31/10/2024 - 16:03

Nhiều phương pháp cổ truyền trị đau lưng và thần kinh tọa 

Khoảng 50-80% người trưởng thành mắc bệnh đau lưng và từ 5-10% đau thần kinh tọa. Theo TS.BS Lê Minh Hoàng, Trưởng khoa Y học cổ truyền Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, có nhiều phương pháp y học cổ truyền và bài thuốc dân gian điều trị hiệu quả các bệnh lý này, giúp người bệnh giảm đau, mau hồi phục sức khỏe.

TS.BS Lê Minh Hoàng, Trưởng khoa Y học cổ truyền Trường Đại học Y dược Cần Thơ thăm khám cho bệnh nhân.

TS.BS Lê Minh Hoàng cho biết, các nguyên nhân dẫn đến bệnh đau lưng, đau thần kinh tọa tương đối giống nhau, chia làm hai nhóm, là nhóm xuất phát từ vùng cột sống thắt lưng và nhóm ngoài vùng cột sống thắt lưng. Ở vùng cột sống thắt lưng, nguyên nhân gây đau phổ biến là do thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống thắt lưng, xẹp lún đốt sống hoặc một số bệnh lý như viêm cột sống dính khớp, chấn thương cột sống, trượt thân đốt sống,… Còn ở vùng ngoài cột sống thắt lưng, bệnh nhân đau liên quan đến tình trạng sỏi thận, suy thận, viêm nhiễm đường tiết niệu. Ngoài ra, cũng có thể do u lao cột sống, co cứng cơ sau khi tập luyện. Đau thần kinh tọa được nhận diện với triệu chứng điển hình là đau lan dọc theo đường thần kinh tọa, khiến người bệnh đi lại, vận động khó khăn. Còn đau lưng thường chỉ đau khu trú tại vùng thắt lưng mà không lan ra. Thông qua các triệu chứng lâm sàng và các kết quả cận lâm sàng như chụp X-quang, cộng hưởng từ, siêu âm ổ bụng và xét nghiệm công thức máu, bác sĩ có thể chẩn đoán được nguyên nhân và mức độ bệnh.

Theo TS.BS Lê Minh Hoàng, đối tượng có nguy cơ cao mắc các bệnh đau lưng, đau thần kinh tọa gồm người lao động nặng, người làm công việc phải ngồi nhiều, quá trình làm việc có những động tác sai tư thế; tiếp xúc với môi trường lạnh ẩm và người cao tuổi bị thoái hóa cột sống. Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất đối với bệnh lý thần kinh tọa là thoát vị đĩa đệm chèn ép tủy sống, gây liệt hai chi dưới khiến bệnh nhân không thể đi lại. Người đã bị thoát vị, thoái hóa cột sống, nếu tiếp tục vận động không đúng cách có thể sẽ dẫn đến tổn thương nặng nề hơn.

Sau khi thăm khám và chẩn đoán, các bác sĩ y học cổ truyền sẽ tiến hành điều trị đau lưng, đau thần kinh tọa bằng các thuốc tân dược, các bài thuốc đông dược cũng như các phương pháp không dùng thuốc, tùy vào thể trạng, tình trạng bệnh nhân. Phương pháp dùng thuốc bao gồm một số thuốc có nguồn gốc thảo dược có tác dụng giảm đau và nâng cao tổng trạng. Các phương pháp không dùng thuốc như châm cứu, điện châm, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt, vật lý trị liệu, các bài tập phục hồi chức năng.

Hiện rất nhiều phương pháp vật lý trị liệu trong điều trị giảm đau cho người mắc các bệnh thần kinh, cơ xương khớp. Một số phương pháp như siêu âm, laser công suất thấp, sóng ngắn, điện trị liệu, thủy trị liệu, có tác dụng tăng toàn hoàn máu, làm giãn cơ, giúp giảm đau. Tuy nhiên mỗi phương pháp đều có chỉ định và chống chỉ định.

Châm cứu là một trong những phương pháp y học cổ truyền nổi tiếng, được sử dụng nhiều nhất trong các phương pháp không dùng thuốc. Theo hướng dẫn điều trị đau của Tổ chức Y tế Thế giới, châm cứu là một trong những phương pháp tin cậy trong việc điều trị giảm đau cho bệnh nhân. Nhiều nghiên cứu cho thấy châm cứu có tác dụng giảm đau rất hiệu quả, đặc biệt đối với những bệnh nhân có triệu chứng đau do các bệnh lý liên quan đến thần kinh và cơ xương khớp. Bên cạnh châm cứu, ngày nay y học cổ truyền có những phương pháp hiện đại hơn đó là điện châm và thủy châm, có hiệu quả tương đương với phương pháp châm cứu thông thường.

Xoa bóp bấm huyệt cũng là một phương pháp không dùng thuốc trong y học cổ truyền, làm lưu thông khí huyết, giúp bệnh nhân cải thiện tình trạng đau nhức ở thắt lưng cột sống. Đây là phương pháp rất phổ biến trong hỗ trợ điều trị đau lưng, đau thần kinh tọa.

Ngoài ra, trên thị trường hiện có nhiều loại cao dán, dầu xoa bóp có nguồn gốc thảo dược, được chứng minh có hiệu quả giảm đau, giãn cơ; một số sản phẩm còn có tác dụng kháng viêm. Nhiều bài thuốc nam, bài thuốc cổ phương, dân gian, gia truyền cũng được chứng minh trên lâm sàng có tác dụng điều trị đau lưng, đau thần kinh tọa. Tuy nhiên, bác sĩ lưu ý, đối với các bài thuốc nam hay các phương pháp gia truyền chưa được Bộ Y tế công nhận, cấp phép lưu hành, người dùng cần thận trọng sử dụng vì tiềm ẩn nguy cơ tác dụng phụ, biến chứng, gây hại cho sức khỏe. Tương tự, các loại thuốc đắp, dán chứa thành phần có tác dụng giảm đau mạnh, trước khi sử dụng cũng cần tìm hiểu rõ nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.

Theo TS.BS Lê Minh Hoàng, mặc dù các phương pháp y học cổ truyền có hiệu quả trong điều trị bệnh đau lưng, đau thần kinh tọa, tuy nhiên, một số trường hợp cần được chuyển đến cơ sở y tế chuyên khoa sớm để tầm soát, can thiệp kịp thời, hiệu quả. Như trường hợp bệnh nhân có cơn đau cấp tính, đau dữ dội, không đi lại được, có nguy cơ yếu liệt chi, không tự chủ tiêu tiểu. Bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm có chèn ép tủy sống, sức cơ yếu liệt, rối loạn cơ vòng. 

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết