09/05/2024 - 10:34

“Điểm chạm tới” đam mê 

“Ðã đúng điểm chạm tới đam mê”, Nguyễn Khang, doanh nhân trẻ của Vĩnh Long nói về chuyến đi từng được mong đợi theo Chương trình Tài trợ Tăng cường Hợp tác Kinh tế Australia - Việt Nam (AVEG) từ ngày 16-26/3/2024.

Nhóm tiếng Anh dành cho trẻ em gặp nhau tại nhà ông Alan Broughton.

Ngoại giao Organics

Nguyễn Khang trở về nước năm 2018 sau khi hoàn thành chương trình cao học ngành Khoa học cây trồng (chuyên ngành nông nghiệp hữu cơ) tại Ðại học Alberta, Canada, bắt tay làm marketing và sale cho Hợp tác xã (HTX) Tấn Ðạt đến cuối tháng 3-2019. Ðại dịch COVID-19 khiến mọi hoạt động hỗ trợ từ xa, nhưng từ đứt gãy chuỗi cung, Khang nhen nhóm ý tưởng làm gì đó từ di sản dễ gặp rủi ro: xoài cát núm.

Foodo ra đời năm 2022, Khang hướng tới chế biến xoài cát núm - một loại trái thơm, ngon của Vĩnh Long, có khả năng bổ sung đội hình Hòa Lộc, Cát Chu… những trái ngon của thiên đường. Mẹ là chuyên gia trong ngành Nông nghiệp - Khang là mối nối liên thế hệ doanh nông cổ súy cho nông nghiệp hữu cơ - trong không gian rộng lớn hơn từ chuyến đi mãn nhãn này. Mekong Organics, đơn vị nhận tài trợ và triển khai dự án Tăng cường thúc đẩy đầu tư và xúc tiến thương mại nông nghiệp hữu cơ Australia - Việt Nam do Chính phủ Australia tài trợ, đã truyền cảm hứng cho Khang khi các chương trình hành động thực tế, chuẩn chỉnh để kết nối xu hướng toàn cầu.

Từng gặp nhau qua Zoom lúc đại dịch bùng phát nên những câu chuyện thực hành phương pháp hữu cơ Việt-Úc từ các trang trại tới bàn ăn tại Griffith, Bairnsdale… (Canberra, Sydney tới Melbourne…) tự nó trở thành chuyện phải làm của những người cùng hội cùng thuyền. Giờ đây, câu chuyện được nói tới như hệ thống mở rộng hơn nữa nhằm duy trì hệ sinh thái gồm sức khỏe của đất, nguồn nước, không khí, đa dạng sinh học động - thực vật và tương lai bền vững của những thế hệ nối tiếp. Ở đó hệ sinh thái tự nhiên được tôn trọng, trồng trọt không cần cưỡng bức sinh trưởng, không cần tàn phá, lấn chiếm; người sản xuất chỉ đóng vai trò tôn tạo, cân bằng - gìn giữ hệ sinh thái ấy. Cuối cùng, thành quả là quá trình cộng sinh những giá trị tốt đẹp mà thiên nhiên ban tặng.

Ở đâu đó trong thế giới này, tự nhiên đã bị “dồn vào chân tường”, bị tấn công từ nhiều phía, bị hủy hoại đến kiệt quệ và cái giá mà con người phải trả cho sự trở mặt, tham lam, tắc trách là… không ngừng tìm kiếm nguồn thực phẩm tốt cho sức khỏe trong hối tiếc. Xét trong cách đánh thức này thì nhân sinh quan nông nghiệp hữu cơ là cách thức tỉnh, điều hướng có trách nhiệm trong hiện tại và tương lai.

“Hồi đầu năm 2024, ông Alan Broughton, chuyên gia đào tạo nông nghiệp hữu cơ của Mekong Organics vừa là Phó Chủ tịch Hội Nông nghiệp Hữu cơ (OAA) tại Bang Victoria, Úc, đã dành ra 4 ngày để nói về nông nghiệp hữu cơ cùng các chuyên gia, nhà sản xuất - kinh doanh nông sản hữu cơ ở khu vực phía Nam”, TS. Nguyễn Văn Kiền, người điều hành Dự án Mekong Organics, cho biết: Những cố gắng lâu nay sẽ được Thương vụ Việt Nam trưng bày sản phẩm hữu cơ trong sự kiện Foods lớn tại Sydney từ 19-24/5/2024 - 19 doanh nghiệp, HTX, Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam (VOAA) và các tổ chức đào tạo nông nghiệp hữu cơ từ Việt Nam sang Australia để gặp gỡ trực tiếp các nhà làm nông hữu cơ và đối tác nhập khẩu nông sản hữu cơ từ Việt Nam sang Úc. Câu chuyện về sự độc đáo của nông sản hữu cơ Việt Nam được chia sẻ tại thành phố Bairnsdale và thành phố Melbourne của bang Victoria lần lượt vào các ngày 23-3 và 25-3.

Trong 8 ngày làm việc tại Úc, những nhà làm nông hữu cơ từ Việt Nam đã tham quan và học hỏi các mô hình với những cấp độ, quy mô khác nhau: Nông nghiệp hữu cơ quy mô hộ gia đình, trang trại, cộng đồng và doanh nghiệp tại thủ đô Canberra, vùng Riverina thuộc bang New South Wales, khu vực Gippsland ở bang Victoria, trại nuôi gà, bò sữa, cây ăn quả, lúa - gạo, nho làm rượu, sô-cô-la, rau củ quả... Các chuyên gia Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Australia (OAA), tổ chức phi chính phủ Global Landcare, lãnh đạo chương trình kinh tế Việt Nam tại DFAT, đại diện Ðại sứ quán Việt Nam tại Canberra, đại diện Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney… cùng nhau trò chuyện về tương lai. Thật kỳ lạ, dù tương lai là cuộc cạnh tranh trên quầy kệ, nhưng mọi người lại nói nhiều về hợp tác.

TS. Nguyễn Văn Kiền, Giám đốc Doanh nghiệp Mekong Organics và là Giám đốc dự án, hy vọng thông qua cách hợp tác kết nối, đào tạo nâng cao năng lực thì việc sản xuất, chế biến và thương mại nông sản của các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển ngành nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam sẽ được cải thiện về chiều sâu, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, tái tạo, trải nghiệm gắn với phát triển hệ sinh thái bền vững, đủ sức chống chịu biến đổi khí hậu. Các đơn vị đồng tổ chức sự kiện tại Australia đánh giá rất cao cách tiếp cận này.

Cuộc đối chiếu thầm lặng

Sản phẩm Organics được trưng bày có gạo, cà phê, xoài… giống như xuồng con trước hạm đội. Họ là những tập đoàn xuất khẩu gạo nổi tiếng trên toàn cầu; nếu nói trái cây thì xoài Úc có tầm che phủ không hề nhỏ trên thị trường - liệu có quá khó khi gạo Tấn Ðạt, Tư lúa mùa, xoài cát núm Foodo chạm tới gạo hữu cơ, xoài Úc ngay từ “miếng trầu”- đầu câu chuyện?

Thị trường Úc cần đa dạng chủng loại hàng hóa đạt chuẩn hữu cơ, câu chuyện xoài cát núm - có mùi thơm, vị ngọt rất khác xoài Úc, được chế biến thành Jam của Khang là giống xoài không đụng hàng. Gạo hữu cơ của HTX Tấn Ðạt, từ giống gạo trắng ST25 - 2 lần giành ngôi vị gạo ngon nhất thế giới - tới gạo “huyền mễ” có hương vị rất khác gạo của Úc. HTX có 4 chứng nhận hữu cơ quốc tế (USDA, EU, JAS và Canada)… thực ra với diện tích 30ha trồng lúa hữu cơ hay 100ha thì HTX còn phải tăng tốc mở rộng diện tích hơn nữa mới mong đạt điểm chạm tới… thị trường có số dân chưa tới 27 triệu người này.

HTX Tấn Ðạt có 65 thành viên ở xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, 40 lao động địa phương có việc làm, trong đó 28 là phụ nữ… khả năng nối kết còn lớn, hầu hết hiểu việc mình làm vì môi trường… “Nói môi trường vậy chứ mình lớn lên ở vùng sông nước, nhưng tới nông trại Úc mới thấy người ta quý nguồn tài nguyên nước như thế nào”, ông Chín Vui, Giám đốc HTX Tấn Ðạt, chia sẻ: Sản phẩm sau gạo của họ là những món ăn cho thấy người ta trân trọng hạt gạo. Rất nhiều sản phẩm sau gạo, ngon, đẹp tới bất ngờ. Họ nói vẫn là quy mô nhỏ (dù nông trại cá nhân lớn hơn HTX bên mình) nhưng lớn nhỏ không quan trọng, cái chính là khả năng liên kết - Công nghệ sẽ dẫn dắt. Bên mình, khó nhất là nông trại hữu cơ quy mô nhỏ, khó nối kết là chuyện lớn. Cái khó bây giờ là nhu cầu nhập khẩu số lượng lớn nhưng năng lực cung ứng rất nhỏ. Quy định nhập gạo hữu cơ phải kiểm soát được vi sinh - là những sinh vật li ti nhưng phải có đầu tư và quyết tâm lớn. Không thể so với các nông trại Úc vì các nông gia Úc, lâu nay dẫn dắt cuộc chơi hữu cơ nhờ họ có hệ sinh thái chuẩn chỉnh nuôi lớn các nông trại mênh mông. “Ðây là dịp nhìn lại và chuẩn bị hành trình dài sắp tới như thế nào” - cả ông Chín Vui và Khang đều nói như vậy.

Điểm chạm tới đam mê

Khang theo đoàn xuyên suốt từ Sydney đến khu ChinaTown, Market city - Khu chợ rau - trái cây, hình thành từ năm 1909 - mở cửa suốt năm không nghỉ ngày nào - tập trung các siêu thị châu Á và cửa hàng. Có đủ sắc dân Thái Lan, Hoa, Indonesia, Hàn Quốc, Việt Nam… và điều không còn mù mờ gì nữa là nhãn, thanh long… những loại trái cây nhiều kỳ vọng xuất khẩu từ Việt Nam sang đây, các nông gia tại Úc đều trồng được, chuẩn hữu cơ.

“Mekong Organics, Export Council Australia, Regeneration International tổ chức sự kiện Vietnam Organics tại Sydney (18-3-2024) và Melbourne (25-3-2024) là sự kiện trọng đại để giới thiệu sản phẩm hữu cơ từ Việt Nam đến người tiêu dùng Úc và thế giới, TS. Nguyễn Văn Kiền, Founder Mekong Organics, nói: Chúng tôi còn một sứ mệnh rất quan trọng nữa là đào tạo thế hệ kế thừa.

Gặp các thầy cô tại nhà thầy Alan Broughton, Nguyễn Khang trao tận tay thầy Phil và cô Kate món quà là Jam làm từ xoài cát núm đựng trong hộp gỗ hình ngôi nhà, lắp bóng đèn điện và tấm thiệp nắn nót mấy dòng do các bạn học tiếng Anh theo dự án Mekong Organics tự thiết kế và đề tặng.

Hôm thăm Trường Ðại học quốc gia Úc (ANU - QS World University Rankings 2024, hoạt động từ năm 1946 ở thủ đô Canberra, được xếp hạng 34 trên thế giới), Khang chợt nhận ra cách mà các thầy Phil, cô Kate, ông Alan Broughton truyền cảm hứng, bắt đầu từ tiếng Anh và cách đo lường phương pháp mới giúp mọi người tự tin hơn khi sử dụng tiếng Anh là điều bất ngờ về chiếc chìa khóa mở cánh cửa hướng ra thế giới. “Chúng tôi đang xây dựng nhóm tiếng Anh cho nhóm lúa hữu cơ. Nhóm xoài đã ổn định, bên Úc đang xúc tiến để có 2 suất đi học ngắn hạn”, Khang nói.

Mọi người rất hài lòng khi thấy lớp trẻ bộc lộ đam mê công việc hiện tại - tương lai từ nông nghiệp hữu cơ, bắt nguồn cảm hứng từ tiếng Anh, điểm chạm tới đam mê là đây. “Các hoạt động của Mekong Organics do một nhóm cá nhân tâm huyết gồm những người nông dân, các nhà khoa học và các nhóm hỗ trợ nông dân ở Australia và Việt Nam thực hiện. Chúng tôi sẽ lập kế hoạch chiến lược về cách thu thập các sản phẩm hữu cơ chất lượng tốt của Việt Nam và xuất khẩu sang Úc và các nước khác”, TS Kiền tự hiểu đó là việc không đơn giản chút nào.

Công việc bắt đầu từ kỹ năng và tầm nhìn chiến lược. Giai đoạn: 11/2018-10/2019, Chương trình Aus4skills góp phần thúc đẩy nhận thức chuẩn mực từ mô hình nông nghiệp hữu cơ ở ÐBSCL và Việt Nam. Năm 2021, Mekong Organics đã nhận được một khoản hỗ trợ vòng đầu tiên của “Chương trình tăng cường hợp tác kinh tế Australia - Việt Nam” thực hiện một khóa học trực tuyến kéo dài 5 tháng cho hơn 650 người muốn tìm hiểu thêm về nông nghiệp hữu cơ và lợi ích đối với nông dân, sức khỏe công cộng và môi trường, cùng 5 diễn đàn thương mại thực phẩm hữu cơ Australia - Việt Nam. Tháng 1 năm nay, dự án đã tổ chức 2 lớp đào tạo về khả năng xuất khẩu cho 30 doanh nghiệp, HTX ở khu vực phía Nam và 30 doanh nghiệp, HTX ở khu vực phía Bắc Việt Nam; tổ chức 2 diễn đàn “Tăng cường thúc đẩy đầu tư và xúc tiến thương mại nông nghiệp hữu cơ Australia - Việt Nam” tại Trung tâm Phát triển Nông thôn - Saemaul Undong (ngày 17-1-2024) và tại Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ tại Hà Nội (ngày 20-1-2024) thu hút hơn 100 doanh nghiệp, HTX.

Ðối với Khang, có ai đó nói với anh rằng Vĩnh Long còn di sản thanh trà là đề bài hay nếu biết cách đánh thức di sản này. FAO đã kỷ niệm hơn 20 năm sáng kiến hợp tác toàn cầu GIAHS (The Global Important Agricultural Heritage Systems - 2002) thúc đẩy hợp tác vì mục tiêu chung là xác định và bảo vệ các di sản nông nghiệp quan trọng, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan, hệ thống tri thức và văn hóa xoay quanh các di sản. Hiện nay, FAO đã công nhận 74 hệ thống GIAHS trên khắp thế giới.

Ai sẽ giúp lớp trẻ đam mê nông nghiệp như Khang theo đuổi mục tiêu của GIAHS?

CHÂU LAN

Chia sẻ bài viết