25/10/2024 - 08:51

Khai thác giá trị nông nghiệp trong phát triển du lịch tại Phong Điền 

Phong Ðiền được ví von như “lá phổi xanh” của TP Cần Thơ với vùng trồng cây ăn trái rộng lớn, chiếm khoảng một phần ba diện tích trồng cây ăn trái của toàn thành phố. Lợi thế này giúp Phong Ðiền phát triển nhanh du lịch sinh thái và nông nghiệp.

Du khách tham quan và chụp ảnh lưu niệm tại rẫy dưa. Ảnh: TỐ QUYÊN

Tiềm năng du lịch nông nghiệp

Cần Thơ có diện tích đất nông nghiệp 114.034ha; trong đó diện tích cây ăn trái khoảng 25.000ha (chuyên canh 11.880ha), riêng Phong Ðiền có gần 9.000ha trồng cây ăn trái. Ðiểm nổi bật là Phong Ðiền có vùng trồng chuyên canh cây ăn trái rộng lớn, cùng nhiều loại trái cây đặc sản: sầu riêng, dâu Hạ Châu, nhãn Ido, vú sữa… Với lợi thế này, nhiều nhà vườn ở Phong Ðiền chú trọng đầu tư phát triển du lịch từ giá trị nông nghiệp.

Ông Phạm Văn Lơ (thường gọi là Út Lơ), Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nhãn Nhơn Nghĩa (553 ấp Nhơn Phú 1, xã Nhơn Nghĩa), cho biết: “HTX hiện có 29 hộ với tổng diện tích trồng nhãn chuyên canh là 22,5ha. Nhãn được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm nhãn ở đây cũng đã được thành phố công nhận OCOP 4 sao. Bình quân mỗi năm sẽ cho sản lượng 450-500 tấn. Với những điều kiện này chúng tôi mong muốn kết hợp khai thác giá trị nông nghiệp địa phương với du lịch”. HTX Nhãn Nhơn Nghĩa có vị trí khá thuận lợi, gần trục giao thông chính. Từ quốc lộ 61C chỉ cần thêm khoảng 500-600m là đến vùng trồng nhãn của HTX, cách khu du lịch sinh thái Lung Cột Cầu khoảng 200-300m. Các vườn nhãn tại đây rộng và nối liền nhau, có rải vụ cho trái quanh năm, thích hợp để du khách đến trải nghiệm nông nghiệp sạch. Theo chia sẻ của ông Út Lơ, trong năm 2025, HTX Nhãn Nhơn Nghĩa sẽ phát triển thêm dòng sản phẩm nhãn sấy khô.

Tương tự, các vườn cây ở xã Tân Thới có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp. Bà Nguyễn Hồ Phương Thảo, Phó Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Thới, cho biết: “Cây chủ lực ở Tân Thới là sầu riêng, với diện tích 1.249ha trồng sầu riêng chuyên canh, trong đó có 30% diện tích có mã số vùng trồng và tiêu chuẩn VietGAP. Sầu riêng cũng được công nhận OCOP 4 sao. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có HTX Hoa kiểng Tân Long A bình quân cung cấp khoảng 30.000-40.000 chậu hoa các loại mỗi vụ Tết. Ở xã còn có cơ sở sản xuất cá thác lác tươi, thác lác rút xương. Với những điều kiện này, xã Tân Thới định hướng xây dựng điểm đến về du lịch nông nghiệp”. Qua chia sẻ về mong muốn kết hợp làm nông nghiệp với du lịch, ông Huỳnh Văn Hoảnh, Giám đốc HTX Tân Thới 1, nói: “HTX có 57 hộ với tổng diện tích trồng sầu riêng là 38ha, tổng sản lượng ước khoảng 750-800 tấn/năm. Chúng tôi trồng chuyên canh sầu riêng từ những năm 2015, thu nhập từ sầu riêng ổn định và hiện một số thành viên của HTX mong muốn làm du lịch. Tuy nhiên, chúng tôi hiện chưa có kinh nghiệm về du lịch nên đang học hỏi”.

Khai thác hiệu quả giá trị nông nghiệp gắn với du lịch

Quá trình khai thác giá trị nông nghiệp gắn với du lịch tại Phong Ðiền vừa thuận lợi vừa khó khăn. Thuận lợi vì các địa phương đều có vùng trồng chuyên canh, nông dân sản xuất giỏi. Khó khăn là người dân chưa biết cách làm du lịch, chưa biết làm sao để khai thác giá trị nông nghiệp thành sản phẩm du lịch.

Qua khảo sát các điểm đến nông nghiệp trên địa bàn huyện Phong Ðiền, bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà hàng khách sạn và Du lịch Hải Âu Cần Thơ, cho rằng: “Xã Nhơn Nghĩa và xã Tân Thới đều có tiềm năng để phát triển du lịch nông nghiệp. Tại đây, các hộ nông dân có kinh tế nông nghiệp ổn định, có các chứng nhận đảm bảo chất lượng sản phẩm và thành viên các HTX đều có tinh thần học tập, mong muốn làm du lịch. Bước đầu, các địa phương có thể khai thác thế mạnh nông nghiệp để làm sản phẩm du lịch chuyên đề, hướng đến các dòng khách: nông dân học tập kinh nghiệm; học sinh, sinh viên muốn tìm hiểu về nông nghiệp sạch… Về lâu dài, các địa phương cần có định hướng quy hoạch, các chính sách hỗ trợ để người nông dân làm du lịch, tiếp cận thị trường”.

Trên thực tế, tại Phong Ðiền đã có một số điểm vườn khai thác hiệu quả giá trị nông nghiệp trong các hoạt động du lịch. Ðiển hình như các sản phẩm, trải nghiệm đa dạng hiện có tại vườn trái cây Vàm Xáng. Tiến sĩ Lê Thị Tố Quyên, đại diện vườn trái cây Vàm Xáng, chia sẻ: “Qua quá trình học tập, nghiên cứu từ các địa phương trong nước và nước ngoài về mô hình du lịch nông nghiệp, kết hợp thực tế trong các hoạt động du lịch tại vườn nhà, tôi nhận ra rằng muốn thu hút du khách thì sản phẩm du lịch phải có sự khác biệt và điều đó đến từ văn hóa bản địa. Do đó, bên cạnh các sản phẩm quen thuộc, vườn trái cây Vàm Xáng hiện có thêm nhiều sản phẩm, như dỡ chà mùng bắt cá, sản phẩm du lịch nông nghiệp từ cây lúa, nấm rơm, nương rẫy… Những sản phẩm này đều dựa trên những tập quán sinh hoạt đời thường của người dân và điều đó lại có sức hút với du khách, nhất là khách quốc tế”. Theo đó, những dòng sản phẩm du lịch nông nghiệp tại vườn trái cây Vàm Xáng đều là những trải nghiệm sâu, bám sát đời sống của người dân Phong Ðiền. Du khách không chỉ ngắm lúa mà còn gặt lúa; hay hái bắp ở rẫy rồi luộc, nướng tại chỗ… Như vậy, các sản phẩm du lịch nông nghiệp trở nên đa dạng và có sức hút riêng.

Du khách quốc tế với trải nghiệm ngoài đồng lúa. Ảnh: TỐ QUYÊN

Hiện nay TP Cần Thơ đang triển khai đề án “Phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó xác định khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên trong nông nghiệp gắn với phát triển du lịch theo định hướng phát triển bền vững, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm, góp phần làm đa dạng hóa hệ thống sản phẩm, dịch vụ du lịch tại Cần Thơ; xây dựng thương hiệu du lịch nông nghiệp Cần Thơ… Trên cơ sở khảo sát thực tế, ngành Du lịch thành phố xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp phù hợp; đồng thời có những tham mưu, đề xuất các chính sách, cơ chế phù hợp để thúc đẩy du lịch nông nghiệp phát triển. Trong đó, Phong Ðiền được xác định là một trong những địa phương chủ lực để hoạch định và xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch nông nghiệp.

Bên cạnh đó, UBND TP Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch số 107/KH-UBND về Triển khai thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới đến năm 2025, trong đó xác định “đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh, gắn với phát triển du lịch nông thôn, sản phẩm OCOP và các giá trị tài nguyên văn hóa bản địa, thế mạnh của từng địa phương. Ðồng thời triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng mạng lưới điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới”.

Cụ thể, Cần Thơ đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn, phấn đấu có ít nhất một điểm du lịch được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch... Ðể đạt được mục tiêu, Cần Thơ sẽ tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc đặc trưng của thành phố, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng; phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn chất lượng cao. Ðồng thời xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững…

Từ những định hướng này của thành phố, huyện Phong Ðiền là địa phương có đủ điều kiện thuận lợi để xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp, trong đó có nhiều mô hình khá thành công với cách xây dựng độc đáo, như vườn trái cây Vàm Xáng với các sản phẩm du lịch nông nghiệp truyền thống, hay Mekong Silt Ecolodge với các sản phẩm du lịch nông nghiệp tuần hoàn… đều thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế. Vì vậy, Phong Ðiền cần được chú trọng đầu tư và tạo điều kiện để phát huy giá trị nông nghiệp trong du lịch.

ÁI LAM

Chia sẻ bài viết