27/04/2025 - 18:50

Quyền được trợ giúp pháp lý của người khuyết tật 

Trợ giúp pháp lý (TGPL) là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được TGPL trong vụ việc TGPL theo quy định. Pháp luật ghi nhận và quy định quyền TGPL của những người yếu thế, trong đó có người khuyết tật (NKT), góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.


Trợ giúp viên pháp lý truyền thông quy định Luật TGPL cho NKT tại huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.

 

Luật NKT năm 2010 quy định, NKT được bảo đảm các quyền: tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội; sống độc lập, hòa nhập cộng đồng; được miễn hoặc giảm một số khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội; được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm, TGPL, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật...

Theo ông Lưu Ngọc Sĩ, trợ giúp viên pháp lý, Trung tâm TGPL Nhà nước TP Cần Thơ, NKT có khó khăn về tài chính (là người thuộc hộ cận nghèo hoặc được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng) được quyền yêu cầu tổ chức thực hiện TGPL cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của Luật TGPL. Ngoài ra, NKT được hưởng TGPL khi thuộc một trong các trường hợp sau: NKT là người có công với cách mạng, NKT là người thuộc diện hộ nghèo, NKT là trẻ em, NKT là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Giấy tờ chứng minh là NKT có khó khăn về tài chính gồm một trong các loại giấy tờ sau: giấy chứng nhận hộ cận nghèo kèm theo giấy chứng nhận khuyết tật do cơ quan có thẩm quyền cấp; giấy tờ quyết định hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng; quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội.

NKT có khó khăn về tài chính được quyền yêu cầu tổ chức thực hiện TGPL cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí trong các vụ việc dân sự, hình sự, hành chính, đất đai… có liên quan đến quyền và lợi ích của mình bằng hình thức: tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng. Quyền của NKT khi được TGPL miễn phí được quy định như sau: NKT được TGPL mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác; tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu TGPL; được thông tin về quyền được TGPL, trình tự, thủ tục TGPL khi đến tổ chức thực hiện TGPL và các cơ quan nhà nước có liên quan; yêu cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc TGPL; lựa chọn một tổ chức thực hiện TGPL và người thực hiện TGPL tại địa phương trong danh sách được công bố; yêu cầu thay đổi người thực hiện TGPL theo quy định pháp luật; thay đổi, rút yêu cầu TGPL; được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; khiếu nại, tố cáo về TGPL theo quy định.

Bên cạnh quyền lợi, NKT phải có nghĩa vụ: cung cấp giấy tờ chứng minh là người được TGPL; hợp tác, cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc TGPL và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu, chứng cứ đó; tôn trọng tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến vụ việc TGPL; không yêu cầu tổ chức thực hiện TGPL khác TGPL cho mình về cùng một vụ việc đang được một tổ chức thực hiện TGPL thụ lý, giải quyết; chấp hành pháp luật về TGPL và nội quy nơi thực hiện TGPL.

Người thuộc đối tượng TGPL có yêu cầu về TGPL, hãy liên hệ: Trung tâm TGPL Nhà nước TP Cần Thơ, địa chỉ: số 1A, đường Trần Khánh Dư, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ; số điện thoại: 0292.3825926 – 0292.3810328.

Bài, ảnh: HOÀNG YẾN

Chia sẻ bài viết