Rạng sáng 30-10 theo giờ Việt Nam, Trung Quốc đã phóng tàu vũ trụ Thần Châu-19 mang theo 3 nhà du hành lên Trạm vũ trụ Thiên Cung. Tại đây, nhóm sẽ tiến hành các thí nghiệm hướng tới mục tiêu đầy tham vọng là đưa phi hành gia lên Mặt trăng vào năm 2030 trước khi xây dựng một căn cứ trên hành tinh này.
Các phi hành gia Trung Quốc đi trên tàu Thần Châu-19. Ảnh: AFP
Theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ có người lái Trung Quốc, vào lúc 10h sáng 30-10, tàu vũ trụ Thần Châu-19 đã lắp ghép thành công với Trạm Thiên Cung ở độ cao 400km phía trên Trái đất.
Các phi hành gia trên tàu Thần Châu-19 sẽ đảm nhiệm quyền chỉ huy Trạm Thiên Cung sau khi các đồng nghiệp trong sứ mệnh Thần Châu-18 trở về Trái đất trong vài ngày tới.
Trong 6 tháng trên Trạm Thiên Cung, nhóm phi hành gia tàu Thần Châu-19 sẽ tiến hành 86 nghiên cứu khoa học, trong đó đáng chú ý là các thí nghiệm liên quan đến “gạch” được làm từ những thành phần mô phỏng đất Mặt trăng.
Do chi phí vận chuyển vật liệu vào không gian rất cao, các nhà khoa học Trung Quốc hy vọng có thể sử dụng đất Mặt trăng để xây dựng căn cứ trong tương lai.
Trung Quốc đã đẩy mạnh kế hoạch hiện thực hóa “giấc mơ không gian” dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. Chương trình không gian của Bắc Kinh là chương trình thứ ba đưa con người lên quỹ đạo và cũng đã phóng các xe tự hành lên sao Hỏa và Mặt trăng. Được vận hành bởi các nhóm gồm 3 phi hành gia luân phiên nhau 6 tháng một lần, Trạm Thiên Cung là “viên ngọc quý” của chương trình này.
Trung Quốc đã hoàn thành Trạm Thiên Cung hình chữ T gồm 3 mô-đun vào cuối năm 2022, đồng thời đặt mục tiêu duy trì trạm này luôn có người ở và hoạt động trong ít nhất một thập niên. Do đó, Thiên Cung có thể là trạm vũ trụ duy nhất trên quỹ đạo khi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) chấm dứt hoạt động vào năm 2030.
Trạm Thiên Cung có kích thước bằng khoảng 20% ISS, nhưng Trung Quốc đang tìm cách mở rộng năng lực của trạm bằng các mô-đun khác và tàu vũ trụ mới trong những năm tới.
Theo Li Ming, Chủ tịch Ủy ban khoa học và công nghệ thuộc Viện Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc (CAST), việc nâng cấp Thiên Cung sẽ diễn ra theo một số bước, mà đầu tiên là cập nhật mô-đun lõi Thiên Hà của trạm vũ trụ để có thể tiếp nhận thêm các mô-đun.
Với mục đích đó, ông Li cho biết Trung Quốc đang muốn chuyển đổi Trạm Thiên Cung từ hình chữ T hiện nay thành hình chữ thập trong tương lai. Điều này sẽ cho phép Trung Quốc gửi nhiều giá đỡ thí nghiệm khoa học vũ trụ hơn và các thí nghiệm bên ngoài tàu vũ trụ lớn.
Một nâng cấp khác là phát triển tàu vũ trụ tái tạo. Tàu vũ trụ đa năng mang tên Mạnh Châu sẽ có 2 biến thể: một để đưa phi hành đoàn lên Mặt trăng và một để đưa phi hành đoàn lên Thiên Cung.
Trung Quốc đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm mẫu của tàu vũ trụ Mạnh Châu hồi năm 2020. Chuyến bay đầy đủ đầu tiên của tàu này dự kiến diễn ra vào năm 2027 và nó sẽ được phóng bằng một biến thể quỹ đạo Trái đất thấp (LEO) của tên lửa Trường Chinh 10 đang được phát triển.
Trung Quốc hiện đang gửi các phi hành gia của mình đến LEO trên tàu Thần Châu, lớn hơn tàu vũ trụ Soyuz của Nga.
Giống như tàu vũ trụ, tên lửa Trường Chinh 10 cũng sẽ có 2 biến thể: một phục vụ cho sứ mệnh bay lên LEO và một cho Mặt trăng. Cả Trường Chinh 10 và tàu vũ trụ mới đều là một phần không thể thiếu trong kế hoạch đưa các phi hành gia lên Mặt trăng vào năm 2030 của Trung Quốc.
Sự nâng cấp cuối cùng là một kính viễn vọng không gian lớp Hubble cùng quỹ đạo có thể kết nối với Trạm Thiên Cung để bảo trì, sửa chữa và nâng cấp tiềm năng. Đây sẽ là sự bổ sung đáng kể cho các nỗ lực thiên văn học toàn cầu.
HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)