16/09/2024 - 05:16

Toan tính của Thổ Nhĩ Kỳ khi muốn gia nhập BRICS 

Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức nộp đơn xin gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) và quá trình gia nhập có thể được thảo luận trong tháng 10 - thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh BRICS ở thành phố Kazan (Nga).

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (hàng trên bên phải) là khách mời tại hội nghị thượng đỉnh của BRICS năm 2018. Ảnh: AFP

Động thái trên của Thổ Nhĩ Kỳ được coi vừa mang tính chiến lược vừa mang tính biểu tượng trong bối cảnh Ankara ngày càng có những bước tiến về mặt ảnh hưởng trên trường quốc tế.

George Dyson, nhà phân tích cấp cao tại công ty tư vấn toàn cầu Control Risks, nhận định động thái xin gia nhập BRICS của Thổ Nhĩ Kỳ “phù hợp với hành trình địa chính trị rộng lớn hơn của nước này”, bởi Ankara muốn định vị nước này là một thế lực độc lập trong một thế giới đa cực. “Điều này không có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn quay lưng lại với phương Tây nhưng nước này muốn thúc đẩy càng nhiều mối quan hệ càng tốt và muốn theo đuổi các cơ hội một cách đơn phương, không bị sự liên kết của phương Tây ràng buộc. Động thái này chắc chắn là mang tính biểu tượng khi Thổ Nhĩ Kỳ đang chứng minh rằng họ không bị mối quan hệ tốt đẹp với phương Tây hạn chế” - ông Dyson nói thêm.

Như vậy, nếu nỗ lực gia nhập BRICS của Thổ Nhĩ Kỳ thành công thì đây sẽ là lần đầu tiên một quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) gia nhập BRICS. Hiện Mỹ chưa có phản ứng đáng kể nào trước nỗ lực này của Thổ Nhĩ Kỳ. Asli Aydintasbas, nhà phân tích tại Viện Brookings (Mỹ), nhận định khả năng cao Washington sẽ tiếp tục im lặng, bởi động thái của Ankara không có nhiều tác động do BRICS không phải là liên minh quân sự và không có lực lượng an ninh chung.

Thật ra, sự quan tâm của Thổ Nhĩ Kỳ đối với BRICS không phải là điều bất ngờ. Ngay từ năm 2018 sau khi được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh thường niên BRICS năm đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã cân nhắc ý định tham gia nhóm này. Và trong hơn một năm trước khi nộp đơn xin gia nhập BRICS, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nhiều lần bày tỏ mong muốn được gia nhập nhóm.

BRICS được thành lập năm 2009, hiện có các thành viên gồm Brazil, Nga, Ấn Ðộ, Trung Quốc, Nam Phi, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Trong 2 năm qua, ngày càng nhiều quốc gia bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập nhóm và một số đã chính thức nộp đơn đăng ký, bao gồm Venezuela, Thái Lan, Senegal, Cuba, Kazakhstan, Azerbaijan, Belarus, Bahrain, Pakistan....

Nằm giữa châu Á và châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã bị Liên minh châu Âu (EU) thu hút và từng nhiều lần cố gắng gia nhập EU trong suốt 21 năm cầm quyền của Tổng thống Erdogan. Với dân số hơn 85 triệu người, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là quốc gia lớn nhất trong EU nếu gia nhập thành công và do đó sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia ban lãnh đạo của EU. Song, EU đến nay vẫn kiên quyết rằng họ chưa sẵn sàng chấp nhận Ankara là thành viên chính thức.

Ngoài việc bị EU “lạnh nhạt”, Thổ Nhĩ Kỳ dường như cũng cảm thấy bị trật tự toàn cầu rộng lớn hơn do phương Tây thống trị cản trở. Ankara đổ lỗi cho phương Tây, đặc biệt là Mỹ, kìm hãm sự phát triển của ngành quốc phòng và ngành công nghiệp nói chung của nước này, đồng thời không cho phép Thổ Nhĩ Kỳ có được vị trí xứng đáng trong các vấn đề quốc tế. Theo đó, Tổng thống Erdogan tỏ ra khó chịu đối với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết, gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga - điều mà ông cho rằng không phản ánh thực tế địa chính trị của thế kỷ 21.

Do đó, việc gia nhập BRICS sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho Thổ Nhĩ Kỳ trên cả mặt trận kinh tế lẫn ngoại giao. Trên thực tế, việc gia nhập BRICS sẽ đưa Thổ Nhĩ Kỳ vào vị trí quan trọng, trở thành cầu nối ngoại giao giữa phương Đông và phương Tây, giữa phương Bắc và phương Nam, đồng thời củng cố vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ. “Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành một quốc gia mạnh mẽ, thịnh vượng, uy tín và hiệu quả nếu cải thiện quan hệ với cả phương Đông và phương Tây cùng một lúc” - Tổng thống Erdogan tin tưởng.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết