Ngày nay, mỗi gia đình thường chỉ có 1-2 con nên thường dành cho con sự kỳ vọng lớn lao. Điều đó cũng rất dễ tạo áp lực cho con cái. Thực tế cho thấy thay vì ép con học để lấy thành tích thì sự quan tâm, đồng hành, tạo điều kiện để con trải nghiệm cuộc sống lại mang đến những hiệu quả tích cực hơn.
Bé Dâu ngụ quận Ninh Kiều, lớn lên trong sự bảo bọc của cha mẹ. Vợ chồng anh Huy chỉ có bé Dâu nên mọi kỳ vọng đều đặt hết vào con. Ngoài thời gian học ở trường, mỗi tuần, bé Dâu phải “tăng ca” 7 buổi học thêm tại trung tâm. Vào thời điểm kiểm tra giữa kỳ hay thi cuối năm, vợ chồng anh Huy còn nhờ giáo viên chủ nhiệm giao thêm bài tập về nhà cho con, tăng cường mời gia sư kèm cặp vào các tối. Với thời gian biểu học tập dày đặc, thời gian vui chơi của bé Dâu rất ít ỏi. Bé ngày càng trở nên lầm lì, ít giao tiếp.
Cha mẹ dành thời gian đồng hành, giúp con có điều kiện vừa vui chơi, học hành hợp lý. Ảnh minh họa
Trường hợp như bé Dâu không phải là hiếm. Hiện nay, một bộ phận phụ huynh kỳ vọng quá lớn vào thành tích học tập của con cái, thúc ép con mà vô tình tạo nên áp lực quá lớn.
Trước đây, chị Trúc ngụ quận Cái Răng, rất lo lắng chuyện học hành của con trai đang học lớp 4. Sợ con thua kém bạn bè nên chị cho con đi học thêm vào buổi tối. Sau giờ học tại trung tâm, về đến nhà, chị tìm kiếm dạng bài tương tự cho con trai làm đến tận 10 giờ khuya. Kết quả là chị và con trai đều cảm thấy mệt mỏi. Mỗi sáng đến trường, bé đều ủ rũ, mệt nhoài, học trước quên sau. Chị Trúc chia sẻ: “Trò chuyện với giáo viên chủ nhiệm, tôi được cô giáo kể về chương trình học của các con. Thật ra, chương trình tiểu học không quá nhồi nhét kiến thức. Các bé hoàn toàn có khả năng thích ứng, tiếp thu bài học ngay trên lớp. Việc nhồi nhét học thêm ngoài giờ lên lớp, tăng cường gia sư, bài tập… không thể mang lại kết quả tốt nếu bản thân trẻ không chủ động, hào hứng”. Từ lời khuyên của giáo viên, chị Trúc chủ động thay đổi lối sinh hoạt gia đình, thay đổi thời gian biểu học của con. Chị dành thời gian kiểm tra xem con đã tiếp thu gì trên lớp, khơi gợi tính ứng dụng của bài học, kích thích sự sáng tạo của con. Cuối tuần, vợ chồng chị hay tổ chức dã ngoại, tạo điều kiện để con trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên. Chị cũng cho con tham gia lớp kỹ năng sống...
Năm học này, chị Hải ở quận Ninh Kiều, tất bật hơn khi con trai bước vào lớp 6. Chị Hải trải lòng: “Hiểu rõ sức học của con còn yếu, tiếp thu bài khá chậm nên tôi xây dựng kế hoạch kèm con học đúng cách. Tôi phải cố gắng kiềm chế cơn nóng giận khi con không nghe lời hoặc lơ là học tập”. Chị Hải dành thời gian lắng nghe con tâm sự về chuyện trường lớp, bạn bè, cô giáo, về suy nghĩ của con trước những vấn đề trong cuộc sống... Qua đó, chị kịp thời chia sẻ và hỗ trợ con tốt hơn.
Hầu hết bậc phụ huynh đều đặt niềm tin và sự kỳ vọng lớn lao vào con cái. Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ có tính cách riêng và cha mẹ cần có cách giáo dục riêng. Theo các chuyên gia tâm lý, cùng con học tập chưa bao giờ là điều dễ dàng. Sự đồng hành, chia sẻ từ cha mẹ luôn là điều không thể thiếu, giúp con trẻ tự tin vào bản thân, phát huy khả năng và vươn tới thành công. Mỗi bậc cha mẹ cần thấu hiểu, biết chấp nhận những thất bại, động viên, giúp con có cái nhìn tích cực trong mọi hoàn cảnh; cho con cơ hội được nói lên ý kiến, suy nghĩ, khám phá cuộc sống xung quanh để phát triển cả tư duy và nhận thức một cách tốt nhất.
Bài, ảnh: KIẾN QUỐC