11/05/2024 - 08:04

Nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục 

Trong thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác quản lý và dạy học được xem là giải pháp đột phá. Tại TP Cần Thơ, việc ứng dụng CNTT đã giúp toàn ngành GD&ĐT chủ động trong công tác; giáo viên, học sinh năng động sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy và học.

Giờ học có ứng dụng CNTT của cô trò Trường TH Bình Thủy 2.

Hiệu quả thiết thực trong dạy và học

Giờ học bài Ðịa đạo Củ Chi (sách giáo khoa Lịch sử và Ðịa lý 4) của học sinh lớp 4A5 Trường Tiểu học (TH) Bình Thủy 2, với sự dẫn dắt của cô Nguyễn Thị Linh Chi, diễn ra sinh động. Cô giáo ứng dụng CNTT đưa hình ảnh vào bài học, sau đó đặt câu hỏi, khuyến khích học sinh mạnh dạn trả lời. Em Trần Thanh Hương cho biết rất thích giờ học có ứng dụng CNTT vì có nhiều hình ảnh đẹp và nhớ bài lâu. “Em hiểu hơn về sự đấu tranh gian khổ của ông cha ngày xưa để đất nước hòa bình, độc lập”, Hương nói.

Theo cô Nguyễn Thị Linh Chi, để xây dựng giáo án ứng dụng CNTT, giáo viên tìm hiểu nội dung bài giảng, các thông tin liên quan với bài học ở các tài liệu chính thống và đọc lịch sử địa phương... để truyền đạt kiến thức chính xác nhất đến học sinh. Cô cho biết việc sưu tầm hình ảnh, video clip minh họa bài giảng, tổ chức các trò chơi... tạo hứng thú, giúp học sinh tiếp thu kiến thức nhẹ nhàng hơn. Cô cũng cho biết thêm bây giờ học sinh rất giỏi về CNTT, giáo viên không chịu khó tự học sẽ khó theo kịp các em. Cô Chi tâm tình: “Ðể ứng dụng tốt CNTT, bên cạnh bản thân tôi tự học, thì lãnh đạo nhà trường hỗ trợ và tạo điều kiện cho giáo viên được tập huấn. Các trang thiết bị dạy và học cũng được đầu tư nhiều”.

Năm học 2023-2024, Trường TH Bình Thủy 2 có 1.061 học sinh/29 lớp, với hơn 40 giáo viên và 100% thầy cô đã ứng dụng CNTT vào giảng dạy. Trường trang bị đầy đủ thiết bị dạy và học, ti vi, máy chiếu, phục vụ công cuộc chuyển đổi số, ứng dụng CNTT. Cô Ðồng Thị Thúy, Phó hiệu trưởng Trường TH Bình Thủy 2, cho biết: Giáo viên trong các tổ, khối hỗ trợ lẫn nhau trong thiết kế bài giảng trình chiếu. Việc ứng dụng CNTT giúp giáo viên thuận lợi trong giảng dạy; tạo hứng thú và nâng cao năng lực học tập của học sinh. Vừa qua, trường có 3 học sinh thi và đạt giải Tin học trẻ thành phố.

Tại Trường TH Long Hòa 1, năm học này có 715 học sinh, 27 giáo viên (trong tổng số 34 cán bộ, giáo viên, nhân viên). Những năm qua, 100% cán bộ, giáo viên của trường đã ứng dụng CNTT vào quản lý, giảng dạy. Tất cả 21 lớp học ở trường có ti vi phục vụ cho giáo viên. Cô Lê Thị Hoài Thanh, Hiệu trưởng Trường TH Long Hòa 1, cho biết để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, việc ứng dụng CNTT rất cần thiết, vì hỗ trợ giáo viên nâng cao hiệu quả dạy học. Trường quan tâm chỉ đạo và đặt mục tiêu tất cả giáo viên thực hiện ứng dụng CNTT trong tiết dạy. Nhờ đó chất lượng giáo dục của trường được nâng cao hơn; học sinh tham gia và đạt giải các hội thi trên Internet được nâng lên cả về số lẫn chất lượng; học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt trên 99%.

Triển khai thí điểm Học bạ số

Ngành GD&ÐT quận Bình Thủy hiện có hơn 1.000 cán bộ, giáo viên. Cơ sở hạ tầng, thiết bị kỹ thuật ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong ngành được quan tâm, đầu tư hằng năm, đảm bảo phục vụ công tác quản lý, dạy và học. Theo bà Nguyễn Kiều Phương, Trưởng Phòng GD&ÐT quận Bình Thủy, việc ứng dụng CNTT trong giáo dục đã được ngành và các cơ sở giáo dục triển khai từ nhiều năm trước. Ðến nay, hầu hết cán bộ quản lý và giáo viên của quận đã có kỹ năng rất tốt khi ứng dụng CNTT. Nếu trước đây, việc ứng dụng CNTT chỉ trong những tiết thao giảng ở một số bộ môn; thì nay đã có trong từng tiết học, trở thành nhu cầu tất yếu của mỗi giáo viên. Bà Nguyễn Kiều Phương cho biết ứng dụng CNTT là phương tiện để giáo viên, học sinh có sự tương tác, kết nối thuận tiện, giúp chuyển tải các kiến thức đạt hiệu quả. Kỹ năng ứng dụng CNTT của giáo viên được nâng lên; học sinh hứng thú học, có thêm nhiều kỹ năng, kiến thức… Hiệu quả thấy rõ là ở các cuộc thi trên Internet có số lượng học sinh tham gia ngày càng đông và đạt giải cao, góp phần nâng cao chất lượng GD&ÐT của quận Bình Thủy.

Hiện nay, ngành Giáo dục thành phố nói chung, các quận huyện, trường học nói riêng tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng CNTT. Có 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố ứng dụng CNTT quản lý hồ sơ và sổ sách, hồ sơ điện tử; thực hiện thu học phí, các khoản thu khác không dùng tiền mặt; thông tin giữa Sở và các cơ sở giáo dục triển khai thông qua hệ thống trực tuyến và mạng nội bộ, để ngành quán triệt, chuyển tải thông tin. 100% giáo viên đã vận hành và thực hiện giáo án, bài giảng điện tử thông qua ứng dụng CNTT. Hằng năm, ở các kỳ thi như tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh lớp 10, việc thực hiện các khâu từ đăng ký dự thi, điều chỉnh nguyện vọng, thông tin kết quả cho thí sinh… gần như thực hiện trên nền tảng số hóa. Anh Nguyễn Trung Kiên (ngụ quận Ninh Kiều), có con gái đang học lớp 9 Trường THCS Lương Thế Vinh, cho biết: Nhờ CNTT mà các thông tin tuyển sinh lớp 10 TP Cần Thơ, điểm chuẩn trúng tuyển hằng năm của các trường THPT được dễ dàng tìm thấy qua website của Sở GD&ÐT thành phố, của các trường. Cô Trương Thị Cẩm Thúy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Ðại Nghĩa, cho biết những năm gần đây, Bộ GD&ÐT tổ chức đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến, điều này giúp tiết kiệm thời gian, công sức giáo viên và giảm chi phí in ấn các phiếu đăng ký dự thi. Thông tin của học sinh được nhập lên hệ thống nhanh chóng, chính xác hơn.

Mới đây, Sở GD&ÐT TP Cần Thơ ban hành Kế hoạch triển khai thí điểm Học bạ số các trường phổ thông; với mục đích xây dựng, hoàn thiện mô hình, quy trình quản lý, sử dụng Học bạ số làm cơ sở để triển khai Học bạ số thống nhất trên địa bàn thành phố. Thời gian thực hiện kế hoạch từ tháng 4-2024 và chỉ thực hiện thí điểm đối với các khối lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11 năm học 2023-2024. Phạm vi thí điểm là các cơ sở giáo dục có thực hiện Chương trình GDPT bảo đảm các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, chủ động về nhân lực, nguồn lực để thực hiện các giải pháp, nội dung, yêu cầu đối với Học bạ số; bảo đảm 100% cơ sở GDPT tham gia thực hiện thí điểm. Các quận, huyện, trường học trên địa bàn đang tâm thế chuẩn bị cho công cuộc thí điểm này. Cô Lê Thị Hoài Thanh, Hiệu trưởng Trường TH Long Hòa 1, cho biết nhà trường bước đầu triển khai các văn bản hướng dẫn triển khai thí điểm Học bạ số đến tất cả giáo viên; tạo điều kiện cho giáo viên học tập, nghiên cứu tài liệu, sẵn sàng thực hiện kế hoạch.

Theo bà Nguyễn Kiều Phương, Trưởng Phòng GD&ÐT quận Bình Thủy, ngành đã triển khai các văn bản theo chỉ đạo của Sở về thí điểm Học bạ số trong các trường phổ thông. Quận đang chờ nhà mạng hỗ trợ cấp tài khoản cho cán bộ, giáo viên để triển khai công tác này. Ðồng thời đã chuẩn bị nguồn số liệu giáo viên, học sinh…; tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên tham gia các lớp tập huấn của nhà mạng. Từ đó đảm bảo thực hiện thí điểm Học bạ số các trường phổ thông đạt hiệu quả. “Tôi nghĩ rằng, việc chuyển từ học bạ giấy sang Học bạ số là một hình thức phù hợp với xu thế hiện nay. Việc cập nhật thông tin đạt hiệu quả, chính xác, kịp thời hơn”, bà Nguyễn Kiều Phương chia sẻ.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết