Ngành chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Trung Quốc được ghi nhận là đang phát triển rất “nóng”, trong bối cảnh số người có nhu cầu tư vấn hoặc trị liệu các vấn đề tâm lý ở nước này ngày một tăng.
Nhiều mối lo về sức khỏe và nghề nghiệp khiến nhiều người Trung Quốc cần tư vấn tâm lý.
Chuyên gia tư vấn tâm lý Huang Jing cho biết công việc kinh doanh của bà phát triển thuận lợi trong những năm gần đây. Huang thành lập công ty tư vấn đầu tiên mang tên Better Family tại Thượng Hải vào tháng 2-2022, không lâu trước khi thành phố bắt đầu lệnh phong tỏa kéo dài 2 tháng để phòng chống dịch COVID-19. Sau khi kết thúc thời gian phong tỏa vào tháng 6-2022, việc kinh doanh của bà phục hồi nhanh chóng và hòa vốn chỉ sau 3 tháng. Trong vòng nửa năm tiếp theo, Huang mở thêm 2 văn phòng tư vấn tâm lý ở Thượng Hải. Đến nay, bà đã mở thêm một cơ sở tư vấn ở Hàng Châu và 3 cơ sở khác tại trung tâm công nghệ Đồng bằng sông Dương Tử.
Sự phát triển nhanh chóng của các doanh nghiệp như bà Huang phản ánh sự gia tăng các vấn đề sức khỏe tâm thần như chứng trầm cảm và lo âu trong dân số, gồm cả tầng lớp trung lưu - nhóm dân số được coi là nền tảng cho sự tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội của Trung Quốc.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính Trung Quốc có 54 triệu người bị trầm cảm và 41 triệu người mắc chứng rối loạn lo âu. Những năm gần đây, mặc dù giới chức y tế Trung Quốc đã nỗ lực giải quyết vấn đề này, nhưng số người tìm kiếm các liệu pháp tâm lý và tự chữa trị vẫn tiếp tục tăng. Theo dữ liệu từ Qcc.com, nhà cung cấp thông tin tín dụng doanh nghiệp, số lượng cơ sở tư vấn tâm lý đã tăng gấp 10 lần trong giai đoạn 2011-2020. Năm 2022, Trung Quốc ghi nhận số cơ sở tư vấn tâm lý thành lập mới là 30.700, tăng hơn 60% so với năm 2021. Còn theo báo nhà nước Legal Daily, tính đến cuối năm 2023, có hơn 160.000 công ty đăng ký kinh doanh lĩnh vực tư vấn tâm lý.
Các chuyên gia và học giả trong ngành dự đoán rằng 2 năm tới có thể là thời kỳ đỉnh điểm lo âu của các gia đình Trung Quốc, khi mức độ bi quan về nghề nghiệp và thu nhập tăng cao trong bối cảnh nền kinh tế nước này trở nên “gập ghềnh” sau đại dịch COVID-19, từ đó thúc đẩy sự mở rộng của lĩnh vực tư vấn tâm lý.
Nguyên nhân làm tăng nhu cầu tư vấn tâm lý
Theo một báo cáo về sức khỏe tâm thần dựa trên kết quả khảo sát đối với 40.000 người, những vấn đề tâm lý phổ biến nhất đối với người dân Trung Quốc vào năm ngoái là lo âu, cảm giác vô nghĩa và trầm cảm. Khảo sát còn cho thấy chi phí hàng năm dành cho việc tư vấn tâm lý trong 3 năm qua trung bình là 6.500NDT (23,3 triệu đồng)/người và 90% khách hàng có học vấn từ cử nhân trở lên.
Cùng với chi phí chăm sóc y tế và giáo dục cao hơn, thì cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản, sự phục hồi kinh tế yếu ớt sau đại dịch COVID-19 và triển vọng việc làm không ổn định là 3 yếu tố làm gia tăng nỗi đau tinh thần và cảm giác bất lực trong tầng lớp trung lưu Trung Quốc.
Shen Jiake, một nhà văn viết tiểu thuyết tâm lý ở tỉnh Hồ Bắc, xác nhận ông đã nghe độc giả khắp cả nước nói rằng lo âu là một vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến. Ngoài ra, Shen cho rằng sự gia tăng các vấn đề về sức khỏe tâm thần còn là do “lời nguyền tuổi 35” (một quan điểm cho rằng những người làm văn phòng thì quá già để tìm được việc làm mới khi đến độ tuổi nhất định), cũng như việc số lượng phụ nữ trẻ không kết hôn ngày càng tăng, dẫn đến tỷ lệ sinh giảm nhanh chóng.
Theo chuyên gia tâm lý Huang Jing, nỗi lo lắng của những người làm cha mẹ có thể dễ dàng truyền sang con cái. Bởi sau khi trải qua thời kỳ kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh và mang lại lợi ích to lớn cho họ thời trẻ, họ kỳ vọng con cái cũng nhận được lợi ích tương tự và sẽ bị sốc nếu điều đó không xảy ra.
NGUYỆT CÁT (Theo SCMP)