Theo phóng viên TTXVN, Nam Phi ngày 10-5 đã đề nghị Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) ngăn chặn cuộc tấn công quân sự của Israel vào thành phố Rafah nằm ở phía Nam Gaza.
Người dân Palestine bắt đầu di tản khỏi Rafah. Ảnh: Getty Images
Trong kiến nghị khẩn cấp gửi tòa án, Nam Phi hối thúc ICJ yêu cầu Israel “rút ngay lập tức và ngừng cuộc tấn công quân sự” ở Rafah. Nam Phi nhấn mạnh rằng Israel phải “ngay lập tức thực hiện mọi biện pháp hiệu quả để đảm bảo và tạo điều kiện thuận lợi cho Liên Hiệp Quốc (LHQ) tiếp cận Gaza cũng như các hoạt động cung cấp viện trợ nhân đạo và hỗ trợ cho người dân Gaza”. Kiến nghị của Nam Phi nêu rõ cuộc tấn công quân sự của Israel vào Rafah “gây rủi ro lớn đối với các nguồn cung cấp nhân đạo và các dịch vụ cơ bản ở Gaza, cũng như sự tồn tại của hệ thống y tế Palestine, sự sống còn của người Palestine ở Gaza”. Do đó, Nam Phi kêu gọi ICJ đưa ra thêm các biện pháp khẩn cấp để “bảo vệ người dân Palestine ở Gaza khỏi những vi phạm nghiêm trọng và không thể khắc phục được đối với các quyền của họ”.
Ðây là kiến nghị mới nhất mà Nam Phi đưa ra đối với ICJ liên quan đến xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas tại Gaza. Tháng 12-2023, Nam Phi đề nghị ICJ tiến hành các thủ tục tố tụng đối với Israel, với cáo buộc Israel vi phạm nghĩa vụ của nước này theo Công ước Diệt chủng năm 1948 liên quan đến người Palestine ở Dải Gaza. Ngày 26-1, ICJ ra phán quyết yêu cầu Israel thực hiện mọi biện pháp có thể để ngăn chặn các hành động diệt chủng đối với người Palestine ở Dải Gaza. Ngày 6-3, Nam Phi tiếp tục đề nghị ICJ ban hành lệnh khẩn cấp đối với Israel nhằm chấm dứt nạn đói lan rộng ở Dải Gaza. Ngày 28-3, ICJ đã yêu cầu Israel thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo viện trợ cơ bản đến được với người dân Palestine ở Dải Gaza.
Trong khi đó, Ai Cập đe dọa hủy bỏ hiệp ước hòa bình nếu Israel không ngừng các hoạt động quân sự tại thành phố Rafah. Báo Maariv đưa tin trong khuôn khổ chuyến thăm của Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns đến Cairo, các quan chức Ai Cập đã đề nghị Washington gây áp lực mạnh để buộc Israel phải chấm dứt hoạt động quân sự ở Rafah và nối lại các cuộc đàm phán một cách nghiêm túc. Nếu không, Ai Cập sẽ hủy bỏ Hiệp ước Trại David - hiệp ước hòa bình lịch sử được ký kết giữa Mỹ, Israel và Ai Cập hồi năm 1978. Theo báo Maariv, sau áp lực truyền thông ngày càng tăng từ phía Ai Cập kêu gọi hủy bỏ Hiệp ước Trại David, các quan chức Israel đã bắt đầu liên lạc với những người đồng cấp Ai Cập về vấn đề này.
Cũng trong ngày 10-5, Hội đồng Bảo an (HÐBA) LHQ kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập và ngay lập tức đối với các ngôi mộ tập thể, được cho là chứa hàng trăm thi thể, gần các bệnh viện ở Gaza.
Trước đó, Ðại Hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết kêu gọi HÐBA LHQ xem xét ủng hộ Palestine trở thành thành viên chính thức của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh.
Tại cuộc họp khẩn cấp đặc biệt bàn về tình hình Gaza và tư cách thành viên của Palestine, Ðại Hội đồng đã thảo luận và bỏ phiếu thông qua nghị quyết nói trên với tỷ lệ áp đảo 143 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 25 phiếu trắng. Dù chỉ mang tính biểu tượng, song việc Ðại Hội đồng thông qua nghị quyết có ý nghĩa to lớn đối với qui chế và hoạt động của Palestine, theo đó Palestine sẽ được hưởng nhiều quyền hạn hơn kể từ khóa họp toàn thể sắp tới của Ðại Hội đồng (tháng 9-2024), như đưa ra tuyên bố thay mặt một nhóm; trình các đề xuất và sửa đổi hay đề xuất các nội dung trong chương trình nghị sự tạm thời tại các phiên họp thường kỳ hoặc bất thường… Tuy nhiên, do chưa là thành viên đầy đủ, Palestine vẫn sẽ không được quyền ứng cử và bầu cử vào các cơ quan của LHQ.