31/10/2024 - 11:27

Phẫu thuật lấy ngạnh cá tra trong cổ tay nữ bệnh nhân 21 tuổi 

(CTO) - Các bác sĩ Khoa Ngoại lồng ngực - Mạch máu BV Đa khoa TP Cần Thơ vừa phẫu thuật mạch máu lấy ra ngạnh cá tra nằm trong cổ tay của bệnh nhân 21 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Long. Ca mổ đã giúp cô gái thoát khỏi cảm giác tê bì, đau nhức do dị vật suốt hai tháng qua. 

Dị vật là ngạnh xương cá tra trong cổ tay bệnh nhân được lấy ra. Ảnh: BV

Bệnh nhân vào viện với một khối sưng, đau, có nhịp mạch ở cổ tay bên phải. Cô gái cho biết, khoảng 2 tháng trước, trong lúc làm việc, cô bị ngạnh cá tra đâm vào cổ tay. Sau tai nạn, vết thương chảy máu và sưng to khiến cô đau đớn. Bệnh nhân mua thuốc giảm đau về uống, một thời gian sau, chỗ vết thương xuất hiện khối phồng, thường viêm nóng, đỏ và đau vào buổi sáng. Khối phồng này to dần gây cảm giác tê bì ở ngón tay thứ 5 của bệnh nhân.

Qua thăm khám và kết quả siêu âm Doppler mạch máu, chụp cắt lớp vi tính mạch máu, các bác sĩ Khoa Ngoại lồng ngực - mạch máu BV Đa khoa TP Cần Thơ xác định khối giả phồng động mạch trụ, có dị vật kèm theo khối giả phồng. Ê-kíp tiến hành phẫu thuật, cắt khối giả phồng, lấy ra được dị vật là ngạnh xương cá tra. Sau đó, phẫu thuật viên tạo hình và phục hồi lưu thông động mạch trụ. Các bác sĩ cho biết, hiện tại bệnh nhân hết tê tay, vết mổ khô, mạch trụ nảy rõ.

Phẫu thuật viên thực hiện ca mổ loại bỏ khối giả phồng.

BS CKI Trương Đình Hưng, Phó Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - Mạch máu cho biết, khi thành mạch bị một tổn thương nhỏ, máu chảy ra được các mô xung quanh bao bọc, thành hóa, hình thành một khối có nhịp đập theo nhịp mạch. Khối giả phồng này nếu không được can thiệp sớm, lâu dần sẽ to lên, chèn ép các cấu trúc lân cận như thần kinh hoặc chèn ép gây giảm hoặc tắc dòng chảy chính của mạch, gây thiếu máu nuôi phần chi mà động mạch đó nuôi dưỡng.

BS Hưng khuyến cáo, nếu sau khi bị chấn thương hoặc vết thương đâm chọc nhỏ như kim, xương cá đâm vào,… xuất hiện khối sưng to, có nhịp đập theo nhịp mạch, bệnh nhân nên sớm đến các cơ sở y tế để kiểm tra, xử trí kịp thời. Nếu chậm trễ có thể dẫn đến tình trạng chèn ép các cấu trúc lân cận, chèn ép gây tắc mạch, thiếu máu nuôi chi, thậm chí nếu còn dị vật trong khối phình thì rất dễ nhiễm trùng, khó xử trí và nguy hiểm đến tính mạng.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết