31/08/2024 - 08:44

Qua đời trong cô độc - vấn đề xã hội gây lo ngại tại Nhật Bản 

Theo số liệu chính thức vừa được Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản công bố, trong 6 tháng đầu năm 2024, nước này ghi nhận tổng cộng 37.227 trường hợp qua đời trong cô độc tại nhà.

Người già ở Nhật.

Trong số những người qua đời một mình tại nhà, có tới 28.330 người trên 65 tuổi, chiếm khoảng 76%. Theo độ tuổi, những người trên 85 tuổi là nhóm có số người chết trong cô độc cao nhất, với 7.498 trường hợp, trong khi những người dưới 30 tuổi là nhóm có số người chết trong cô độc thấp nhất, với 473 trường hợp.

Theo giới tính, số nam giới chết trong cô độc cao gấp hơn 2 lần so với số nữ giới. Các vùng đô thị ghi nhận số người chết trong cô độc ở mức rất cao, trong đó có thủ đô Tokyo và các tỉnh như Kanagawa, Chiba, Saitama, cũng như Osaka.

Thuật ngữ koritsushi (qua đời trong cô độc) được biết đến ở Nhật Bản kể từ thảm họa động đất Kobe năm 1995, khi nhiều người cao tuổi buộc phải rời khỏi cộng đồng, sống trong các ngôi nhà tạm bợ. Một số sau đó tự cách ly bản thân, từ chối chăm sóc hoặc nhận chăm sóc từ người khác. Tình trạng này có thể trở nên phổ biến hơn khi dân số Nhật Bản già hóa nhanh chóng và tỷ lệ hộ gia đình độc thân sẽ tăng cao từ mức 39% hiện nay.

Trong những năm gần đây, Chính phủ Nhật Bản đã tăng cường nỗ lực để đối phó với tình trạng cô lập xã hội và sống cô đơn của người dân nước này.

THANH HẢI (TTXVN)

 

Chia sẻ bài viết