22/09/2024 - 13:57

Cần Thơ chủ động phòng bệnh sởi 

Theo thống kê của ngành Y tế TP Cần Thơ, bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết (SXH) giảm sâu nhưng bệnh sởi đang tăng nhanh. Ngành Y tế thành phố khuyến cáo người dân không chủ quan trước dịch bệnh.

Bệnh sởi tăng nhanh

Vừa qua, Sở Y tế TP Cần Thơ phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ tổ chức đoàn giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh, rà soát tiền sử tiêm chủng sởi tại phường Hưng Lợi (quận Ninh Kiều), phường Phú Thứ (quận Cái Răng) và phường Long Hòa (quận Bình Thủy). Kết quả giám sát cho thấy số ca tay chân miệng và SXH đều giảm sâu so với cùng kỳ năm 2023, riêng phường An Hòa, quận Ninh Kiều có 1 ca tử vong do bệnh sốt xuất huyết.

Cán bộ CDC Cần Thơ giám sát, tuyên truyền tại phòng y tế,  Trường Tiểu học Long Hòa 1, quận Bình Thủy.

Theo thống kê của CDC Cần Thơ, từ đầu năm 2024 đến ngày 18-9, thành phố ghi nhận 476 ca SXH, giảm 985 ca; 738 ca tay chân miệng, giảm 1.097 ca so với cùng kỳ năm 2023. Trong 7 tháng đầu năm nay, cả thành phố chỉ ghi nhận 7 ca sởi, nhưng từ tháng 8-2024 đến nay, số ca sởi tăng nhanh, đã ghi nhận 127 ca sốt phát ban nghi sởi, 55 ca sởi và 13 ca sởi lâm sàng không làm xét nghiệm. Trong khi cùng kỳ 2023 thành phố không ghi nhận ca sởi. 

BS CKII Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc CDC Cần Thơ cho biết: Bệnh sởi lây qua đường hô hấp, rất dễ lây hơn COVID-19. Trong bối cảnh giao thương đi lại thuận tiện, nguy cơ bệnh lây nhanh hơn. Bệnh sởi đang diễn biến rất phức tạp. Vì vậy, khi có ca sốt phát ban nghi sởi, địa phương cần xử lý như một ca sởi, không chờ chẩn đoán xác định. 

Thạc sĩ Hà Minh Hùng, Phó Trưởng Khoa Phòng, chống Bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch y tế quốc tế, CDC Cần Thơ, thông tin: Chỉ số tấn công (khả năng lây) của sởi là 9, trong khi COVID-19 là 3. Tức 1 ca COVID-19 có thể lây cho 3-5 người, trong khi 1 ca sởi lây 15-21 người. Với ổ dịch sởi, ca sởi dương tính, cán bộ trạm y tế cần khai thác tiền sử tiêm chủng sởi, tiền sử tiếp xúc (đi đâu, tiếp xúc với ai) trong vòng 14 ngày. Với những người, hộ gia đình có tiếp xúc với người bệnh, đều phải hướng dẫn khử khuẩn, vệ sinh nhà cửa, thông khí, hạn chế máy lạnh, hạn chế tiếp xúc, đeo khẩu trang, tự theo dõi sức khỏe... để hạn chế sự lây lan.

Rà soát để không bỏ sót trẻ tiêm sởi

Sở Y tế thành phố chỉ đạo Trung tâm Y tế quận, huyện phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo, các ban, ngành, đoàn thể liên quan rà soát tiền sử tiêm chủng sởi đối với trẻ từ 1 đến 10 tuổi (trẻ sinh từ ngày 1-1-2014 đến 31-12-2023) tại cộng đồng và các trường học. Các cơ sở khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập trên địa bàn lập danh sách nhân viên y tế có nguy cơ cao lây nhiễm bệnh sởi hoặc nhân viên y tế thuộc các khoa, phòng điều trị bệnh nặng cần tiêm bổ sung vaccine sởi. 

Theo CDC Cần Thơ, qua giám sát tại quận Ninh Kiều và rà soát tại các trường mẫu giáo, mầm non, tiểu học, có 2.045 trẻ chưa tiêm ngừa sởi, 4.447 trẻ tiêm 1 mũi, trên 1.000 trẻ không rõ mũi tiêm. Tại quận Bình Thủy, tính đến ngày 19-9, trạm y tế phối hợp trường học ghi nhận được 3.039 trẻ chưa tiêm sởi đủ liều. Ngoài ra, một số trẻ đang rà soát bổ sung thêm do mất sổ tiêm chủng, cán bộ trạm y tế phải rà soát lại từng trẻ trên sổ và trên phần mềm quản lý tại trạm. Theo Trung tâm Y tế quận Bình Thủy, việc rà soát tiêm chủng sởi trên địa bàn gặp khó khăn, do thời gian rà soát ngắn, trẻ bị mất sổ, sổ lưu tại trạm y tế không có tên, những trẻ sinh từ năm 2014-2017 hiện không có trên hệ thống; một số người cư trú không cố định...

Tại các buổi giám sát, BS CKII Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, không để sót đối tượng tiêm phòng sởi. Đồng thời, các địa phương cần chủ động chuẩn bị điểm tiêm cố định, lưu động, nhân lực... khi có vaccine sởi về là tiến hành tiêm ngay. Các trạm y tế phối hợp trường học, chính quyền tăng cường truyền thông các biện pháp phòng bệnh sởi bằng thông điệp ngắn, gọn, dễ hiểu, phát ở khu đông dân cư, trường học vào giờ đưa rước trẻ, học sinh, buổi sinh hoạt đầu năm học với phụ huynh...

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết