Trong khi cả thế giới tập trung sự chú ý vào khả năng xảy ra một cuộc xung đột lớn hơn ở Trung Đông hay chiến sự Ukraine thì một cuộc xung đột mới được cho đang “âm ỉ” ở châu Á trong bối cảnh các nước Mỹ, Trung Quốc và Nga đều phô trương sức mạnh quân sự ở các vùng biển trong khu vực.

Hải quân Mỹ, Úc và Nhật trong một cuộc tập trận chung. Ảnh: Asia Times
Mỹ, Trung Quốc và thậm chí là Nga trong những tuần gần đây đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn trên khắp Tây Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Tuần trước, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Dewey của Mỹ và khinh hạm HMAS Stuart của Hải quân Hoàng gia Úc đã tiến hành các hoạt động song phương ở Eo biển Malacca. “Mỗi lần chúng tôi tập trận cùng nhau, chúng tôi đều củng cố năng lực và cam kết chung đối với một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Cuộc tập trận này tiếp tục được xây dựng dựa trên khả năng tương tác và hợp tác hiện có của chúng tôi với Hải quân Hoàng gia Úc” - Phó Đô đốc Fred Kacher, Tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, cho biết trong một tuyên bố sau cuộc tập trận.
Song, đối với Trung Quốc, cuộc tập trận nói trên vừa mang tính khiêu khích vừa là động lực để Bắc Kinh tăng cường sự hiện diện quân sự tại các khu vực tranh chấp. Trong một động thái đáp trả, Hải quân Trung Quốc đã triển khai các tàu giám sát lớp Đông Điều đến Biển Hoa Đông và Biển Đông. Trong khi đó, nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh được cho là đã di chuyển về phía Bắc qua Eo biển Đài Loan.
Ngoài các đợt triển khai hải quân, Washington và Bắc Kinh cũng củng cố sự hiện diện quân sự tại khu vực. Hãng tin Reuters hôm 19-9 dẫn các nguồn tin cho hay, hệ thống phóng tên lửa Typhon của Mỹ sẽ tiếp tục được đặt ở Philippines trong thời gian tới. Được biết, Typhon đã được đưa đến để tham gia cuộc tập trận chung Mỹ - Philippines vào đầu năm nay. Một vị tướng Mỹ hàng đầu coi động thái này là “cực kỳ quan trọng” đối với chiến lược khu vực của Washington, cụ thể là mục tiêu thiết lập vòng cung liên minh quân sự và hệ thống phòng thủ tên lửa trên khắp Tây Thái Bình Dương để chuẩn bị cho cuộc xung đột trực tiếp tiềm tàng với Bắc Kinh.
Về phần mình, Trung Quốc đang xây dựng mạng lưới radar chống tàng hình ở những vùng biển lân cận để chống lại ưu thế trên không của Mỹ trong trường hợp xảy ra tình huống “bất trắc”. Báo cáo của tổ chức nghiên cứu Chatham House (Anh) cho rằng sau khi hoàn thành, mạng lưới radar này sẽ làm “tăng đáng kể khả năng chặn tín hiệu và năng lực tác chiến điện tử của Trung Quốc trên khắp Quần đảo Hoàng Sa, đồng thời giúp mở rộng mạng lưới giám sát trải dài trên phần lớn Biển Đông”. Động thái này được xem là phản ứng của Bắc Kinh trước việc Washington đẩy mạnh triển khai chiến đấu cơ tàng hình tại khu vực. Đầu năm nay, Không quân Mỹ đã đưa tới 186 tiêm kích tàng hình F-22 tiên tiến tham gia Pitch Black - một trong những cuộc tập trận không quân lớn nhất châu Á - Thái Bình Dương. Chưa kể, các chiến đấu cơ tàng hình của Mỹ cũng được điều đến Singapore, Indonesia, Brunei, Thái Lan và Philippines. Trung tướng Kevin Schneider, Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Nhật Bản, cho biết sự hiện diện của các chiến đấu cơ Mỹ ở Biển Đông phản ánh “sự hiểu biết và nhận thức ngày càng tăng về mối đe dọa do Bắc Kinh gây ra”.
Trong khi đó, dù đang tập trung nguồn lực cho “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, Nga cũng đã phô trương sức mạnh hải quân và tăng cường ngoại giao quân sự. Theo đó, một nhóm tác chiến mặt nước của Hải quân Nga gồm tàu hộ tống Aldar Tsydenzhapov, tàu hộ vệ Rezky và Gromky gần đây đã tiến hành cuộc tập trận chung với Myanmar ở Ấn Độ Dương. “Mục tiêu chính của cuộc tập trận là phát triển toàn diện và tăng cường hợp tác hải quân giữa 2 nước, cùng nhau chống lại các mối đe dọa toàn cầu và đảm bảo an toàn cho hoạt động vận chuyển dân sự ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương” - phía Nga trong một tuyên bố chung cho biết.
Theo kế hoạch, tuần tới Hải quân Nga sẽ cùng Hải quân Indonesia tham gia cuộc tập trận Orruda 2024 ở thành phố Surabaya (tỉnh Đông Java). Phát biểu trong buổi họp báo ngày 28-10, Đại sứ Nga tại Indonesia Sergey Tolchenov nhấn mạnh mục tiêu của cuộc tập trận này là tăng cường khả năng phòng thủ của hai nước và tìm cơ hội hợp tác trong tương lai.
Mỹ và Nhật Bản đang có cuộc tập trận quân sự quy mô lớn “Keen Sword” (Kiếm sắc) với sự tham gia của 45.000 quân nhân, 40 tàu chiến và 370 máy bay. Cuộc tập trận diễn ra trên toàn lãnh thổ Nhật Bản, bao gồm cả đảo Hokkaido giáp Nga và dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 1-11. Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, trọng tâm của cuộc tập trận lần này là nâng cao khả năng tương tác chiến đấu, thực hiện các hoạt động tấn công chung trên không và tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa. Ngoài lực lượng bộ binh, hải quân và không quân của Mỹ và Nhật Bản, Úc cũng tham gia trực tiếp vào cuộc tập trận. Đặc biệt, cuộc tập trận có sự theo dõi của các quan sát viên đến từ nhiều quốc gia và tổ chức quân sự lớn như Anh, Đức, Ấn Độ, Ý, Canada, Litva, Hà Lan, New Zealand, Philippines, Pháp, Hàn Quốc và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
TRÍ VĂN (Tổng hợp)