Mỗi năm bước vào tháng 11 là giới văn chương và bạn đọc tưởng nhớ nhà văn Nguyên Hồng - tác giả của hơn 30 tác phẩm đã xuất bản, được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt 1 năm 1996.
Theo dấu chân của tác giả “Bỉ vỏ”
|
Nhà văn Nguyên Hồng
(1918-1982) |
Nhà văn Nguyên Hồng là cây bút đa năng, sáng tác truyện ngắn, truyện vừa, thơ, tạp văn, bút ký, hồi ký và đặc biệt là các thiên tiểu thuyết, như “Bỉ vỏ” (1938), “Những ngày thơ ấu” (1940), “Cuộc sống” (1942), “Quán nải” (1943), “Hơi thở tàn” (1943), “Sóng gầm” (1961), “Cửa biển” (4 tập: 1961, 1967, 1973, 1976), “Cơn bão đã đến” (1963), “Thời kỳ đen tối” (1973), “Khi đứa con ra đời” (1976), “Thù nhà nợ nước” (tập I trong bộ tiểu thuyết về Khởi nghĩa Yên Thế, 1981), “Núi rừng Yên Thế” (tập II trong bộ tiểu thuyết về Khởi nghĩa Yên Thế, 1993)…
Nhà văn Nguyên Hồng sinh ngày 5-11-1918. Có mấy nơi mà ông gắn bó mật thiết trong đời mình. Ðầu tiên là Nam Ðịnh quê hương ông. Kế đến là Hải Phòng mang lại cho ông nhiều chất liệu sống và viết nên những tác phẩm bất hủ. Thủ đô Hà Nội thì ông lui tới làm việc và có một thời gian cùng gia đình tạm trú. Bắc Giang là nơi ông sống phần lớn cuộc đời và vĩnh viễn nằm lại. Vùng than Quảng Ninh với nhiều dự định không thành của ông từ thời tuổi trẻ và cũng là nơi ông thực hiện chuyến công tác cuối cùng để rồi trở về Bắc Giang đột ngột từ giã thế gian, trong nỗi bàng hoàng của mọi người.
Khi chúng tôi đặt chân đến các tỉnh thành trên, hình ảnh nhà văn Nguyên Hồng vẫn hiện diện trong tâm khảm cùng những câu chuyện trong tác phẩm của ông. Ðặc biệt là Hải Phòng, thành phố cảng mà ông gắn bó suốt một thời tuổi trẻ, nguồn cảm hứng chủ đạo và là nơi ông viết nên những tác phẩm hay nhất đời mình. Ông từng là Chủ tịch đầu tiên của Hội Văn nghệ Hải Phòng từ khi thành lập cho tới lúc ông từ giã cuộc đời.
Đứng về phía những người bất hạnh
Tác giả của “Những ngày thơ ấu” sinh ra trong một gia đình nghèo khó, cha bệnh mất sớm, tuổi thơ chịu muôn vàn cơ cực, đói rách, khắc nghiệt tận cùng. Trong quyển tự truyện “Những ngày thơ ấu” của nhà văn Nguyên Hồng với dòng đề từ “Kính tặng mẹ tôi” được đăng báo năm 1938, xuất bản thành sách năm 1940, có những đoạn văn như tiếng kêu đứt ruột mà bây giờ đọc lại vẫn rất xót xa: “Giá ai cho tôi một xu nhỉ? Chỉ một xu thôi! Ðể tôi mua xôi hay bánh khúc. Vừa đi vừa cắn, ngon xiết bao! Không! Không ai cho tôi cả, vì người ta có phải mẹ tôi đâu! Mẹ ơi! Con khổ quá mẹ ơi! Sao mẹ đi lâu thế? Mãi không về! Người ta đánh con vì con dám cướp lại đồ chơi mà con người ta giằng lấy. Người ta lại còn chửi con, chửi cả mẹ nữa. Mẹ xa con, mẹ có biết không?”.
Càng xót xa khi biết cuộc đời người mẹ của nhà văn Nguyên Hồng cũng lắm trái ngang. Năm 16 tuổi, Nguyên Hồng phải bỏ học theo mẹ rời Nam Ðịnh ra Hải Phòng ở xóm Cấm dạy học tư cho con em những gia đình lao động nghèo để kiếm sống. Ông bắt đầu có ý thức phải viết lại để chia sẻ với những cảnh đời mà mình chứng kiến và bản thân ông, gia đình ông cũng là một chất liệu sống. Sau hai lần được gặp nhà thơ, nhà văn Thế Lữ, người tiên phong của phong trào Thơ mới lẫn truyện đường rừng, Nguyên Hồng được “gây men” cảm hứng và lao vào trang văn sáng tác không ngừng.
Nhà văn Nguyên Hồng (thứ hai từ phải sang) cùng gia đình và nhà văn người Tiệp Khắc tại Nhã Nam, Bắc Giang năm 1971.
Một năm sau từ Nam Ðịnh ra Hải Phòng, ông đã viết được truyện ngắn đầu tay “Linh hồn” đăng trên tờ “Tiểu thuyết thứ 7”. Ðó là năm ông 17 tuổi. Ðến năm 19 tuổi thì tiểu thuyết đầu tay “Bỉ vỏ” của ông hoàn thành, gây tiếng vang lớn trên văn đàn, được nhận Giải thưởng Tự lực văn đoàn danh giá. Sự khởi đầu ấn tượng ấy đưa Nguyên Hồng bước vào làng văn, làng báo và tham gia hoạt động cách mạng cứu nước bằng ngòi bút mạnh mẽ, để rồi mấy mươi tác phẩm nữa của ông lần lượt ra đời, ngoài văn xuôi còn có thơ và tiểu luận phê bình, trở thành cây bút hàng đầu, hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957.
Trải qua thời thơ ấu nghiệt ngã và chứng kiến bao số phận nên tâm bút của nhà văn Nguyên Hồng dành nhiều tình yêu thương cho người nghèo bất hạnh, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ. Ðiều đó thể hiện qua hai tác phẩm đầu tay lẫy lừng “Bỉ vỏ” và “Những ngày thơ ấu”. Ðáng tiếc, nhà văn Nguyên Hồng đã đột ngột rời bỏ bạn văn, bạn đọc vào ngày 2-5-1982 tại Tân Yên, Bắc Giang ở tuổi 63 khi bao dự định sáng tác chưa hoàn thành. Trong đó, bộ tiểu thuyết cuối cùng về Khởi nghĩa Yên Thế của anh hùng Ðề Thám mới xuất bản được 2 tập, ông còn đang viết dở dang. Ông ra đi nhưng cuộc đời vượt khó và sự nghiệp văn chương đồ sộ độc đáo của nhà văn sẽ còn mãi, nhất là với những phận người bất hạnh tìm thấy sự đồng cảm, sẻ chia!
Đối với những người cầm bút thế hệ sau, tác giả “Bỉ vỏ” cũng quan tâm dành những lời khuyên chân thành, sâu sắc. Nhà thơ Nguyễn Thanh Kim nhớ lại: “Nhà văn Nguyên Hồng có lần tâm sự với anh em làm thơ trẻ: Mỗi người làm thơ phải luyện cho mình một ngón độc - “độc nhất vô nhị”. Trình Giảo Kim ngón độc là búa. Lý Nguyên Bá có cặp chùy đồng… Ra trận, đối phương nghe thấy khiếp vía, vào trận chỉ có bỏ mạng. Chữ thì phải có hồn chữ, phần máu thịt nhất của nhà thơ hiện lên trang giấy. Chữ nghĩa run rẩy, phập phồng tươi mới như sự sống, nếu không chỉ là các chữ vô hồn, thứ chữ ép thì chẳng làm rung động được ai. Chỉ có điều khác là luyện võ thì dùng để đánh người (hay là tự vệ), còn luyện thơ là thứ nghệ thuật “đánh” vào lòng người nhưng trong ý hướng nâng đỡ”.
PHAN HOÀNG