30/07/2024 - 08:35

Trung Ðông “căng như dây đàn” 

Một số chuyến bay đến sân bay Beirut của Lebanon đã bị hủy hoặc hoãn, trong bối cảnh căng thẳng leo thang nghiêm trọng giữa Israel và nhóm vũ trang Hezbollah.

Hiện trường vụ tấn công trên Cao nguyên Golan ngày 27-7. Ảnh: The National News

Hãng hàng không giá rẻ Eurowings thuộc tập đoàn Lufthansa của Đức đã hủy 3 chuyến bay dự kiến đến Beirut vào chiều 29-7. Turkish Airlines của Thổ Nhĩ Kỳ cũng hủy 2 chuyến bay, trong khi SunExpress, Ajet (công ty con của Turkish Airlines), Aegean Airlines (Hy Lạp), Ethiopian Air (Ethiopia) và hãng hàng không Trung Đông (MEA) của Lebanon có động thái tương tự đối với các chuyến bay theo lịch trình hạ cánh tại Beirut vào ngày 29-7.

Sân bay quốc tế Beirut-Rafic Hariri là phi trường duy nhất của Lebanon. Nơi này từng trở thành mục tiêu trong cuộc nội chiến của Lebanon cũng như các trận giao tranh trước đó với Israel.

Động thái trên của các hãng hàng không diễn ra sau vụ tấn công bằng tên lửa giết chết hàng chục thanh thiếu niên tại Cao nguyên Golan vào ngày 27-7, làm gia tăng nguy cơ Israel và Hezbollah bị cuốn vào một cuộc chiến toàn diện.

Trong bối cảnh trên, chính quyền các nước Mỹ, Na Uy và Ireland đã kêu gọi công dân sớm rời khỏi Lebanon.

Theo báo cáo từ Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), khu vực miền Bắc nước này, trong đó có Cao nguyên Golan, đã bị bắn phá dữ dội từ Lebanon. Một sân bóng đá tại thị trấn Druze Majdal Shams đã trúng rocket khiến 12 người thiệt mạng và 19 người khác bị thương.

IDF cho biết có bằng chứng cho thấy Hezbollah, nhóm được Iran hậu thuẫn, đã bắn rocket từ Chebaa, một làng thuộc miền Nam Lebanon. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố Hezbollah sẽ phải “trả cái giá mà họ chưa từng trả trước đây” cho vụ tấn công trên. Máy bay Israel sau đó bắn phá các mục tiêu ở miền Nam Lebanon để trả đũa.

Nội các an ninh của Israel ngày 28-7 đã ủy quyền cho chính phủ của Thủ tướng Netanyahu quyết định “quy mô và thời điểm” đáp trả cuộc không kích tại Cao nguyên Golan.

Cùng ngày, Bộ Giao thông Vận tải Israel cũng đã chỉ thị cho 2 cảng biển phía Nam thuộc thành phố Ashdod sẵn sàng thay thế cho 2 cảng phía Bắc thuộc thành phố Haifa do khả năng mở rộng và gia tăng giao tranh ở biên giới với Lebanon.

Về phần mình, Hezbollah phủ nhận mọi liên quan đến vụ tấn công này. Trong khi đó, Iran cảnh báo Israel rằng bất kỳ “cuộc phiêu lưu” quân sự mới nào ở Lebanon đều có thể dẫn đến “hậu quả khó lường”.

Một quan chức phương Tây nói với đài CNN rằng chắc chắn vụ tấn công do Hezbollah thực hiện, nhưng không cố ý. Theo vị này, ​​ Israel sẽ đáp trả nhưng không muốn leo thang thành một cuộc xung đột lớn hơn và Hezbollah biết đòn đáp trả sắp xảy ra, nên sẽ có cách đối phó hợp lý.

Người đứng đầu đơn vị quan hệ truyền thông của Hezbollah, Mohammad Afif, cho biết lực lượng này đang trong “tình trạng động viên” và đã sơ tán một số vị trí quân sự sau khi các mối đe dọa từ Israel gia tăng. Một nguồn tin tiết lộ Hezbollah gần đây đã sơ tán các địa điểm quan trọng ở miền Nam Lebanon và Thung lũng Beqaa. Ông Afif mô tả giao tranh giữa Israel và Hezbollah trong nhiều tháng qua là một “tình trạng chiến tranh”.

Hai bên đã tập kích ăn miếng trả miếng gần như mỗi ngày kể từ vụ đột kích đẫm máu của phong trào Hamas vào Israel ngày 7-10 năm ngoái.

Thổ Nhĩ Kỳ có thể “can thiệp” vào Israel

Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 28-7 ám chỉ nước này có thể thay mặt người Palestine “can thiệp” vào Israel, theo những cách tương tự mà Ankara đã làm trong các cuộc xung đột khác. Ngoại trưởng Israel Katz của Israel lập tức đáp trả những bình luận của ông Erdogan. “Ông Erdogan đi theo bước chân của cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein và đe dọa tấn công Israel. Hãy nhắc ông ta nhớ lại những gì đã xảy ra ở đó và kết thúc như thế nào”, ông Katz viết trên X.

Ông Erdogan bắn tín hiệu trên sau các cuộc không kích của Israel nhằm vào một trường học được người Palestine di tản sử dụng làm nơi trú ẩn ở miền Trung Gaza hôm 27-7 khiến ít nhất 30 người thiệt mạng, bao gồm cả trẻ em.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết