22/09/2024 - 13:28

Chính sách tăng tuổi hưu “linh hoạt” và “tinh tế” của Trung Quốc 

Là một trong những nền kinh tế lớn có tuổi nghỉ hưu thấp trên thế giới, Trung Quốc giờ đây cũng bắt đầu nâng độ tuổi “dưỡng già” ở người lao động trước bài toán dân số suy giảm và quỹ lương hưu đang cạn kiệt.

Người cao tuổi đang được xem là nguồn lực tăng trưởng mới ở Trung Quốc, tạo nên “nền kinh tế bạc” có quy mô hàng ngàn tỉ USD. Ảnh: Getty Images

Ngày 13-9, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua quyết định tăng dần tuổi nghỉ hưu lần đầu tiên kể từ năm 1978. Theo đó, tuổi nghỉ hưu của nam giới sẽ được nâng từ 60 hiện nay lên 63 tuổi trong khi ở phụ nữ tăng từ 50 lên 55 tuổi (với người làm công việc lao động chân tay) hoặc từ 55 lên 58 tuổi (với người làm công việc trí óc).

Chính sách mới có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 với lộ trình triển khai dự kiến trong 15 năm, dựa trên ngày sinh của người dân. Theo biểu đồ được công bố đính kèm, các thay đổi về tuổi nghỉ hưu chỉ ảnh hưởng những người sinh sau những năm nhất định: nam sinh sau năm 1965, nữ nhân viên văn phòng sinh sau năm 1970 và nữ lao động phổ thông sinh sau năm 1975. 

Cùng với kéo dài thời gian làm việc, người lao động phải đóng góp nhiều hơn vào hệ thống an sinh xã hội để được hưởng lương hưu. Thay đổi mới có hiệu lực từ năm 2030 và sau lộ trình 10 năm, người lao động sẽ đóng bảo hiểm xã hội 20 năm mới được hưởng lương hưu thay vì từ 15 năm hiện nay. Tân Hoa xã thông tin thêm, nghỉ hưu trước tuổi theo luật định sẽ không được phép nhưng chính sách mới linh hoạt để người lao động lựa chọn nghỉ hưu sớm tối đa không quá 3 năm với điều kiện bảo đảm thời gian nộp bảo hiểm xã hội, tức không dưới 60 tuổi đối với nam và 55 hoặc 50 tuổi đối với nữ theo quy định. Tuổi nghỉ hưu có thể kéo dài dựa trên cơ sở thỏa thuận thống nhất giữa đơn vị sử dụng lao động và người lao động, nhưng cũng không quá 3 năm.

Theo số liệu chính thức từ Cục Thống kê Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm tuổi từ 16 - 24 (không bao gồm sinh viên đại học) là 17,1% trong tháng 7-2024. Ở nhóm tuổi từ 25 đến 29, tỷ lệ thất nghiệp là 6,5%. Đối với toàn bộ lực lượng lao động, tỷ lệ thất nghiệp là 5,2%. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp trong sinh viên tốt nghiệp còn cao hơn. Theo một báo cáo, sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng nghề và trường kỹ thuật chiếm 70% số thanh niên thất nghiệp vào năm 2022.

Ít có khả năng gây phản đối

Trung Quốc đang đối mặt cuộc khủng hoảng nhân khẩu học với chiều hướng lan rộng khi nền kinh tế chậm lại, phúc lợi bị cắt giảm và hệ quả của chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ đang dần hiện ra. Năm 2023, Trung Quốc ghi nhận dân số giảm nhanh năm thứ 2 liên tiếp do tỷ lệ sinh giảm trong khi số ca tử vong gia tăng bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19. Và trong thập kỷ tới, ước tính khoảng 300 triệu người (hiện ở độ tuổi 50 đến 60) sẽ rời khỏi lực lượng lao động ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Đây là nhóm nhân khẩu học lớn nhất của đất nước và theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, gần một 1/3 dân số Trung Quốc sẽ ở độ tuổi trên 60 vào năm 2040, tức khoảng 402 triệu người và lớn hơn quy mô dân số Mỹ.

Với số lượng người già được dự đoán nhiều hơn khi tuổi thọ trung bình của người dân Trung Quốc đã tăng lên mốc 78,2 năm, một số chuyên gia trong nước cho biết áp lực lên quỹ lương hưu cũng nặng nề khi trách nhiệm hỗ trợ người cao tuổi được chia cho nhóm nhỏ những người lao động trẻ, bởi phần lớn tiền lương hưu vốn dĩ được tài trợ bằng cách khấu trừ từ những người đang đi làm. Theo thống kê của Chính phủ Trung Quốc, hiện cứ 5 người lao động đóng góp hỗ trợ cho 1 người nghỉ hưu. Con số này chỉ bằng một nửa so với thập kỷ trước và đang có xu hướng giảm xuống còn 4 người lao động/1 người nghỉ hưu vào năm 2030, sau đó là 2 người lao động/1 người nghỉ hưu vào 2050. Theo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, quỹ lương hưu của nước này đang cạn kiệt và sẽ hết tiền vào năm 2035.

Trong bối cảnh nguồn lực quốc gia không kịp xây dựng đủ quỹ chăm sóc người về hưu, một số nhà phân tích cho rằng chính sách tăng tuổi nghỉ hưu là biện pháp cần thiết để Trung Quốc “quản lý khủng hoảng” dù quá trễ. Số khác lại cho rằng đây là chiến lược dài hạn để giữ nguồn lao động, đồng thời “rất tinh tế” về mặt chính trị nếu nhìn vào các chi tiết chính sách. Ví dụ, dựa vào cách tính năm nghỉ hưu từ ngày sinh, những người nam sinh vào 4 tháng cuối của năm 1968 sẽ có thêm tròn 1 năm làm việc. Được biết, 1968 cũng là năm có số ca sinh cao thứ 2 trong lịch sử Trung Quốc, với khoảng 31,7 triệu người được sinh ra. Theo cách tính trên, những người nam sinh năm 1977 phải cộng thêm 3 năm làm việc và sẽ nghỉ hưu ở tuổi 63.

Thách thức giữa các thế hệ

Theo Tân Hoa xã, kế hoạch tăng tuổi làm việc và điều chỉnh chính sách lương hưu dựa trên đánh giá toàn diện về tuổi thọ trung bình, điều kiện sức khỏe, cơ cấu dân số, trình độ học vấn và nguồn cung lao động tại Trung Quốc. “Điều này đã được dự đoán trước. Nam giới ở hầu hết các nước châu Âu nghỉ hưu khi họ 65 hoặc 67 tuổi, trong khi phụ nữ nghỉ hưu ở tuổi 60. Đây cũng sẽ là xu hướng ở nước ta” - một người ủng hộ viết trên Weibo. Mo Rong, giám đốc Học viện Lao động và An sinh xã hội Trung Quốc cho rằng quyết định trên là “lựa chọn tất yếu” sẽ giúp đất nước “thích nghi với chuẩn mực dân số mới”.

Cùng với ý kiến đồng thuận, chính sách mới mặt khác vấp phải nhiều hoài nghi. Trước đó, các chuyên gia cho biết việc điều chỉnh lộ trình nghỉ hưu có thể làm chậm lại sự suy giảm lực lượng lao động. Tuy nhiên, hậu quả ngắn hạn cũng được cảnh báo bởi nó có thể gây bất bình ở  nhóm lao động đang phải vật lộn với nền kinh tế chậm lại. Một trong những mối quan tâm nổi bật xung quanh cải cách này nữa là tác động có thể có đối với thị trường việc làm vốn đã khó khăn. Hiện tình trạng thất nghiệp dai dẳng ở thanh niên là vấn đề cấp bách ở Trung Quốc và nhiều người lo ngại nhóm lao động lớn tuổi làm việc lâu hơn sẽ khiến vấn đề này càng thêm trầm trọng. Đối với họ, chi phí sinh hoạt và nhà ở tăng cao tại các khu vực thành thị vốn đã tăng thêm áp lực tìm được việc lương cao. Giờ đây, những người lao động lớn tuổi kéo dài sự nghiệp sẽ tiếp tục kéo giảm cơ hội thăng tiến hoặc đảm bảo người lao động trẻ đạt tới các vị trí mang lại sự ổn định lâu dài.

Tại một số quốc gia, chẳng hạn như Nhật Bản và Hàn Quốc, hầu hết họ đã thành công nâng tuổi nghỉ hưu lên lần lượt là 65 và 63 tuổi để ứng phó tình trạng già hóa dân số nghiêm trọng. Đây có thể là mô hình tiềm năng để Trung Quốc noi theo, mặc dù còn vướng nhiều khác biệt đáng kể về hệ thống lương hưu và luật lao động. Ngoài ra, thách thức ở Trung Quốc phức tạp hơn do sự chênh lệch giữa khu vực nông thôn và thành thị, cũng như giữa những tỉnh thành khác nhau. Vì vậy, các chuyên gia lưu ý Trung Quốc cần thích nghi với trạng thái “bình thường mới của sự phát triển dân số” và có hành động cân bằng để giải quyết những lo ngại kinh tế trước mắt cùng những tác động xã hội rộng lớn hơn.

Nhưng nhìn chung, bản chất của chính sách mới phù hợp với những thay đổi mà Trung Quốc đã trải qua trong vài thập kỷ, được phản ánh trong từng thế hệ như cải thiện cơ hội giáo dục và sức khỏe. Việc tích hợp cẩn thận các yếu tố kinh tế xã hội và nhân khẩu học trong những thay đổi này mang lại những bài học giá trị cho các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới. Chẳng hạn như Mỹ, nước này cũng đối mặt với vấn đề tương tự vì phân tích cho thấy hiện tại, quỹ an sinh xã hội sẽ không thể chi trả toàn bộ phúc lợi cho mọi người vào năm 2033.

Dân số Trung Quốc cuối năm 2023 là 1,409 tỉ người, giảm khoảng hai triệu người so với 1,411 tỉ người cuối năm 2022.

Tỷ lệ sinh của Trung Quốc năm 2023 cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục kể từ năm 1949, ở mức 6,39 trẻ em trên 1.000 dân, so với mốc 6,77 năm 2022. Trung Quốc năm ngoái có 9,02 triệu trẻ sơ sinh ra đời, giảm so với 9,56 triệu trẻ năm 2022, trong khi có 11,1 triệu người chết ở nước này, tăng 690.000 người so với năm 2022.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết