21/09/2024 - 09:46

Nuôi thủy sản đảm bảo an toàn để giữ vững thị trường xuất khẩu 

Qua 8 tháng năm 2024, xuất khẩu thủy sản của nước ta có sự phục hồi tốt và đạt được mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm nước. Thành công này có sự đóng góp rất lớn của các cơ quan chức năng Trung ương, địa phương cùng người dân và doanh nghiệp trong việc đảm bảo nguồn thủy sản nuôi trồng đạt chất lượng, an toàn đáp ứng các yêu cầu thị trường xuất khẩu. Ðể các loại thủy sản có đầu ra tốt, Cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang tiếp tục tăng cường phối hợp các địa phương, đơn vị có liên quan nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong nuôi trồng thủy sản (NTTS).

Thu hoạch cá tra nuôi tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ.

Xuất khẩu thủy sản đạt kết quả tốt

Hiện thủy sản nuôi trồng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản lượng thủy sản của nước ta. Do vậy, việc phát triển nuôi trồng và đảm bảo ATTP trong NTTS đóng vai trò quan trọng trong phát triển xuất khẩu thủy sản.

Theo Cục Thủy sản, tổng sản lượng thủy sản của nước ta trong 8 tháng năm 2024 đạt hơn 6,090 triệu tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 3,447 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng thủy sản khai thác đạt 2,644 triệu tấn, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Các loại thủy sản được nuôi nhiều: cá tra đạt sản lượng 1,119 triệu tấn, tôm nước lợ đạt sản lượng 728.500 tấn... Qua 8 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt gần 6,3 tỉ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt hơn 2,41 tỉ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ và xuất khẩu cá tra đạt 1,2 tỉ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, xuất khẩu nhiều loại thủy sản của nước ta trong những tháng cuối năm tiếp tục có nhiều thuận lợi nhờ nhu cầu tiêu thụ tại nhiều nước tăng, đồng thời sản lượng nuôi một số loại thủy sản (như tôm nước lợ) tại nhiều nước cũng giảm, tạo điều kiện cho nước ta tăng xuất khẩu. Dù vậy, tới đây việc phát triển xuất khẩu thủy sản sang nhiều thị trường vẫn còn gặp không ít khó khăn, nhất là khi nhiều nước gia tăng các rào cản kỹ thuật và tăng cường kiểm soát chất lượng và ATTP của các sản phẩm thủy sản. Những năm qua, các thị trường nhập khẩu thủy sản chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU... cũng đã liên tục cử các đoàn thanh tra đến nước ta để kiểm tra, giám sát về việc đảm bảo ATTP trong nuôi trồng, chế biến thủy sản. Dự kiến từ 24-9 đến 17-10-2024 tới đây, nước ta đón Ðoàn thanh tra của Liên minh châu Âu (EU) sang Việt Nam để thanh tra trong lĩnh vực NTTS, tập trung vào chương trình giám sát, kiểm soát dư lượng sản phẩm thủy sản xuất khẩu vào EU theo quy định của EU. Ðoàn sẽ đánh giá hoạt động của chương trình kiểm soát dư lượng đối với các sản phẩm được phép xuất khẩu sang thị trường EU và thẩm tra độ tin cậy về đảm bảo thủy sản nuôi không chứa dư lượng theo quy định của EU.

Tăng cường công tác đảm bảo ATTP

Ðể phát triển và giữ vững các thị trường xuất khẩu, đòi hỏi sản phẩm thủy sản của nước ta phải đáp ứng tốt các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, về đảm bảo chất lượng, ATTP và không có dư lượng đáp ứng theo yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Nhằm tăng cường công tác đảm bảo ATTP trong NTTS, tại TP Cần Thơ, Cục Thủy sản thuộc Bộ NN&PTNT vừa chủ trì phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức hội thảo "Quy định về ATTP trong NTTS". Tại hội thảo này, bên cạnh việc cập nhật, phổ biến các quy định về bảo đảm ATTP trong NTTS của Việt Nam, các đại biểu còn được Cục Thủy sản thông tin về tình hình xuất khẩu thủy sản, các quy định và yêu cầu mới tại một số thị trường xuất khẩu chủ lực của nước ta như Hoa Kỳ, EU... Ðồng thời, thông báo các nội dung thanh tra và kế hoạch thanh tra của Ðoàn thanh tra EU để các cơ sở nuôi trồng thủy sản của nước ta có sự chủ động trong công tác chuẩn bị nhằm đón tiếp đoàn. Tham dự hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước cùng nhiều doanh nghiệp, cơ sở nuôi trồng thủy sản cũng đã cùng nhau trao đổi thảo luận, chia sẻ các kinh nghiệm, cách làm hay và giải pháp nhằm nuôi thủy sản đảm bảo chất lượng, ATTP đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhiều ý kiến cho rằng, tới đây các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhau để kiểm soát tốt các vùng nuôi và yếu tố đầu vào phục vụ nuôi trồng như giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản... Ðặc biệt, nông dân cần tăng cường liên kết với nhau và với các đơn vị, doanh nghiệp để tạo chuỗi liên kết ngành hàng bền vững. Thực hiện tốt các khâu từ chuẩn bị ao nuôi đến việc mua con giống, vật tư đầu vào và ghi chép nhật ký sản xuất, xây dựng các hồ sơ để đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu... Theo ông Dương Hoàng Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, cùng với việc chất lượng nguồn con giống thủy sản tại một số nơi chưa đảm bảo thì hiện việc quản lý chất lượng các loại vật tư đầu vào cũng còn gặp khó bởi tình trạng bán hàng tràn lan trên các trang mạng xã hội. Ðể đảm bảo ATTP trong NTTS nông dân và các cơ sở nuôi thủy sản cần mua con giống và các loại vật tư đầu vào ở những nơi đảm bảo uy tín chất lượng và được cấp đầy đủ các giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh theo quy định. Ðồng thời, quan tâm tăng cường liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để ổn định đầu ra sản phẩm. Bộ NN&PTNT cần cập nhật, ban hành kịp thời danh mục các loại thuốc thú y và thuốc thủy sản được phép sử dụng, cũng như thuốc bị cấm sử dụng để người dân, doanh nghiệp nắm, đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Theo ông Nhữ Văn Cẩn, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản, đảm bảo ATTP trong NTTS là nhiệm vụ thường xuyên liên tục và lâu dài, chứ không phải bây giờ mới làm hay khi có các đoàn thanh tra mới làm. Việc đảm bảo ATTP xuất phát từ yêu cầu quản lý, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng và cũng giúp phát triển xuất khẩu các sản phẩm thủy sản. Các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở nuôi trồng thủy sản cần quan tâm tuân thủ các quy định và thực hiện tốt việc quản lý sản xuất, không để xảy ra các vi phạm...

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết