11/05/2024 - 19:15

An ninh nước - Thách thức toàn cầu 

Nước là nguồn tài nguyên thiết yếu, đóng vai trò quan trọng trong an ninh lương thực, sức khỏe con người và hệ sinh thái, duy trì sự ổn định và phát triển của thế giới. Trong thời đại mà biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên chiếm ưu thế trong các cuộc thảo luận toàn cầu, an ninh nước đã nổi lên như một thách thức chủ chốt đối với nhân loại.

Ở nhiều nơi trên thế giới, trẻ em chịu nhiều tổn thương và thiệt thòi vì tình trạng khan hiếm nước. Ảnh: UNESCO

Kỳ 1: Thách thức từ thực trạng khan hiếm nước

Từ nông nghiệp bền vững, trụ cột của an ninh lương thực, đến hỗ trợ dân số ngày càng tăng và sản xuất năng lượng, vai trò của nước trong xã hội rõ ràng rất to lớn. Tuy nhiên, nhiều rủi ro khác nhau, cùng với tác động của biến đổi khí hậu, đang đe dọa nguồn tài nguyên quý giá này.

Nước - trụ cột của xã hội và hòa bình thế giới

Báo cáo Phát triển Nước Thế giới năm 2024 của Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho biết 2,2 tỉ người trên toàn thế giới không được tiếp cận với nước uống sạch và 3,5 tỉ người không được tiếp cận với hệ thống vệ sinh được quản lý an toàn.

Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO), trẻ em gái và phụ nữ là nạn nhân đầu tiên của tình trạng thiếu nước, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, nơi họ chịu trách nhiệm chính trong việc lấy nước sinh hoạt cho gia đình. Vai trò này cản trở họ tiếp cận cơ hội học hành và đi làm. Các nhà nghiên cứu cho biết thiếu điều kiện vệ sinh do thiếu nước cũng là một nguyên nhân khiến trẻ em gái bỏ học. “Tình trạng thiếu nước không chỉ làm bùng phát ngọn lửa căng thẳng địa chính trị mà còn gây ra mối đe dọa đối với các quyền cơ bản nói chung, chẳng hạn như làm suy yếu đáng kể vị thế của trẻ em gái và phụ nữ”, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cho biết. Ðiều này kìm hãm nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới.

Pedro Arrojo-Agudo, Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về quyền con người đối với nước uống an toàn và vệ sinh, cũng nhận định an ninh nước không chỉ quan trọng trong việc cung cấp lương thực và vệ sinh mà còn là điều cần thiết để duy trì hòa bình và ổn định trên thế giới. “Thiếu nước sạch dẫn đến tuyệt vọng, suy thoái niềm tin vào các thể chế, di cư hàng loạt, bạo lực và gây bất ổn cho toàn bộ khu vực”, ông Arrojo-Agudo nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy xung đột có nguy cơ xuất hiện hoặc trở nên trầm trọng hơn ở những vùng thiếu nước. Ví dụ ở Somalia, quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột và nghèo đói, hiện phụ thuộc rất nhiều vào ngành nông nghiệp, với chăn nuôi chiếm gần 40% GDP. Các nghiên cứu cho thấy những đợt hạn hán, loại thiên tai xuất hiện ngày càng nhiều trong 3 thập niên qua, đã khiến tình trạng bạo lực ở nước này trở nên trầm trọng hơn. Nhiều nông dân và người chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi hạn hán đã chuyển sang các hoạt động phi pháp để bù đắp khoản thất thu hoặc hỗ trợ các nhóm nổi dậy để kiếm tiền. “Boko Haram (tổ chức Hồi giáo cực đoan ở Nigeria) sinh ra ở nơi không có nước” - Abdoulaye Mar Dieye, Ðiều phối viên đặc biệt của LHQ phụ trách phát triển vùng Sahel, cho biết trong một hội nghị nhấn mạnh vai trò của nước đối với hòa bình ở khu vực Sahel của châu Phi.

Việc thiếu an ninh nguồn nước cũng thúc đẩy tình trạng di cư và những người đi lánh nạn lại gây căng thẳng về tài nguyên ở những nơi họ đến định cư. Các nhà nghiên cứu nhận thấy ít nhất 10% số cuộc di cư toàn cầu có liên quan đến căng thẳng về nước khi thế giới phải đối mặt với khí hậu càng thất thường hơn.

Chủ tịch Ủy ban về Nước của LHQ Alvaro Lario cho biết mặc dù nước thường không phải là nguyên nhân gây ra xung đột, nhưng sự bất bình đẳng trong việc phân bổ tài nguyên nước hoặc trong việc tiếp cận các dịch vụ nước có thể làm suy yếu hòa bình và ổn định. Ðiều này càng đúng hơn trong bối cảnh có nhiều yếu tố có thể làm trầm trọng thêm vấn đề, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, bất ổn địa chính trị, đại dịch hoặc di cư hàng loạt.

Châu Á - Thái Bình Dương đối mặt căng thẳng về nước mức độ cao

Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực đông dân nhất thế giới với khoảng 4,3 tỉ người (chiếm 60% dân số thế giới), sống ở 40 quốc gia. Ðây cũng là một trong những khu vực chịu áp lực về nước nhiều nhất trên thế giới, với hơn 95% dân số đối mặt với tình trạng căng thẳng về nước và 75% dân số bị khan hiếm nước. Theo đó, “căng thẳng về nước” được xác định là tổng lượng nước sẵn có tính theo bình quân đầu người dưới 1.700 mét khối/người/năm, còn “khan hiếm nước” là dưới 1.000 mét khối/người/năm.

Các dự báo của Viện Tài nguyên Thế giới cho thấy đến năm 2040, hầu hết các nơi trên thế giới sẽ trải qua tình trạng căng thẳng về nước từ cao đến cực kỳ cao, riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương có khả năng đối mặt với căng thẳng về nước mức độ cao.

Ðâu là nguyên nhân dẫn tới khan hiếm nước? Tình trạng biến đổi khí hậu khiến hạn hán, lũ lụt xuất hiện ngày càng nhiều, trong khi Trái đất nóng dần lên làm tan băng, khiến nước biển dâng cao, từ đó tăng nguy cơ xâm nhập mặn và thu hẹp nguồn nước ngọt. Thảm họa thiên nhiên nhiều hơn cũng làm tăng mức độ ô nhiễm và giảm tỷ lệ nước sạch. Những nguyên nhân nói trên có phần là do tác động trực tiếp bởi con người thông qua các hoạt động như phá rừng, đốt nhiên liệu hóa thạch.

Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng nước ngày càng cao từ ngành nông nghiệp (tiêu thụ khoảng 70% nguồn nước ngọt), dân số gia tăng và tốc độ đô thị hóa quá nhanh cũng thúc đẩy quá trình ô nhiễm và suy thoái nguồn nước. Ngoài ra, hạ tầng quản lý nguồn nước và xử lý nước thải yếu kém làm giảm mức độ tái tạo nguồn nước cũng là những nguyên nhân góp phần gây ra cuộc khủng hoảng nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Phụ nữ và trẻ em lấy nước sinh hoạt cho gia đình ở bang Rajasthan, Ấn Độ. Ảnh: Delhi Greens 

Theo giới nghiên cứu, giải quyết cuộc khủng hoảng nước đòi hỏi phải có sự kết hợp của nhiều biện pháp bắt đầu từ trong nước, theo đó, sử dụng hiệu quả một mặt hàng khan hiếm như nước phải là trọng tâm trong các chính sách về nước. Ở góc nhìn rộng hơn, cần đảm bảo một chế độ chia sẻ nước công bằng nhằm ngăn ngừa xung đột, trong đó, mỗi quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có quyền tiếp cận tài nguyên nước như nhau.

Ðiều đáng lo ngại là các hệ lụy nghiêm trọng do khan hiếm nước và khả năng dẫn đến xung đột vẫn chưa được các nhà đàm phán quốc tế về khí hậu nhận ra. “Chúng tôi từng nói rằng Ủy hội sông Mekong, cơ quan cùng quản lý tài nguyên nước sông Mekong giữa Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, có thể đóng vai trò là hình mẫu để giải quyết tranh chấp về nước giữa các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương khác” - theo nhóm nghiên cứu đến từ OP Jindal Global University, một trường đại học hàng đầu ở Ấn Ðộ.

Dựa trên thực tế là Ấn Ðộ thất thoát tới 40% lượng nước do rò rỉ từ các đường ống dẫn nước ở đô thị, các chuyên gia cho rằng hiện đại hóa cơ sở hạ tầng cấp nước và sử dụng các công nghệ mới nhất (như cảm biến rò rỉ) cần phải đi đôi với nhau. Bên cạnh đó, các quốc gia cần tăng gấp đôi nỗ lực để lồng ghép hành động của các bên liên quan với các chính sách quản lý nước quốc gia.

Chủ tịch Ủy ban về Nước của LHQ Alvaro Lario nhấn mạnh rằng, khi được quản lý bền vững và công bằng, nước có thể là căn nguyên của hòa bình và thịnh vượng. Báo cáo Phát triển Nước Thế giới năm 2024 của LHQ cho biết cơ sở hạ tầng nước và hệ thống quản lý nước sẽ thúc đẩy tăng trưởng và thịnh vượng bằng cách đảm bảo nguồn cung cấp nước đáng tin cậy cho các ngành kinh tế quan trọng như nông nghiệp, năng lượng, công nghiệp cũng như một loạt các doanh nghiệp và dịch vụ hỗ trợ sinh kế trên toàn thế giới.

Với tiêu đề Nước vì Sự thịnh vượng và Hòa bình, báo cáo của LHQ cho thấy khoảng một nửa dân số thế giới đang gặp phải tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng, một số khu vực thiếu nước gần như quanh năm. Phần lớn hậu quả được cảm nhận ở các nước nghèo hơn, khó thích nghi hơn. Báo cáo ước tính sẽ tốn 114 tỉ USD/năm để cung cấp nước uống an toàn và vệ sinh ở 140 quốc gia có thu nhập thấp đến trung bình.

THANH TRÚC (Tổng hợp)

Kỳ tới: Tìm kiếm giải pháp bảo đảm an ninh nước

Chia sẻ bài viết