sách cắt giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế không nhiều, nhưng Việt Nam duy trì các chính sách tài khóa hỗ trợ sẽ là động lực cho kinh tế phục hồi, tăng trưởng. Bên cạnh đó, Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Đất đai 2023 đã có hiệu lực sẽ hỗ trợ thị trường bất động sản, tiền tệ phát triển.

Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo

Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, dù sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam khá ấn tượng trước sự suy giảm tổng cầu, lạm phát tăng, nhiều ngân hàng trung ương neo lãi suất cao để kiềm chế lạm phát, nhưng chất lượng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chưa bền vững, chưa về mức trước đại dịch COVID-19. Vì vậy, Việt Nam cần đổi mới công nghệ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, xây dựng hệ thống tài chính ổn định… Khi các động lực tăng trưởng truyền thống đang dần yếu thế, Việt Nam cần nâng cao năng suất của khu vực tư nhân trong nước nhằm hoàn thành mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Mặc dù trong thập kỷ qua, số lượng doanh nghiệp tư nhân trong nước tăng mạnh, nhưng năng suất lao động, năng lực đổi mới sáng tạo thấp hơn nhiều so với khu vực FDI và ít hội nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Động lực để cải thiện năng suất lao động khu vực tư nhân là các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.  

Ông Đặng Quang Vinh - Chuyên gia cao cấp khu vực tư nhân của WB cho biết: Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng nhằm cải thiện tăng trưởng năng suất. Tuy nhiên, trên thực tế bằng sáng chế của Việt Nam còn hạn chế so với các nước trong khu vực. Các cơ hội tiếp cận tài chính cho hoạt động đổi mới sáng tạo vẫn là thách thức lớn đối với khu vực tư nhân. Hỗ trợ của Nhà nước về khởi nghiệp còn manh mún, chất lượng và mức hỗ trợ còn thấp. Thời gian qua, Chính phủ đã rất nỗ lực đưa ra các chương trình hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp từ cấp Trung ương đến địa phương nhưng còn phân mảnh ở các cơ quan khác nhau, nên chưa tạo tác động lan tỏa thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đề án 844 của Bộ Khoa học và Công nghệ (triển khai từ năm 2018) đã hỗ trợ 2.000 dự án và nhiều học viên khởi nghiệp, nhưng chưa tác động lan tỏa. Bên cạnh đó, dù có nhiều cải cách nhưng doanh nghiệp khởi nghiệp và nhà đầu tư còn đối mặt với nhiều rào cản pháp lý.

Trong số 200 doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia khảo sát doanh nghiệp đổi mới sáng tạo của WB năm 2023, có tới 44% cho rằng rất vất vả mới có thể tuyển dụng nhân sự có kỹ năng và trình độ phù hợp. Chỉ 2% doanh nghiệp cho biết được Nhà nước hỗ trợ tài chính, tài trợ hoặc cho vay trong giai đoạn phát triển ban đầu và 7% doanh nghiệp kỳ vọng được Nhà nước hỗ trợ giai đoạn sau, chẳng hạn sau khi ra mắt sản phẩm. Bởi có tới 69% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn trong tiếp cận tài chính để phát triển. Chỉ 15% nhận được vốn đầu tư mạo hiểm trước khi ra mắt sản phẩm, dù vốn đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam đã tăng nhanh trong năm qua. Tình trạng thiếu vốn ở giai đoạn đầu là trở lực lớn để doanh nghiệp khởi nghiệp… Các chuyên gia cho rằng, đổi mới sáng tạo là động lực chính để cải thiện và tăng năng suất lao động. Tăng năng suất lao động còn là giải pháp tiên quyết để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, vừa góp phần cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

‘Bài, ảnh: GIA BẢO

 

Chia sẻ bài viết