Việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn TP Cần Thơ thời gian qua đạt được nhiều kết quả quan trọng… Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, công tác này vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, cần được ngành chức năng chung tay tháo gỡ.
Ðại biểu tham dự buổi giám sát trình bày những thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm.
Từ đầu năm đến nay, BHXH thành phố phối hợp các sở, ban, ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội và địa phương triển khai nhiều mô hình, giải pháp truyền thông chính sách BHXH, BHYT mang lại hiệu quả cao. Điển hình như mô hình “Tập huấn chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT cấp xã” được triển khai trên toàn thành phố. Thông qua mô hình, ban chỉ đạo cấp xã kịp thời cập nhật chính sách mới về BHXH tự nguyện, BHYT để tuyên truyền, vận động người dân tham gia. Hay như các mô hình: “Cà phê sáng trao đổi với nhân dân gắn với tuyên truyền BHXH, BHYT” tại quận Ninh Kiều; “Tuyên truyền BHXH, BHYT cho các tín đồ phật giáo Hòa Hảo” tại quận Thốt Nốt; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở “Mỗi tuần xây dựng câu chuyện truyền thanh” của huyện Vĩnh Thạnh; “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” ở quận Ô Môn… đã góp phần đưa chính sách bảo hiểm đến người dân, tạo thuận lợi cho các tổ chức dịch vụ thu trong công tác tuyên truyền, vận động.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, toàn thành phố có 149.561 người tham gia BHXH bắt buộc, đạt 96,72% kế hoạch; 23.761 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 74,7%; 142.517 người tham gia BHTN, đạt 96,63%; 1.077.795 người tham gia BHYT, đạt độ bao phủ 85,62% dân số.
Qua giám sát việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN tại các quận, huyện: Cái Răng, Bình Thủy, Thốt Nốt và Vĩnh Thạnh của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Cần Thơ cho thấy công tác này vẫn còn khó khăn nhất định. Theo UBND quận Cái Răng, một số doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động chưa thực hiện đầy đủ các quy định về đóng BHXH, BHYT cho người lao động, còn nợ đọng BHXH kéo dài (có 300 đơn vị chậm đóng 3 tháng trở lên, với tổng số tiền 18 tỉ đồng). Ở quận Bình Thủy, khá phổ biến tình trạng đơn vị chậm đóng, nợ đọng, tham gia không đúng mức và không đầy đủ cho số lao động thuộc diện phải tham gia. Tính đến tháng 8-2024, trên địa bàn có 220 đơn vị chậm đóng từ 2 tháng trở lên, với tổng số tiền là 10,2 tỉ đồng.
Ông Phan Ngọc Khương, Giám đốc BHXH quận Thốt Nốt, cho biết, tỷ lệ bao phủ tham gia BHYT trên địa bàn chưa bền vững; số người tham gia BHYT của quận còn thấp so với kế hoạch; việc khai thác, phát triển người tham gia BHYT còn hạn chế… Riêng tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN (tính đến ngày 31-8-2024) phải tính lãi là 2,7 tỉ đồng, với 54 đơn vị…
Theo BHXH thành phố, tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT tăng chậm; số người tham gia BHXH tự nguyện dừng không tiếp tục tham gia có xu hướng tăng. Nguyên nhân một phần là do một số chính sách về BHXH, BHYT, BHTN thay đổi, như: nâng mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu; chưa có chính sách hỗ trợ đối với một số nhóm đối tượng thoát ly khỏi đối tượng được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng; mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp so với khả năng đóng góp của người dân; nhiều trường hợp khi ốm đau, tai nạn mới tham gia BHYT...
Ngoài ra, một số đơn vị sau thanh tra, kiểm tra tiếp tục tái phạm chậm đóng hoặc không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; một số doanh nghiệp cố tình không ký hợp đồng lao động đầy đủ để không đóng BHXH cho người lao động, đóng không đúng mức theo quy định hoặc cố tình chậm đóng hoặc có hành vi bất hợp tác, tránh né khi các đoàn thanh tra đến làm việc. Trong khi đó, chế tài xử lý vi phạm về đóng BHXH, BHYT, BHTN chưa đủ sức răn đe, dẫn đến một số đơn vị sử dụng lao động còn coi thường pháp luật, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người lao động…
Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, ông Đặng Văn Nở, Giám đốc BHXH TP Cần Thơ, kiến nghị: Thành phố cần có chủ trương hỗ trợ thêm một phần mức đóng BHXH tự nguyện (ngoài phần hỗ trợ của ngân sách Trung ương) cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số và phó trưởng ấp/khu vực, trưởng ban công tác Mặt trận ấp/khu vực; người có uy tín trong cộng đồng khi tham gia BHXH tự nguyện từ nguồn ngân sách của thành phố. Đồng thời, đề nghị UBND thành phố kiến nghị đến Bộ Tài chính cho ngân sách Trung ương tăng mức hỗ trợ: hộ nghèo từ 30% lên 60% (tăng thêm 30%); hộ cận nghèo từ 25% lên 50% (tăng thêm 25%); tất cả các đối tượng còn lại từ 10% lên 30% (tăng thêm lên 20%)…
Qua giám sát, bà Đinh Thị Minh Thư, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố, Trưởng đoàn giám sát đề nghị ngành BHXH thành phố đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách bảo hiểm; phối hợp các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, đồng thời cần có giải pháp xử lý tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN...