11/05/2024 - 21:45

Kiên định vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh để phát triển báo chí - truyền thông 

Trong khuôn khổ đề tài khoa học cấp Nhà nước “Nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông (BC-TT) Việt Nam thời kỳ đổi mới”. Học viện Báo chí và Tuyên truyền thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, phối hợp Học viện Chính trị khu vực IV và Tạp chí Lý luận chính trị, thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đồng chủ trì tổ chức tọa đàm khoa học “Thực trạng nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển BC-TT Việt Nam thời kỳ đổi mới”. Tại tọa đàm, lãnh đạo các viện, trường, cơ quan báo chí, nhà khoa học đã có những ý kiến tâm huyết, đầy trách nhiệm. Phóng viên Báo Cần Thơ lược ghi một số ý kiến.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

PGS.TS Mai Ðức Ngọc, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền: 
Giá trị trong tư tưởng Hồ Chí Minh là bất biến, là “kim chỉ nam” cho sự phát triển của BC-TT

Trải qua gần 100 năm hình thành và phát triển, tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng vẫn luôn là điểm tựa vững chắc nhất cho nền BC-TT nước nhà, để từ đó BC-TT luôn đồng hành cùng đất nước đi qua những năm tháng cách mạng rất oanh liệt và cũng rất vẻ vang. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng và sự nghiên cứu, vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong suốt quá trình cách mạng, BC-TT Việt Nam không ngừng trưởng thành về mọi mặt, sản sinh ra những thế hệ nhà báo, phóng viên “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, luôn xứng đáng là lực lượng nòng cốt trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Ðảng, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới.

Vấn đề lớn nhất đặt ra hiện nay là cần có nhận thức chung và quan điểm nhất quán về nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh phát triển BC-TT trong bối cảnh mới. Những giá trị trong tư tưởng Hồ Chí Minh là bất biến và tiếp tục là “kim chỉ nam” cho sự phát triển của BC-TT trong nước, nhưng cần phải được hiểu và vận dụng, phát triển sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Bên cạnh đó, cũng cần phải đặt vấn đề nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là những tư tưởng của Người liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu đối với người làm báo, đối với sản phẩm báo chí, đặt trong bối cảnh phát triển hiện nay, nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế, chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước về phát triển BC-TT…

Nhà báo Trương Văn Chuyển, Chủ tịch Hội Nhà báo TP Cần Thơ, Tổng biên tập Báo Cần Thơ: 
Tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp và giữ gìn uy tín của người làm báo Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có BC-TT. Người xác định báo chí phải phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, và “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Ðể làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng…”. Các cơ quan báo chí và mỗi người làm báo phải vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển BC-TT trong thời kỳ đổi mới, không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội để hoàn thành tốt trọng trách được giao.

Trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mạng xã hội phát triển ồ ạt, đặt ra nhiều vấn đề trong hoạt động báo chí và với từng người làm báo. Hội Nhà báo Việt Nam đã kịp thời ban hành Bộ Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, bao gồm 3 Chương và 7 Ðiều có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1-1-2019, là cơ sở quan trọng để Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp ở các cấp căn cứ để xử lý những hành vi vi phạm đạo đức của người làm báo khi tham gia mạng xã hội, góp phần quan trọng trong công tác giữ gìn và bảo vệ đạo đức nghề nghiệp và uy tín của người làm báo Việt Nam.

Chúng ta đang sống trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, nhất là công cuộc chuyển đổi số đã và đang diễn ra trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có báo chí, với nhiều cơ hội và thách thức. Ðặc biệt, hiện nay các cơ quan báo chí phải cạnh tranh quyết liệt với mạng xã hội… Ðiều đó đòi hỏi các nhà báo, từ cán bộ quản lý đến biên tập viên, phóng viên phải không ngừng nỗ lực, đổi mới, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

PGS.TS Ðinh Thị Thu Hằng, Phó Viện trưởng Viện BC-TT, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: 
Ðề cao năng lực nhà báo cách mạng, khắc đậm giá trị cốt lõi của báo chí

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà báo cần có những năng lực cụ thể như cần nhạy cảm và biết khai thác, sử dụng thông tin; thông tin cần phải phù hợp với lợi ích của dân tộc, của nhân dân. Người căn dặn trước khi cầm bút viết, mỗi nhà báo phải tự đặt câu hỏi cho chính mình, đó là viết cho ai xem, viết để làm gì, viết như thế nào; viết phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc. Người làm báo cần có óc phân tích, năng lực khái quát để nhận ra những vấn đề cấp thiết; phải học phân tích để nhận diện bản chất của vấn đề, cái lợi hay hại của các thông tin đăng tải... Tuy nhiên, hiện nay, có tình trạng một số nhà báo thiếu nhạy cảm chính trị, để lộ, lọt bí mật của Nhà nước hay là đưa thông tin nhạy cảm. Bên cạnh đó, có một số nhà báo thiếu tinh thông nghiệp vụ, đưa tin thiếu kiểm chứng. Một số nhà báo chỉ sử dụng mạng xã hội, internet để xào, xáo, copy, không thâm nhập thực tế, không đi vào đời sống của quần chúng nhân dân như lời căn dặn của Bác Hồ. Và báo chí cũng xuất hiện tình trạng bị động khi để cho mạng xã hội dẫn dắt, trong khi vai trò của báo chí là xung kích, đi đầu, tiên phong trên mặt trận thông tin…

Trong định hướng của Ðảng và Nhà nước, quản lý của Nhà nước cũng như quản lý của cơ quan báo chí và trong đào tạo báo chí, điểm mấu chốt là phải khắc đậm các giá trị cốt lõi của báo chí. Khi báo chí còn giữ được các giá trị cốt lõi thì vị trí của nhà báo không thể bị thay thế. Không có một mạng xã hội nào có thể đưa thông tin chính xác, chuyên nghiệp, với độ tinh thông, chắt lọc như các nhà báo. Không một cư dân mạng nào có thể có quyền tiếp cận các nguồn tin khác nhau để đưa thông tin đa chiều chính xác, khách quan như các nhà báo. Cho nên các giá trị cốt lõi cần được khắc đậm, đặc biệt là đảm bảo tính khách quan, chính xác, tính định hướng, tính hệ thống, tính chiều sâu thông tin cần được các nhà báo làm rõ hơn, đậm hơn qua các thông tin mỗi ngày.

TS. Nguyễn Thị Kiều Oanh, Phó Trưởng Bộ môn Ngữ văn, Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường Ðại học Cần Thơ: 
Tạo điều kiện để người làm báo tiếp cận với những vấn đề mới, củng cố lại nền tảng lý luận...

Ở miền Nam, ngoài Trường Ðại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh là cơ sở đào tạo ngành Báo chí duy nhất từ trước đến nay; năm 2024, Trường Ðại học Cần Thơ đã được cho phép đào tạo ngành Báo chí trình độ đại học. Ðây sẽ là môi trường đào tạo và cung cấp đội ngũ những người làm báo chí, truyền thông đúng chuyên ngành cho khu vực ÐBSCL trong thời gian tới. Với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực không chỉ có kiến thức chuyên môn toàn diện trong lĩnh vực báo chí mà còn có kiến thức chuyên ngành mở rộng về truyền thông, giúp người học có kỹ năng nghề nghiệp vững vàng với mục tiêu cuối cùng là sau khóa học, sinh viên có đủ năng lực để làm việc tại các cơ quan báo chí, truyền thông, các tổ chức chính trị, xã hội thuộc lĩnh vực liên quan và có khả năng học tiếp ở bậc học cao hơn. Ðiều này sẽ góp phần giải bài toán khát đội ngũ nhà báo đúng chuyên ngành của vùng ÐBSCL.

Ngoài ra, các cơ quan báo chí địa phương tại ÐBSCL nên tăng cường hơn nữa công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ những người làm báo để họ tiếp cận với những vấn đề mới, củng cố lại nền tảng lý luận, cập nhật những xu hướng làm báo mới, nghiên cứu thêm những vấn đề mới phát sinh, đặc biệt là tập huấn những kỹ năng tác nghiệp cho nhà báo đa phương tiện trong môi trường truyền thông số. Có như vậy nhà báo mới bắt kịp các xu hướng mới của báo chí thế giới hay các cơ quan báo chí đi đầu trong nước.

VĂN THỨC - MINH HUYỀN (lược ghi)

Chia sẻ bài viết