11/05/2024 - 22:50

Điểm tựa từ chính sách tài khóa

Năm 2024, Chính phủ dự kiến sẽ duy trì chính sách tài khóa tương đối mở rộng để hỗ trợ nền kinh tế. Theo ước tính của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB), trong năm 2024, bội chi ngân sách được dự báo sẽ tiếp tục được mở rộng đến 1,6% GDP, do thu ngân sách tiếp tục yếu, còn chi ngân sách dự kiến sẽ tăng do dự kiến tăng lương cùng với các nỗ lực nhằm tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công. Bội chi ngân sách được dự báo sẽ giảm xuống còn 1,1% vào năm 2025 và giảm thêm xuống 1% vào năm 2026. Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 được cho là tích cực, nhờ các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc phục hồi tốt hơn. Ðồng thời khi Hoa Kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ, chênh lệch lãi suất giữa thị trường trong nước và quốc tế có thể được thu hẹp, nới lỏng chi phí huy động vốn trên toàn cầu, với tiềm năng đem lại tác động lan tỏa tích cực sang khu vực tài chính và ngân hàng ở Việt Nam.

Theo các chuyên gia, các biện pháp chính sách tài khóa mở rộng được duy trì có thể hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Và chỉ cần tăng đầu tư công thêm một điểm phần trăm GDP có thể dẫn đến GDP tăng thêm 0,1%. Nhờ tình hình tài khóa được củng cố trong những năm gần đây, hiện dư địa tài khóa vẫn còn để tiếp tục thực hiện hỗ trợ có mục tiêu. Trong giải pháp chính sách tài khóa cần tiếp đà những cải cách trong thời gian qua, các bước nhằm giảm nhẹ rủi ro và nguy cơ dễ tổn thương trong khu vực tài chính trong thời gian tới vẫn hết sức cần thiết. Bởi dư địa thực hiện giảm lãi suất không nhiều do Fed vẫn neo lãi suất cao, tác động lan tỏa đến các nền kinh tế toàn cầu và làm tăng đáng kể nợ công ở nhiều quốc gia đang phát triển. Vì vậy, chính sách tài khóa là “điểm tựa” cho động lực phục hồi kinh tế trong ngắn hạn, khi chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa.

Có thể thấy rằng, giai đoạn 2020-2023, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, địa phương đã triển khai khá hiệu quả các chính sách tài khóa hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Theo Bộ Tài chính, các giải pháp hỗ trợ tài chính (gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường…) có quy mô khoảng 700.000 tỉ đồng. Trong đó, năm 2020 quy mô các giải pháp hỗ trợ tài chính thực hiện khoảng 129.000 tỉ đồng, năm 2021 khoảng 145.000 tỉ đồng, năm 2022 khoảng 233.000 tỉ đồng và năm 2023 khoảng 193.400 tỉ đồng. Một số chính sách tài khóa sẽ tiếp tục mở rộng trong năm 2024 để hỗ trợ nền kinh tế; ước trong 4 tháng đầu năm 2024, số tiền miễn, giảm thuế, phí, lệ phí khoảng 31.000 tỉ đồng, góp phần tích cực tạo nên các động lực cho phục hồi, tăng trưởng kinh tế năm 2024.

Chia sẻ bài viết