Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall cho biết nước này và Trung Quốc đang trong cuộc “chạy đua giành ưu thế về công nghệ”, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI) có thể quyết định kẻ chiến thắng.
Bộ trưởng Không quân Mỹ Kendall ngồi trong buồng lái của máy bay X-62A VISTA, phiên bản chỉnh sửa của F-16. Ảnh: AP
Phát biểu tại một hội nghị thường niên hôm 29-10, Bộ trưởng Kendall cho biết Trung Quốc đang có lợi thế hơn Mỹ trong một số lĩnh vực, chẳng hạn như tên lửa. Việc Bắc Kinh theo đuổi các vệ tinh tiên tiến và hệ thống quản lý chiến đấu tự động đã khiến các quan chức ở Washington chú ý.
Theo ông, Trung Quốc đã hiện đại hóa quân đội rất hiệu quả, triển khai các hệ thống với mục đích thách thức lực lượng Mỹ, đặc biệt là các tài sản chiến đấu có giá trị cao như tàu sân bay và vệ tinh. Lầu Năm Góc nhận thấy sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc trong nhiều năm, viện dẫn các khoản đầu tư vào tàu chiến, tăng cường năng lực và kho dự trữ tên lửa, cũng như các tài sản không gian và vũ khí mạng tiên tiến.
Nhưng bất chấp những nỗ lực của Mỹ nhằm theo kịp quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc, ông Kendall thừa nhận rằng: “Chúng ta đã để họ vượt lên trước, trong các hệ thống bao gồm tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, siêu vượt âm, và hàng trăm vệ tinh được thiết kế để nhắm vào lực lượng của chúng ta, cũng như các hệ thống quản lý chiến đấu hiện đại để tích hợp, kiểm soát các tài sản chiến đấu với mức độ tự động hóa cao”.
Trung Quốc đã xây dựng Lực lượng Tên lửa, phát triển các năng lực đặt các khí tài quân sự Mỹ ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương vào tầm tấn công. Lực lượng Tên lửa này bao gồm cả các hệ thống truyền thống lẫn những vũ khí mới hơn, như tên lửa siêu vượt âm DF-17. Quan chức quốc phòng Mỹ cảnh báo rằng một số tên lửa không đối không của Trung Quốc có tầm bắn để truy đuổi các máy bay tiếp dầu và máy bay chỉ huy/kiểm soát, mà trước đây hoạt động ngoài phạm vi đe dọa này.
Cuộc chạy đua vũ trang mới
Không gian chiến trường đang thay đổi và trên mọi phương diện, những bước phát triển đang diễn ra ở các công nghệ chiến đấu tiên tiến đã tạo nên “cuộc đua tranh ưu thế công nghệ” thay vì “cuộc chạy đua vũ trang cổ điển”. Cuộc chạy đua vũ trang mới không chỉ là số lượng tàu chiến mà còn có trí tuệ nhân tạo - lĩnh vực chứng kiến Trung Quốc và Nga đang đạt được những bước tiến lớn. Ông Kendall nói các ứng dụng của AI đã được thấy trong xung đột ở Ukraine và Trung Ðông, “làm thay đổi bản chất của chiến tranh”.
Các vũ khí được hỗ trợ bởi AI gồm có các hệ thống nhận dạng mục tiêu, vũ khí do AI dẫn đường, phần mềm tấn công và phòng thủ mạng tự hành.
Giống như Trung Quốc, Mỹ cũng đã xác định AI là ưu tiên hàng đầu trong các hoạt động phát triển quân sự trên toàn lực lượng quân đội của nước này.
Ví dụ, đối với Không quân Mỹ, nỗ lực đó đã được chứng minh trong quá trình thử nghiệm các tác nhân AI điều khiển chiến đấu cơ và trong các chương trình “phi công trung thành”. Ðây là chương trình mà một máy bay không người lái sử dụng AI để hoạt động phối hợp với máy bay có người lái và thực thi những nhiệm vụ vốn rất nguy hiểm cho phi công. Ðầu năm nay, ông Kendall đã bay thử trên một tiêm kích F-16 do AI lái, tham gia cận chiến trên không với một chiếc F-16 có người lái.
Tương tự, Thủy quân lục chiến, hợp tác với Không quân và Hải quân, gần đây cũng đã thử nghiệm một phương tiện chiến đấu trên không không người lái phối hợp với các tiêm kích tàng hình F-35.
Quân đội Mỹ đã thành lập Trung tâm AI chung, với nhiệm vụ đẩy nhanh việc cung cấp và áp dụng công nghệ này. Dù vậy, các dự án mang tên “The Third Offset”, “Project Maven” và “AI Next Campaign” lại có nguồn tài trợ tối thiểu.
HẠNH NGUYÊN (Theo Business Insider)