Theo ước tính của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB), các biện pháp cải cách thị trường vốn đúng đắn có thể đem lại cho Việt Nam trên 78 tỉ USD vốn đầu tư mới cho đến năm 2030. Trong thập kỷ qua, thị trường vốn Việt Nam đã phát triển theo hướng ngày càng hoàn thiện về cấu trúc và quy mô, đóng vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Song, thị trường vốn Việt Nam vẫn còn non trẻ, để nâng hạng cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý liên quan và hoàn thiện hệ thống pháp lý cho sự phát triển.
Thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn quan trọng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (ảnh minh họa). Ảnh: AI
Những hạn chế của thị trường vốn
Báo cáo “Khai mở tiềm năng thị trường vốn Việt Nam” của WB đã nhận định, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong 2 thập kỷ qua và đặt mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Ðể đạt được mục tiêu là nước có thu nhập cao đòi hỏi tăng trưởng thực hằng năm vào khoảng 6,5% ổn định trong hơn 20 năm tới và cần phải có hệ thống tài chính toàn diện, khả năng chống chịu linh hoạt, hiện đại. Một hệ thống tài chính vững mạnh sẽ thúc đẩy việc phân bổ hiệu quả các nguồn lực cho phát triển các ngành, nghề, các khu vực địa lý, làm kênh dẫn các nguồn tiết kiệm hướng đến các khoản đầu tư có hiệu quả cao…
Chuyên gia WB cũng nhận định, thị trường vốn của Việt Nam đang bắt kịp các nước trong khu vực xét về quy mô, nhưng vẫn chưa thực hiện được hết các chức năng trọng yếu cho nền kinh tế. Với chức năng huy động vốn, dù có quy mô vốn hóa thị trường lớn, nhưng vốn trung bình hằng năm thực sự được huy động thông qua cổ phần trong 5 năm qua chỉ đạt 88.000 tỉ đồng; hằng năm có 244.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ và 386.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành (chủ yếu tập trung ở nhóm ngành bất động sản và ngân hàng). Về chức năng tiết kiệm hiện chủ yếu thông qua các nhà đầu tư tổ chức. Tổng quy mô các nhà đầu tư tổ chức của Việt Nam chỉ mới đạt 18% GDP (năm 2021), thấp hơn so với các nước trong khu vực, cho thấy tiềm năng thị trường vốn chưa được khai thác hết và cũng làm hạn chế việc cung cấp vốn dài hạn, nhất là cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng (chỉ riêng khu vực tư nhân cần khoảng 2-4% GDP hằng năm)…
Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường vốn còn non trẻ, phụ thuộc phần lớn vào vốn ngân hàng; trong khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp là bộ phận thị trường vốn rất có tiềm năng nhưng chưa phát triển đầy đủ. Bên cạnh đó, tính đến cuối năm 2022, Việt Nam có 1.599 công ty niêm yết trên thị trường cổ phiếu, với tổng mức vốn hóa thị trường đạt khoảng 218 tỉ USD (chiếm 55% GDP), nhưng huy động vốn qua cổ phần vẫn còn thấp, trong khi đây là kênh huy động vốn quan trọng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Hiện thị trường cổ phiếu Việt Nam được MSCI và FTSE Russell phân loại là thị trường cận biên (FM) và đang trong quá trình xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi (EM). Ðể trở thành quốc gia có thu nhập cao, Việt Nam không thể ở nhóm thị trường cận biên, vì vậy, việc nâng hạng thành công có thể hỗ trợ thu hút lượng lớn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài nhằm phát triển thị trường vốn.
Tiềm năng phát triển
Theo tính toán của các chuyên gia WB thì Việt Nam cần nguồn tài chính cho các dự án dài hạn, đặc biệt về cơ sở hạ tầng, với mức nhu cầu hàng năm ước khoảng 25 tỉ USD (khoảng 7% GDP); trong số này, Chính phủ có thể cung cấp 2/3, còn lại được cung cấp bởi khu vực tư nhân thông qua các ngân hàng. Trong những năm qua, thị trường vốn Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ nhờ điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn, tỷ giá ổn định, lạm phát thấp và tăng cường ổn định tài khóa... Cụ thể, giai đoạn 2012-2022, thị trường chứng khoán tăng trưởng 46% lên 55% GDP, thị trường trái phiếu Chính phủ tăng từ 10% lên 23% GDP và trái phiếu doanh nghiệp tăng từ 2% lên 15% GDP. Còn tính đến hết năm 2023, tổng vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đạt hơn 240 tỉ USD (tương đương 56,4% GDP).
Hiện thị trường vốn Việt Nam đang bắt kịp những thị trường khác trong khu vực xét về quy mô và những cải cách về thể chế trong những năm qua đã thúc đẩy tăng vốn hóa thị trường. Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã làm tăng số lượng các công ty đại chúng được niêm yết và đăng ký trên các sàn giao dịch chứng khoán. Ðồng thời những cải cách pháp lý trong quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng làm tăng vai trò của thị trường này như một nguồn huy động vốn. Năm 2022, vốn hóa thị trường cổ phiếu và trái phiếu của Việt Nam so với GDP đạt tương đương Philippines, Indonesia nhưng đứng sau Thái Lan và Malaysia. Chuyên gia WB cho biết, muốn phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần rà soát về chính sách, nhất là tính minh bạch và cơ chế bảo vệ nhà đầu tư.
Theo ước tính của chuyên gia WB, các biện pháp cải cách thị trường vốn đúng đắn có thể đem lại cho Việt Nam trên 78 tỉ USD vốn đầu tư mới cho đến năm 2030. Muốn đạt được nguồn vốn này cần có những cải cách toàn diện và sự vào cuộc tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia… Cải cách cần phải chú trọng cân bằng ở cả bên cầu (nhà đầu tư) và bên cung (công cụ) của thị trường vốn. Trong đó, nếu cải thiện tốt thì thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể hấp thu khoảng 33 tỉ USD trong số 78 tỉ USD vốn đầu tư mới; cải cách của thị trường cổ phiếu, thúc đẩy và tận dung khả năng được nâng hạng lên thị trường mới nổi (EM) có thể mang lại 25 tỉ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế…
Mới đây, tại buổi công bố báo cáo điểm lại về tình hình kinh tế Việt Nam tháng 4-2024, Chuyên gia Kinh tế cao cấp của WB - Dorsati Madani, cũng nhận định, Việt Nam muốn trở thành quốc gia có thu nhập cao cần có những cải cách toàn diện hơn. Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, dù có sự sụt giảm vào năm 2022, nhưng đã bắt đầu phục hồi vào quý IV-2023, với khối lượng phát hành đạt 135.100 tỉ đồng, đóng góp 50% cho tổng khối lượng phát hành năm của 2023. Ðến cuối tháng 2-2024, khối lượng phát hành trái phiếu đã đạt 114.800 tỉ đồng, qua đó cho thấy thị trường này đang dần phục hồi. Ðây là tín hiệu rất tốt, khi thị trường phát triển ổn định sẽ tạo điều kiện tốt cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế bền vững hơn.
GIA BẢO