02/11/2024 - 11:45

Triều cường đầu tháng 10 âm lịch bắt đầu xuất hiện 

* ĐBSCL có nguy cơ ảnh hưởng ngập úng do triều cường cao vào giữa tháng 11

(CT) - Sáng 2-11-2024, mực nước trên các sông, rạch thuộc địa bàn TP Cần Thơ bắt đầu lên nhanh và cao theo kỳ triều cường đầu tháng 10 âm lịch. Mực nước đỉnh triều cao nhất vào lúc 5 giờ là 1,81m, hơn mức báo động (BĐ) I là 0,01m. Triều cường hiện còn ở mức thấp, tuy nhiên sẽ lên nhanh trong những ngày tới và gây ngập sâu nhiều tuyến đường ven sông, khu vực trũng thấp của các quận trung tâm TP Cần Thơ.

Tường ngăn chặn triều cường chảy tràn qua Công viên Ninh Kiều gây ngập đô thị được xây dựng. Ảnh: HÀ VĂN

Đài Khí tượng Thuỷ văn TP Cần Thơ dự báo chiều 2-11, triều cường đạt mức 1,9m vào lúc 19 giờ 30 phút (bằng mức BĐII). Trong những ngày tới, mực nước đỉnh triều trên các sông, rạch TP Cần Thơ tiếp tục lên ở mức cao và vượt mức BĐIII vào ngày 4-11 (nhằm ngày 4 tháng 10 âm lịch). Thời gian xuất hiện mực nước đỉnh triều hằng ngày vào lúc sáng sớm 5-7 giờ và chiều tối lúc 17-19 giờ. Đây là đợt triều cường có đỉnh triều cao vượt mức BĐIII, cần chú ý thời tiết xấu do các nhiễu động của đới gió đông trên cao hoạt động mạnh và duy trì ổn định liên tục, nên trong những ngày triều cường kết hợp với mưa lớn sẽ gây ngập úng tại những khu vực trũng thấp, vùng nội ô ven sông của TP Cần Thơ.


Khu vực trũng thấp tại Công viên Ninh Kiều được tấn bao cát, bạt ni lông ngăn chặn triều cường chảy tràn, gây ngập đô thị. Ảnh: HÀ VĂN

Các ngành, chính quyền địa phương đang khẩn trương ứng phó triều cường. Tại công viên Ninh Kiều, đã xây dựng, nâng cao tường ngăn chặn triều cường chảy tràn gây ngập đường giao thông; chính quyền địa phương cũng sử dụng bao cát, che bạt ni lông tại khu vực thấp của Công viên Ninh Kiều, hạn chế triều cường dâng cao gây ngập khu vực đô thị gần công viên. Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ yêu cầu thành viên của Ban, các cấp, các ngành chức năng và UBND các quận, huyện tổ chức theo dõi diễn biến mưa, triều cường để chủ động ứng phó. Đơn vị quản lý âu thuyền, trạm bơm, các cống, van ngăn triều thực hiện đóng mở đúng quy định, ngăn chặn triều cường gây ngập úng vùng lõi quận Ninh Kiều và một phần quận Bình Thuỷ. Các địa phương tiếp tục tổ chức trực ban 24/24 giờ trong các ngày triều cường xuất hiện, nắm chắc mọi tình hình có liên quan đến công tác phòng, chống, cứu hộ trên địa bàn; duy trì lực lượng ứng cứu, hướng dẫn giao thông tại các đoạn đường bị ngập sâu, điểm giao nhau; tăng cường kiểm tra, gia cố đê bao, bờ bao bảo vệ vườn cây ăn trái, các cồn trên sông Hậu…

Đường Hai Bà Trưng cặp Công viên Ninh Kiều bị ngập do triều cường rằm tháng 9 âm lịch vừa qua chảy tràn qua công viên. Ảnh: HÀ VĂN

* Theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, lũ đầu nguồn sông Cửu Long đã xuống thấp nhưng triều cường sẽ tăng trở lại vào những ngày đầu và giữa tháng 11-2024, đặc biệt triều cường vào giữa tháng 11 (kỳ triều rằm tháng 10 âm lịch) dự báo đỉnh triều xuất hiện vào ngày 17 đến 18-11 ở mức cao (cao nhất trong năm 2024).

Trong đó, ở vùng giữa, đỉnh triều biến đổi ở mức từ báo động BĐII đến BĐIII, một số trạm trên mức BĐIII từ 5-25cm, cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) và cao hơn cùng kỳ năm trước. Ở vùng ven biển, đỉnh triều ở mức từ BĐII đến BĐIII, một số trạm trên mức BĐIII từ 5-15cm, cao hơn TBNN và cao hơn cùng kỳ năm 2023. Với mực nước như dự báo, nhiều nguy cơ sẽ xảy ra ngập úng trên các khu vực có địa hình thấp trũng và khu vực ven sông chính thuộc vùng giữa và vùng ven biển ĐBSCL. Mức độ ngập úng trên vùng giữa sẽ không nghiêm trọng như kỳ triều cường kết hợp đỉnh lũ chính vụ hồi giữa tháng 9 âm lịch, nhưng vùng ven biển sẽ có nguy cơ ngập úng nhiều hơn do triều cường cao hơn kỳ giữa tháng 9 âm lịch.

Biểu đồ dự báo triều cường xuất hiện trong những ngày tới.

Các địa phương có nguy cao xảy ra ngập úng do triều cường vào các ngày giữa tháng 11 gồm TP Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long; các huyện ven sông và giữa 2 sông của tỉnh Đồng Tháp; khu vực ven sông lớn và khu vực cồn (cù lao) giữa sông thuộc các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Sóc Trăng; khu vực trung tâm vùng bán đảo Cà Mau như TP Vị Thanh, TP Ngã Bảy, huyện Phụng Hiệp của tỉnh Hậu Giang, các huyện Phước Long, huyện Hồng Dân, khu vực phía bắc quốc lộ 1A huyện Hòa Bình và huyện Vĩnh Lợi của tỉnh Bạc Liêu; thị xã Ngã Năm, huyện Mỹ Tú, huyện Mỹ Xuyên của tỉnh Sóc Trăng; các huyện Trần Văn Thời, huyện Thới Bình, TP Cà Mau tỉnh Cà Mau.

 HÀ VĂN - HẠNH LÊ

Chia sẻ bài viết